Huy động nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Bà con dân tộc Thái xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chung tay làm đường giao thông nông thôn (Ảnh: Đ.V.H) |
Không đạt mục tiêu
Năm 2011, khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn tỉnh Điện Biên bình quân chỉ đạt 1,4 tiêu chí. Đặc biệt, với địa hình khó khăn, miền núi chia cắt, dân cư sinh sống phân tán, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn còn yếu kém và thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó, đời sống của dân cư nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn tương đối cao khiến việc triển khai thực hiện chương trình gặp nhiều trở ngại.
Bên cạnh đó, chất lượng hiệu quả hệ thống chính trị ở cơ sở vùng nông thôn, nhất là ở các xã biên giới còn nhiều hạn chế. Các vấn đề về an ninh nông thôn ở vùng biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân về xây dựng NTM yếu, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực đầu tư của nhà nước. Việc triển khai thực hiện nội dung chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn 2011 - 2015 vẫn còn dàn trải, thiếu trọng tâm. Một số mục tiêu đề ra nhưng chưa có kế hoạch về nguồn lực, chưa có giải pháp sáng tạo, quyết liệt trong khâu thực hiện.
Với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết quả đạt được của chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Theo đó, tính đến hết 2015, toàn tỉnh mới có 1 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 10 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 48 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, còn lại 54 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tính bình quân, toàn tỉnh đạt 5,6 tiêu chí/xã.
Xây dựng đề án cho các xã vùng biên
Theo kế hoạch, mục tiêu của Điện Biên đặt ra đến năm 2020 sẽ có 2 đơn vị cấp huyện về đích NTM, 35 xã về đích NTM, số tiêu chí bình quân là 11,3 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí, thu nhập bình quân của người dân đạt 19 triệu đồng/người/năm...
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên cho biết, để thực hiện hoàn thành mục tiêu đề này, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, định kỳ giao ban với ban chỉ đạo huyện, xã, để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước và tạo ra những giá trị bền vững ở khu vực nông thôn.
Nhằm triển khai thực hiện chương trình trong giai đoạn mới, tỉnh Điện Biên cũng sẽ dành từ 5 - 10% vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương và toàn bộ phần tăng thu ngân sách địa phương được sử dụng trong quy định để đầu tư cho thực hiện chương trình xây dựng NTM và hỗ trợ sản xuất. Đồng thời, cho phép đấu giá đất để tạo nguồn thu từ hoạt động này thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM…
Riêng với 29 tuyến xã biên giới của tỉnh Điện Biên, trước những đặc thù khó khăn của các xã, tỉnh Điện Biên đã xây dựng Đề án xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1573/QĐ-TTg ngày 9/8/2016. Đề án được thực hiện từ năm 2016 - 2020 với mục tiêu thực hiện xây dựng NTM gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững, nhằm giúp các xã trong vùng từng bước đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Phấn đấu đến năm 2020, 7 xã biên giới đạt 19/19 tiêu chí; 2 xã đạt 16 tiêu chí, không có xã nào dưới 10 tiêu chí.
Giai đoạn năm 2016 - 2020, tỉnh Điện Biên đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành thêm 35 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, riêng huyện Điện Biên đăng ký 15 xã. |