Báo Công Thương nhận được thông tin phản ánh về một số vụ việc như: Khu công nghiệp Hòa Hội gây ảnh hưởng đến canh tác của người dân; Sản phẩm mang thương hiệu Venesto không có chứng nhận hợp quy; Dự án bãi đỗ xe bờ phải sông Tô Lịch nằm trên giấy hàng chục năm.
Thông tin phản ánh: Cửa xả nước CX1 của khu công nghiệp Hòa Hội gây ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác của người dân.
Được biết, khu công nghiệp Hòa Hội có tổng diện tích 266,09 ha (tại thôn Hòa Hội, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) do Tổng công ty Đầu tư phát triển Khu công nghiệp Phúc Lộc (Tập đoàn Phúc Lộc) làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Công ty Phúc Lộc đã xây cống thoát nước Cửa xả CX1 của khu công nghiệp Hòa Hội đấu nối ra cầu Bến Lội có chức năng thoát nước cho cả khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc thoát nước này làm ảnh hưởng đến diện tích đất lúa của người dân đang canh tác.
Khu công nghiệp Hòa Hội |
Cống thoát nước từ khu công nghiệp chảy ra ngoài gây sa bồi thủy phá, ảnh hưởng đến 3,5 ha diện tích đất trồng lúa của 24 hộ dân đang canh tác khiến họ rất bức xúc.
Liên quan đến sự việc trên, thời gian trước, Công ty Phúc Lộc có đền bù cho các hộ dân nhưng các hộ dân không thể canh tác vẫn chưa nhận được bồi thường. Do đó, người dân đã làm đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền, kiến nghị khi tiếp xúc cử tri với đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và tỉnh nhưng vẫn chưa thấy giải quyết.
Thông tin phản ánh: Quần áo mang thương hiệu Venesto không có chứng nhận hợp quy. Theo Thông tư số 07/2018/TT-BCT về việc sửa đổi Thông tư số 21/2017/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, từ ngày 01/01/2019, các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may.
Theo Quy chuẩn này, từ ngày 1/1/2019, hàng loạt sản phẩm dệt may chịu sự điều chỉnh của quy chuẩn gồm: Quần, áo, bộ vest, cà vạt... và các sản phẩm khác chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy và đăng ký hồ sơ chứng nhận hợp quy theo quy định (ký hiệu CR).
Tuy nhiên, hệ thống cửa hàng Venesto đang phân phối nhiều sản phẩm quần áo vest, cà vạt, áo sơ mi không được chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017 và không gắn dấu hợp quy (dấu CR) trên nhãn mác sản phẩm. Thậm chí, nhãn mác sản phẩm cũng được in rất sơ sài, thiếu nhiều thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Venesto là hệ thống cửa hàng chuyên phân phối các sản phẩm quần áo vest nam, có nhiều chi nhánh tại Hà Nội (địa chỉ tại 27 Quán Thánh, quận Ba Đình; 188 Tây Sơn, quận Đống Đa; 36 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy) và tại TP Hồ Chí Minh (224A Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận), Ninh Thuận (264 Ngô Gia Tự, Phan Rang Tháp Chàm, Ninh Thuận); Hải Dương (87 Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương).
Venesto là thương hiệu quần áo thuộc sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thời trang Veneto (địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 15/32/43 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Người đại diện pháp luật là Giám đốc Đinh Ngọc Phượng.
Thông tin phản ánh: Năm 2011, UBND TP Hà Nội nghiên cứu xây dựng điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh dọc bờ phải sông Tô Lịch (đoạn cầu Lủ - cầu Dậu). Tuy nhiên, dự án này đã hơn 10 năm vẫn chưa thành hình.
Được biết, theo quy hoạch phân khu đô thị H2-3 tỷ lệ 1/2000 của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, khu đất dọc bờ phải sông Tô Lịch, đoạn từ cầu Lủ đến cầu Dậu được xác định chức năng là đất cây xanh trong đó có ký hiệu bãi đỗ xe P (không xác định đất bãi đỗ xe riêng). Trong khi đó, việc phát triển thêm các điểm đỗ mới của thành phố, đặc biệt là khu vực các quận nội thành trung tâm luôn là vấn đề cần thiết.
Đối với khu vực xung quanh Ngã Tư Sở và dọc trục đường Kim Giang là một trong những khu vực có mật độ dân cư dày đặc, thiếu trầm trọng các điểm trông giữ xe hợp pháp.
Tại thời điểm năm 2011, thực hiện chủ trương của Thành ủy và UBND thành phố, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Xây dựng) nghiên cứu, rà soát các vị trí khả thi về mặt bằng, dễ triển khai thực hiện thí điểm công tác lắp dựng các dàn thép lắp ghép đỗ xe nhằm giảm bớt nhu cầu bức xúc về chỗ đỗ xe cũng như đảm bảo các yêu cầu về trật tự, an toàn giao thông, cảnh quan đô thị…
Trên cơ sở rà soát đánh giá, khu đất dọc bờ phải sông Tô Lịch, đoạn cầu Lủ - cầu Dậu có những điều kiện thuận lợi để triển khai nghiên cứu. Đề xuất của liên sở đã được UBND thành phố đồng ý về nguyên tắc tại công văn số 3331/UBND-GT ngày 9/5/2011.
Trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XVI (Văn bản 3413 ngày 13.10.2022 do ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành) nêu rõ: Dự án bãi đỗ xe kết hợp trồng cây xanh bờ phải sông Tô Lịch được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2388/QĐ-UBND ngày 21.4.2017 với tổng vốn đầu tư 86,78 tỉ đồng do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) làm nhà đầu tư.
Theo đó, UBND thành phố cho biết, thành phố đã giao UBND quận Hoàng Mai tiếp tục đôn đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Nếu nhà đầu tư không thực hiện, quận sẽ kiến nghị thành phố thu hồi dự án giao UBND quận thực hiện bằng đầu tư công theo quy hoạch.
Thông tin qua đường dây nóng: Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng & Thương mại Bắc Miền Trung (Công ty Bắc Miền Trung) có địa chỉ tại Khu du lịch sinh thái Hồ Kim Quy, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa phản ánh bà Phạm Bích Hằng, Giám đốc Công ty CP Vina Michi hộ khẩu tại ngách 111/1, đường Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, khoảng tháng 7 năm 2022, lãnh đạo Công ty Bắc Miền Trung có gặp gỡ và làm quen với một cán bộ đi cùng bà Hằng. Sau đó, bà Hằng đã đặt vấn đề với lãnh đạo Công ty Bắc Miền Trung cho thuê 1 xe hiệu Ford-Limousine, biển số 29B-411.28 với số tiền là: 8 triệu đồng trong 4 ngày. Bà đã thanh toán đầy đủ 8 triệu đồng, sau đó chưa trả chiếc xe kể trên mà tiếp tục đề nghị cho thuê thêm 1 xe khác. Phía bà Hằng đã trực tiếp nhận 02 xe nhãn hiệu Ford Limousin, biển số 29B-411.28 và 29B-411.36.
Tuy nhiên, theo phản ánh, sau khi tiếp nhận chiếc xe thứ 2 thì bà Hằng nói đã không thực hiện hợp đồng, thanh toán tiền đúng kỳ hạn, cũng như không có động thái hồi âm (tổng cả 2 xe) cho Công ty Bắc Miền Trung. Sau đó, bằng nhiều cách khác nhau, nhân viên công ty đã liên hệ được với bà Hằng nhưng bà Hằng vẫn không chuyển trả tiền cũng như trả xe. Nhân viên đến tận nhà bà Hằng theo địa chỉ kể trên thì không thể gặp được. Đến nay, bà Hằng vẫn không trả tiền cũng như tiếp tục chiếm dụng 2 xe của Công ty Bắc Miền Trung suốt một thời gian dài.
Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nên Công ty Bắc Miền Trung đã làm đơn kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết sự việc.