Hộp thư bạn đọc ngày 19/9: Phản ánh liên quan siêu thị BigC Thăng Long; chung cư Osaka Complex
Cư dân chung cư Osaka Complex (48 Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh: Năm 2018, Công ty Cổ phần Quốc tế CT là đơn vị chủ đầu tư của chung cư, Công ty TNHH Nam Minh Hoàng là đơn vị quản lý vận hành. Một số cư dân mua căn hộ đã bầu ra Ban quản trị lâm thời toà nhà chung cư Osaka Complex. Ban quản trị lâm thời cử người tham gia và đứng tên tài khoản đồng sở hữu nhằm mục đích tạm thu 2% của giá trị căn hộ để thành lập quỹ bảo trì nhà chung cư Osaka Complex. Khoản tiền đóng góp này sẽ được chuyển cho Ban quản trị nhà chung cư Osaka Complex ngay sau khi Ban quản trị chính thức được UBND quận Hoàng Mai ra quyết định công nhận. Thời điểm này đã có 683/720 căn hộ nộp 2% kinh phí bảo trì với số tiền gần 13,5 tỷ đồng.
Ngày 17/8/2023, UBND phường Hoàng Liệt đã ban hành Quyết định số 367/QĐ-UBND về việc công nhận Ban quản trị chung cư Osaka Complex. Như vậy sau thời gian này, cộng đồng cư dân Osaka đã có Ban quản trị chính thức thay thế cho Ban quản trị lâm thời và thay mặt cư dân đứng ra lựa chọn đơn vị quản lý vận hành tòa nhà.
Chung cư Osaka Complex. (Ảnh: Bảo An) |
Thế nhưng, từ thời điểm đó cho đến nay những cá nhân thuộc Ban quản trị lâm thời được cho là đang chiếm giữ khoản tiền quỹ bảo trì chung cư mà không chịu bàn giao lại cho Ban quản trị (được UBND phường Hoàng Liệt công nhận). Đến nay, theo người dân cung cấp, số tiền này cộng cả tiền lãi gửi tiết kiệm ngân hàng đã lên tới gần 16 tỷ đồng. Việc một số cá nhân chiếm giữ trái phép số tiền trên khiến Ban quản trị chung cư Osaka Complex không có tiền để bảo trì một số hạng mục đã hư hỏng xuống cấp trong chung cư như phòng cháy chữa cháy, thang máy, một khu vực bị ảnh hưởng sau bão số 3…
Thông tin phản ánh: Quá trình triển khai xây dựng một số công trình trong Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đơn vị thi công đã không sử dụng đất, cát sỏi để san lấp mặt bằng dự án. Thay vào đó đơn vị thi công đã sử dụng phế thải xây dựng để san lấp mặt bằng. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với môi trường và sự an toàn của công trình cũng như người dân xung quanh. Nhiều ý kiến cho rằng cần có sự kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt từ chủ đầu tư, các cơ quan chức năng đối với việc sử dụng vật liệu san lấp trong các dự án xây dựng, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục lớn như Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Bạn đọc phản ánh, đơn vị thi công sử dụng phế thải vật liệu xây dựng để san lấp mặt bằng tại một số công trình trong Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh người dân cung cấp) |
Bạn đọc phản ánh: Vừa qua, Báo Công Thương có bài phản ánh tình trạng tràn lan các sản phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa được bày bán trong Trung tâm thương mại BigC Thăng Long (BigC Thăng Long, địa chỉ số 222 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội); một số gian hàng còn bán cả hàng nhập lậu đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt… Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, ngoài những gian hàng phía bên trong trung tâm thương mại mà Báo Công Thương đã phản ánh, phía bên ngoài, cạnh nhà để xe còn có rất nhiều các gian hàng khác. Các gian hàng này bán đủ các loại sản phẩm như quần áo, giày, phụ kiện điện thoại… Điều đáng nói hầu hết các sản phẩm cũng đều không đầy đủ tem nhãn phụ tiếng Việt theo quy định, có dấu hiệu hàng nhập lậu. Phải chăng các sản phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa, có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ… đang “tấn công” Trung tâm thương mại BigC Thăng Long và có liệu đang lừa dối người tiêu dùng hay không?
Báo Công Thương sẽ tìm hiểu, làm rõ phản ánh của bạn đọc về các vụ việc nêu trên để thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân nếu như phản ánh thông tin chưa chính xác.
Mọi thông tin phản ánh xin gửi về Ban Bạn đọc – Báo Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội; đường dây nóng: 0866.59.4498; email: banbandocbct@gmail.com. |