Văn Giang, Hưng Yên là vùng trồng cây cảnh có tiếng của miền Bắc. Toàn huyện có khoảng gần 200 ha quất cảnh cung ứng ra thị trường, diện tích trồng tập trung chủ yếu ở các xã Tân Tiến, Long Hưng, Mễ Sở, Liên Nghĩa và Thắng Lợi. Hàng năm, huyện cung cấp một lượng lớn cây cảnh, chủ yếu là quất và bưởi, cam cảnh cho các tỉnh lân cận, thậm chí nhiều tỉnh miền Nam phục vụ nhu cầu chơi Tết.
Mặc dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, tuy nhiên, theo nhiều hộ trồng quất tại đây cho biết, bằng giờ này mọi năm, vào cận Tết dương lịch, đã không còn hàng để bán, thì năm nay cũng chỉ lác đác thương lái đến hỏi mua.
Nông dân trồng quất tại Văn Giang, Hưng Yên đang lao đao vì lo quất năm nay còn ế ẩm hơn năm ngoái |
Theo anh Nguyễn Mạnh Cường, chủ vườn quất tại ấp Đa Phúc, xã Tân Tiến, Văn Giang, Hưng Yên, so với thời điểm này năm ngoái, năm nay hầu như tất cả các nhà vườn đều bán chậm. Mặc dù giá thành đã giảm khoảng 20-30% nhưng vẫn rất ít thương lái đến mua. Nhiều thương lái vẫn chờ đợi tình hình diễn biến dịch và chưa dám “ôm” hàng. “Hiện tại cả bưởi, quất tại các vườn gia đình tôi có khoảng 2.000 gốc. Quất năm nay tương đối đẹp, tuy nhiên cũng mới chỉ bán được 30%. Tính chung các nhà vườn ở đây cũng chỉ mới bán được 30%-40%. Năm ngoái bà con đã thất thu, năm nay cũng chỉ mong thu hồi lại được vốn” – anh Cường giãi bày.
Anh Cường thông tin thêm, quất năm ngoái đã rẻ, năm nay còn rẻ hơn. Nhiều loại quất thế, to đẹp mọi năm rất đắt hàng thì năm nay cũng không bán được. Như các chậu đẹp có giá từ 10 triệu đồng thì vào thời điểm này chỉ bán được khoảng 8 triệu đồng. Với những chậu 2-3 triệu thì giờ cũng chỉ bán được 1,5-2 triệu đồng, còn những chậu có giá 700-800 nghìn đồng nay giá giảm xuống còn 500-600 nghìn đồng.
“Mỗi năm gia đình tôi đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, nếu như những năm không có dịch, mỗi vụ thu được khoảng 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm nay, chỉ mong có thể thu hồi lại vốn chứ không mong có một cái tết "ngon" như những năm trước” – anh Cường bộc bạch.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Bình Đa, trú thôn Hà Trạch, xã Mễ Sở, Văn Giang hiện có gần 5.000 gốc nhưng mới chỉ bán được khoảng hơn 1.000 gốc. Theo ông Đa dự đoán, phải tầm đầu tháng 12 âm lịch thì mới có nhiều khách đến mua. Và năm nay, khách sẽ không đặt trước mà sẽ đến xem trực tiếp, ưng thì mua luôn. Với tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, song nhờ được tiêm vắc xin rộng rãi, người dân đã không còn bị hạn chế giao thương. Các thương lái đến mua hàng cũng không quá khắt khe trong việc kiểm soát dịch. Gia đình ông cũng như nhiều hộ trồng quất tại đây cũng chỉ mong quất được bán hết để bà con có thể vui vẻ đón Tết.
Huyện Văn Giang cung cấp một lượng lớn cây cảnh, chủ yếu là quất và bưởi, cam cảnh cho các tỉnh lân cận, thậm chí nhiều tỉnh miền Nam phục vụ nhu cầu chơi Tết |
Ông Nguyễn Thanh Miên - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hoàng Trạch, Mễ Sở cho biết, do ảnh hưởng của dịch nên người dân trồng quất tại xã Mễ Sở cũng như nhiều xã lân cận của huyện đang gặp phải tình cảnh khó khăn chung về vấn đề tiêu thụ. Mặc dù so với năm ngoái, quất năm nay đẹp hơn nhiều do thời tiết thuận lợi, nhưng, đến thời điểm này vẫn có rất ít thương lái tới hỏi mua. Nhiều thương lái còn "ém" giá do tình hình dịch khiến người nông dân cũng hoang mang, lo lắng.
Cũng theo ông Miên, diện tích trồng quất năm nay đã hạn chế hơn mọi năm do người dân đã chuyển đổi mục đích rau màu, cây hoa, cây cảnh để không chỉ bán cho những ngày Tết. Điều này cũng giúp nông dân tránh bị động trong khâu tiêu thụ, đa dạng hoá các loại hình sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, đảm bảo đời sống và thu nhập cho người nông dân.
Chị Hồ Thị Hoa, ở xã Liên Nghĩa chia sẻ, nắm bắt thị trường tiêu thụ quất cảnh năm nay dự tính rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình chị đã trồng thêm hoa để có thêm thu nhập. Ngoài ra, gia đình chị còn nhận dịch vụ chăm sóc cây quất cảnh người dân gửi. "Mỗi cây nếu có giá bán 3 triệu đồng thì khi người ta chơi Tết xong, gửi nhà vườn chăm sóc, chúng tôi lấy tiền công từ khoảng 1 triệu đồng. Điều này cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình tôi và nhiều hộ dân nơi đây" - chị Hoa cho hay,
Hiện hàng trăm hộ nông dân trồng quất tại Văn Giang, Hưng Yên đang lao đao vì lo quất năm nay còn ế ẩm hơn cả năm ngoái. Đặc biệt, nhiều hộ phải vay ngân hàng để đầu tư, thậm chí để chi tiêu, giờ quất không bán được, với khả năng nợ chồng nợ rất cao. Tại Văn Giang, 95% hộ gia đình chỉ trồng quất, cả năm trông chờ hết vào vụ quất Tết, nhưng với tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều nhà vườn lo lắng năm nay sẽ thất thu.