Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân bắt đầu tăng cao. Do vậy, đây cũng là thời điểm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp. Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm. Nhờ đó, các vấn đề về gian lận thương mại đã được kiểm soát. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn tình trạng một số hộ kinh doanh bán hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm về sở hữu trí tuệ...
Theo báo cáo kết quả tình hình hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ tính riêng trong tháng 11 vừa qua, Cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra 40 vụ, có 9 vụ vi phạm; trong đó 7 vụ đã xử lý, 2 vụ chờ xử lý. Tổng số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước là 176 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu là 120 triệu đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy là 59 triệu đồng.
Các cơ sở vi phạm phần lớn kinh doanh theo hình thức truyền thống (có cửa hàng giới thiệu bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng), có một số cơ sở kinh doanh hiện nay đang có xu hướng kết hợp giữa kinh doanh truyền thống và sử dụng công nghệ để quảng cáo, giới thiệu, buôn bán hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử trong đó sử dụng các sàn giao dịch thương mại điện tử (như Shopee, Tiki, Lazada…), bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok,…), một số cơ sở kinh doanh giới thiệu hàng hóa trên môi trường mạng không có cửa hàng, địa điểm kinh doanh được đăng ký theo quy định của pháp luật.
Các hành vi gian lận thương mại chủ yếu là hàng hóa không thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định, không ghi đầy đủ các nội dung của nhãn hàng hóa theo quy định; hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; không niêm yết giá hàng hóa và kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Một cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh VĨnh Phúc bán đồng hồ có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Đoàn Tuấn) |
Những ngày đầu tháng 12, phóng viên Báo Công Thương có dịp tìm hiểu thực tế một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Phóng viên ghi nhận, một số cơ sở kinh doanh thuộc các lĩnh vực như: Vàng bạc, mỹ phẩm, thời trang, phụ kiện điện thoại… có dấu hiệu vi phạm về sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa nhập lậu…
Theo ghi nhận của phóng viên như tại cửa hàng thời trang Ben Kids tại địa chỉ số 47 Lê Xoay, phường Ngô Quyền, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bán các sản phẩm quần áo thời trang trẻ em được giới thiệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các sản phẩm này lại không có tem nhãn phụ tiếng Việt và chứng nhận hợp quy cho sản phẩm may mặc. Cửa hàng thời trang Vulcano tại số 49 Lê Xoay bán một số sản phẩm dệt may thiếu chứng nhận hợp quy. Đại diện cửa hàng cũng đã thừa nhận đây là thiếu sót và lập tức thu lại các sản phẩm dệt may thiếu chứng nhận hợp quy, một số cửa hàng phân phối sữa nhưng lại bán thuốc trị ho…
Cửa hàng thời trang Ben Kids tại địa chỉ số 47 Lê Xoay, phường Ngô Quyền, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bán sản phẩm thiếu tem nhãn phụ tiếng Việt. (Ảnh: Đoàn Tuấn) |
Sau quá trình ghi nhận, sáng 6/12, phóng viên Báo Công Thương đã có buổi làm việc Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc để cung cấp thông tin về việc một số cơ sở kinh doanh có dấu hiệu gian lận thương mại. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên, chiều cùng ngày, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc đã có văn bản chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 5 tiếp nhận thông tin cụ thể về các cơ sở có dấu hiệu vi phạm; phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thẩm tra, xác minh thông tin đối với các cơ sở được phản ánh để tiến hành kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có).
Một cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bán sản phẩm không đầy đủ tem nhãn theo quy định, có dấu hiệu giả mạo thương hiệu. (Ảnh: Đăng Khoa) |
Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết thêm, Cục đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng, nắm chắc tình hình để phát hiện các thủ đoạn, phương thức trong kinh doanh, vận chuyển hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng, gian lận thương mại. Chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng nhiều trong dịp cuối năm, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Sau khi tiếp nhận thông tin và nhanh chóng có những biện pháp, sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian tới những tồn tại, vi phạm thị trường hàng hóa trên địa bàn sẽ sớm được xử lý... bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng và những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh làm ăn chân chính.