Chủ nhật 29/12/2024 03:52

HoSE hủy toàn bộ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) sẽ thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/01/2022 của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty CP Tập đoàn FLC.

Đại diện HoSE cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Công văn số 198/UBCK-TT ngày 11/1/2022 về việc bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC mà không không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên Thị trường Chứng khoán, HoSE sẽ thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1/2022 của ông Trịnh Văn Quyết.

Thông báo của HoSE liên quan đến giao dịch "chui" của ông Trịnh Văn Quyết

Ngày 5/1/2022, Công ty CP Tập đoàn FLC (mã Ck: FLC) đã công bố Thông báo giao dịch cổ phiếu của Chủ tịch Hội đồng quản trị Trịnh Văn Quyết trên website flc.vn. Thông báo giao dịch cổ phiếu FLC của người nội bộ là ông Trịnh Văn Quyết gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và HoSE đề ngày 5/1/2022.

Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch dự kiến theo mệnh giá là 1.750 tỷ đồng. Thời gian giao dịch dự kiến từ 10/1 đến 17/1. Mục đích giao dịch là cơ cấu tài sản. Phương thức giao dịch thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh.

Trước đó, SSC cũng ra thông báo cho biết: "Hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định". SSC cho biết, 17h45 chiều qua (10/1) có nhận được báo cáo của HoSE về việc ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC - giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Đáng chú ý, chỉ trong một phiên giao dịch hôm qua, có tới gần 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, cao bất thường. Trong khi lâu nay mỗi ngày cổ phiếu FLC chỉ giao dịch khối lượng trung bình từ 15-40 triệu cổ phiếu. Cũng trong phiên này, nhiều nhà đầu tư mới vừa "đua lệnh" mua cổ phiếu FLC giá trần vào buổi sáng, đến chiều bị giảm sàn.

Chốt phiên giao dịch hôm nay 11/1, mã FLC đã giảm hơn 13,3% giá trị, xuống còn 19.900 đồng/cổ phiếu sau khi lập đỉnh vào phiên thứ sáu (7/1). Cũng chỉ trong hai phiên 10 và 11/1, có tổng cộng gần 290 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, cao gấp 3-5 lần mức giao dịch hằng ngày của mã này, đồng thời chiếm gần 41% lượng cổ phiếu mà doanh nghiệp đang lưu hành. Trong bối cảnh tài khoản bị âm, nhà đầu tư không khỏi ấm ức vì chủ tịch FLC bán "chui" cổ phiếu.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho rằng trước tiên, cơ quan quản lý cần phong tỏa ngay tài khoản giao dịch chứng khoán của ông Quyết và đưa ra chế tài xử phạt đủ mạnh với hành vi này. Cùng với đó, cơ quan quản lý cần yêu cầu chủ tịch Tập đoàn FLC thực hiện mua lại toàn bộ 74,8 triệu cổ phiếu đã bán và nộp toàn bộ số tiền chênh lệch vào ngân sách Nhà nước vì đây là số tiền thu lợi bất chính. “Nếu ông Quyết không chấp hành, Ủy ban Chứng khoán, Sở giao dịch cần yêu cầu công ty chứng khoán nơi ông này mở tài khoản thực hiện lệnh mua”, ông Hải cho biết.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, trong sự việc bán chui cổ phiếu giá trị hàng nghìn tỷ này, Ủy ban Chứng khoán cần có giải pháp xử lý nhanh và đủ mạnh để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nếu ông Quyết chỉ bị xử phạt hành chính từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, điều này sẽ tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng tới hình ảnh của thị trường và gây mất niềm tin của nhà đầu tư vào cơ quan quản lý.

Ông Hải nhấn mạnh Luật kinh doanh chứng khoán, Bộ luật hình sự năm 2015 đã có đủ chế tài đủ mạnh để xử phạt các hành vi cố tình bán chui cổ phiếu giá trị hàng nghìn tỷ đồng này. Tuy nhiên, trong các lần vi phạm trước đó, các cá nhân, đối tượng chỉ bị Ủy ban Chứng khoán xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt thấp hơn nhiều số tiền trục lợi. “Điều 209, Bộ luật hình sự có nói về hành vi bán chui cổ phiếu này cũng tương tự như hành vi che giấu thông tin khi giao dịch chứng khoán. Trong đó quy định rất rõ về chế tài xử lý và các mức phạt, xử lý không hề nhẹ. Tuy nhiên, đa số biện pháp xử lý hiện nay của cơ quan quản lý chứng khoán vẫn chưa đủ nghiêm”, ông Hải nói.

Theo Nghị định số 128 của Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hành vi vi phạm quy định về giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết nhiều khả năng sẽ bị phạt tiền từ 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên, nhưng số tiền phạt không quá 1,5 tỷ đồng (đối với cá nhân).

Với số lượng cổ phiếu FLC đăng ký bán lên tới 175 triệu cổ phiếu, trong đó đã thực hiện "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu (tương ứng tổng giá trị đăng ký bán 3.850 tỷ và lượng đã bán khoảng 1.650 tỷ đồng), nhiều khả năng ông Trịnh Văn Quyết sẽ bị phạt ở khung tối đa là 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Trịnh Văn Quyết có thể bị xử phạt bổ sung "Đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 3 tháng đến 5 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 5 Điều 33 Nghị định số 128".

Được biết, đây không phải lần đầu tiên ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt vì "bán chui" cổ phiếu. Trước đó, vào 11/2017, SSC cũng đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới các giao dịch cổ phiếu đối với ông Trịnh Văn Quyết vì đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC trong khoảng thời gian 20 - 24/10/2017.

Hoàng Lan
Bài viết cùng chủ đề: Tập đoàn FLC

Tin cùng chuyên mục

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Đón 'sóng' thoái vốn nhà nước của VNSteel, nhà đầu tư trúng đậm

VNDirect: Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn

Ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế, chính sách về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán

Các quỹ ETF tại Việt Nam ghi nhận rút ròng hơn 1.341 tỷ đồng trong tháng 11/2024

Huy động được 323.006,5 tỷ đồng qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ

'Hét' giá cao ngất ngưởng, phi vụ bán vốn Amata Biên Hòa của Sonadezi vắng khách

Lợi nhuận bứt phá của FPT Shop khiến giới phân tích tăng dự phóng thêm 50%

Công ty Du lịch Thành Thành Công ‘hút' 500 tỷ đồng trái phiếu

Cổ phiếu HVN 'cất cánh': Giá trị phản ánh sự chuyển mình của Vietnam Airlines

Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai tăng trần sau tin bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại

Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024

Chính phủ bổ sung quy định xử lý chứng khoán để bảo đảm thi hành án dân sự

Cổ phiếu MZG của Công ty Cổ phần Miza chính thức lên sàn UPCoM HNX

Thị trường chứng khoán tuần tới: Nhà đầu tư đang chờ đợi tín hiệu hạ nhiệt của tỷ giá

Trái phiếu doanh nghiệp chậm trả giảm mạnh trong 10 tháng

Tháng 10, HNX đã huy động thành công 30.575 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Tác động của bầu cử Tổng thống Mỹ đến thị trường chứng khoán Việt Nam ra sao?

Thị trường chứng khoán Việt Nam thêm cơ hội nâng hạng nhờ Thông tư 68