Hợp tác xã sản xuất lúa gạo Buôn Choáh: Xây dựng thương hiệu, nâng tầm lúa gạo Krông Nô
Vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao
Hiện trên địa bàn xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô, /chu-de/tinh-dak-nong.topic) có 2 hợp tác xã (HTX) sản xuất lúa gạo, đó là HTX sản xuất lúa gạo Buôn Choáh và HTX sản xuất nông nghiệp Buôn Choáh. Trong những năm qua, 2 HTX đã hoạt động ổn định, từng bước tạo dựng nên nhãn hiệu lúa gạo Krông Nô. Hiện có các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hạng 3 hoặc 4 sao. Sản phẩm gạo Buôn Choáh Krông Nô đã tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.
Ông Đinh Đăng Linh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất lúa gạo Buôn Choáh cho biết, năm 2020, sản xuất lúa gạo Buôn Choáh chính thức được thành lập đã đáp ứng nguyện vọng và sự mong mỏi của người dân cũng như chính quyền địa phương. Diện tích sản xuất lúa của các thành viên hợp tác xã là 20 hecta. Trên cơ sở đó, HTX ký liên kết sản xuất lúa gạo với khoảng 115 hộ nông dân với diện tích ký liên kết, sản xuất khoảng 178 hecta.
Ông Đinh Đăng Linh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất lúa gạo Buôn Choáh |
“Hợp tác xã chủ yếu ký liên kết để người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, đơn vị đang chủ trương muốn mở rộng, ký hợp tác sản xuất hết cánh đồng với khoảng 700ha, đồng thời tiến ra thị trường tiêu thụ sản phẩm ra ngoài tỉnh”, ông Linh cho hay.
Để giải phóng sức lao động, hợp tác xã cũng áp dụng máy bay không người lái vào chăm sóc cây lúc nước. Đây là công nghệ tiên tiến, việc này giúp, đỡ vất vả trong việc phun thuốc trừ sâu, rải phân… Việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào canh tác lúa đã giúp người dân giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng giá trị và chất lượng sản phẩm.
HTX sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu, rải phân... |
Với thành công đó, năm 2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận vùng sản xuất lúa công nghệ cao xã Buôn Choáh là 1 trong 3 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
Sớm xúc tiến thu hút đầu tư nhà máy chế biến lúa gạo
Tuy đã có thương hiệu nhưng tiềm lực của hợp tác xã, cơ sở sản xuất lúa gạo vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, chưa như mong muốn, hiện chủ yếu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và Bình Dương. Mỗi năm chỉ tiêu thụ khoảng 120 – 150 tấn.
“HTX mong chính quyền địa phương hỗ trợ hơn nữa về thị trường tiêu thụ và nguồn kinh phí để HTX có thể mở rộng thêm nhà xưởng, máy móc. Hiện một số công ty có thể giải quyết đầu ra đã đến đây để khảo sát, rất mong có thể kết nối được với các công ty để làm sao có thể phát triển, tiêu thụ hết số lượng gạo trên cánh đồng Buôn Choáh, đồng thời hướng đến xuất khẩu trong thời gian tới”, ông Linh nói.
Sản phẩm gạo ST24 theo tiêu chuẩn VietGap, đạt OCOP 4 sao |
Ông Nguyễn Văn Nam – Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh, (huyện Krông Nô) cho biết, cây lúa nước là cây trồng chủ lực của xã, hiện tổng diện tích lúa gieo trồng của xã khoảng 677 hecta, chủ yếu người dân tập trung sản xuất lúa ST24 và ST25. Đây là 2 giống lúa là mang lại năng suất, giá thành cao trên thị trường. Trong những năm qua, giá lúa ổn định trở lại tạo thu nhập tốt cho bà con nông dân.
Việc thành lập các hợp tác xã đã giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đảm bảo được đầu ra của sản phẩm, không bị ép giá trên thị trường. Ngoài ra, giúp cho người đồng bào có những kiến thức chăm sóc cây lúa nước tốt hơn nhằm nâng cao năng suất cũng như giá thành của sản phẩm.
Cánh đồng lúa gạo Buôn Choáh |
“Trong năm này và những năm tiếp theo, chính quyền địa phương rất mong muốn các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện để tiếp tục phát triển cây lúa nước và giữ vững nhãn hiệu lúa gạo Krông Nô. Đồng thời, mong muốn được đầu tư, hỗ trợ hơn nữa về cơ sở hạ tầng, vật chất trên cánh đồng lúa Buôn Choáh”, ông Nam nói.
Hiện huyện Krông Nô đã xây dựng được nhãn hiệu "Lúa gạo Buôn Choáh" gắn với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Với những lợi thế sẵn có về vùng đất của núi lửa trong hệ thống Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, huyện Krông Nô tích cực hỗ trợ người dân, các HTX có điều kiện đầu tư dây chuyền sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm gạo Buôn Choáh, xúc tiến thương mại.