Họp báo Thường kỳ Bộ Công Thương quý II: Big C dừng mua hàng Việt Nam; Asanzo giả xuất xứ hàng Việt được quan tâm đặc biệt
Big C sẽ ký lại hợp đồng với 150/200 nhà cung ứng
Trong 2 ngày gần đây, nhất là ngày 3/7, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa thông tin phía Big C sẽ ngừng nhập hàng dệt may trong hệ thống Big C. Trước tình hình trên, sáng 4/7, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tập đoàn và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại họp báo |
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Bộ Công Thương đánh giá cao Big C và Tập đoàn Central Group Việt Nam trong việc tạo công ăn việc làm cho 17.000 lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động gián tiếp trong vận hành hệ thống của họ. Họ cũng đóng góp ngân sách 1.000 tỷ đồng. Bộ Công Thương cũng có hợp tác với nhiều chuỗi bán lẻ Việt Nam như AEON, Big C, Lotte trong việc thực hiện các chương trình thu mua hàng nông sản Việt Nam, trong đó Big C có chương trình thu mua nông sản cho bà con nông dân với chiết khấu 0%; các chương trình sinh kế cộng đồng hỗ trợ cho nông dân vùng sâu vùng xa; tổ chức Tuần lễ OCOP tại hệ thống Big C… Không chỉ mang hàng hóa vào thị trường trong nước, Tập đoàn Central Group Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Công Thương trong việc tổ chức Tuần lễ hàng Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Như năm 2018, họ đã hỗ trợ Bộ Công Thương tổ chức Tuần hàng Việt Nam ở Thái Lan ở ngay tại trung tâm sầm uất nhất của Thủ đô Băng Cốc.
Trong buổi làm việc sáng ngày 4/7, phía Central Group Việt Nam cũng cho biết họ có những chiến lược mới cho ngành hàng may mặc tại các kênh phân phối tại Việt Nam. Họ cũng xác định lại hệ thống, module tại hệ thống cửa hàng nên có việc tạm dừng mua hàng của một số DN Việt Nam và việc này sẽ diễn ra trong khoảng 15 ngày. Hiện, Tập đoàn đã gửi thư cho các nhà cung ứng, đối tác giải thích rằng việc dừng mua hàng là tạm thời và tất cả các đơn hàng khác đã ký trước đó vẫn tiếp tục được thực hiện.
“Chúng tôi cho rằng việc dừng mua hàng là việc riêng của Big C và các DN Việt Nam nhưng phải được thực hiện thông qua các hợp đồng đã ký, cơ sở pháp lý, pháp luật Việt Nam như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh… Quan điểm của chúng tôi là một mặt hết sức hoan nghênh và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng mặt khác, kiên quyết bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam và quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Cũng trong buổi làm việc, Big C cũng cam kết ngay trong ngày hôm nay (4/7) sẽ mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp dệt may Việt Nam. Trong 2 tuần tới, Big C tiếp tục có làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp của Việt Nam và 100 nhà cung cấp nữa sẽ tiếp tục được mở đơn hàng. Còn 50 nhà cung cấp Việt Nam còn lại sẽ tiếp tục cùng với họ làm việc kỹ hơn để hàng hóa của họ đáp ứng yêu cầu của phía Tập đoàn. Bộ Công Thương cũng khẳng định tiếp tục phối hợp để đảm bảo cho lợi ích nhà đầu tư, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và người tiêu dùng Việt Nam.
Sáng cùng ngày, Bộ Công Thương cũng mời đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tham dự, sau đó ký biên bản về hợp tác giữa hai bên để sau này có những vấn đề tương tự thì doanh nghiệp sẽ giải quyết. Bộ Công Thương sẽ tham gia với vai trò hỗ trợ, tạo môi trường, cơ sở pháp lý để họ có cơ sở kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Gấp rút xây dựng quy định về hàng hóa xuất xứ Việt Nam
Liên quan đến vụ việc Công ty Asanzo nhập khẩu cụm linh kiện tại Trung Quốc về lắp lại thành sản phẩm, sau đó dán mác xuất xứ Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, việc này đã được Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối vì Bộ Tài chính là cơ quan thường trực trong Ban Chỉ đạo quốc gia chống gian lận thương mại buôn lậu (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia). Bộ cũng sẽ phối hợp với các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, để kiểm tra, xử lý, báo cáo Chính phủ. Hiện nay, Bộ Công Thương đang làm việc tích cực và có ý thức trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chia sẻ rõ hơn, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, Việt Nam đã có Nghị định 43 do Bộ Khoa học Công nghệ soạn thảo ban hành năm 2017 nêu quy định yêu cầu bắt buộc hàng hoá lưu thông trên thị trường Việt Nam đều phải dán nhãn, trên nhãn phải có tên người sản xuất, tổ chức cá nhân, xuất xứ hàng hoá.
Nghị định 43, điều 15 quy định các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân xác định và có trách nhiệm với thông tin đưa ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTTP, trong đó có quy định về xuất xứ hàng hóa với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá xuất, nhập khẩu hưởng ưu đãi thuế quan, chưa áp dụng với nhãn hàng tại thị trường Việt Nam. Việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ không nói lên tỷ lệ xuất xứ Việt Nam. Hiện chưa có quy định rõ ràng xác định xuất xứ hàng hoá như nào được gọi là “sản xuất tại Việt Nam”, “hàng hoá của Việt Nam”.
Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất Chính phủ và trao đổi với các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản quy định về hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Hiện nay, văn bản này đang được gấp rút xây dựng và dự kiến có Thông tư hướng dẫn ban hành kèm theo. Khi có dự thảo, Bộ Công Thương sẽ công bố trên website và xin ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp, người tiêu dùng để làm sao đóng góp nội dung cho sát thực thực tế, đồng thời ngăn chặn gian lận thương mại.
Thép Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc nhập vào Việt Nam để trốn thuế là không đáng kể
Liên quan đến việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng một số sản phẩm thép tại Hàn Quốc và Đài Loan xuất sang Việt Nam, sau đó xuất khẩu ngược lại phía Hoa Kỳ để trốn thuế, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại thông tin, ngày 2/7/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn có nguồn gốc từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu là thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan - Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc này được phía Hoa Kỳ khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/2018.
Trước đó, Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp với thép cán nguội và thép chống ăn mòn từ Trung Quốc và Hàn Quốc từ năm 2016. “Sau 11 tháng điều tra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã sơ bộ kết luận rằng sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc là việc chuyển đổi không đáng kể để đối phó với việc chống bán phá giá trợ cấp mà Hoa kỳ đang áp dụng đối với Hàn Quốc và Đài Loan - Trung Quốc” - ông Lê Triệu Dũng cho hay.
Đây là vụ việc điều tra xác định hành vi lẩn trốn thuế. Trong trường hợp thép cán nguội hoặc thép chống ăn mòn của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước nhập khẩu khác thì không bị áp thuế trong trường hợp này. Theo quy định trước đây của Hoa Kỳ, nếu DN nhập khẩu thép cán nóng, sau đó sản xuất thành chủng loại thép khác thì được coi là chuyển đổi đáng kể, không bị coi là lẩn trốn thuế. Tuy nhiên những năm gần đây, phía Hoa Kỳ thay đổi quan điểm. Thép phải được cán từ thép cán nóng trong nước mới được coi là không lẩn tránh thuế.
Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Thép và các DN thép Việt Nam cung cấp thông tin đầy đủ với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ về quá trình sản xuất của Việt Nam cũng như mức độ giá trị gia tăng của sản phẩm. Bộ Công Thương cũng cảnh báo, khuyến nghị DN về việc cơ quan điều tra nước nhập khẩu có thể thay đổi và đưa ra những yêu cầu cao hơn về sản phẩm nhập khẩu để doanh nghiệp nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh, quay sang sử dụng nguyên liệu trong nước. Trong thời gian sắp tới, dự kiến, kết luận chính thức sẽ được đưa ra sau 3 - 4 tháng và Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự kiến đưa ra kết luận vào tháng 9, 10. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan theo sát vụ việc để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, phù hợp với các quy định hội nhập và các quy định của WTO.
Kêu gọi đầu tư tư nhân vào lưới điện truyền tải
Vừa rồi, do sự cố quá tải lưới điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã buộc phải cắt giảm điện từ một số nhà máy năng lượng tái tạo ở Bình Thuận, Ninh Thuận. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp phép năng lượng mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận quá nhiều và ồ ạt, không đồng bộ với lưới điện truyền tải và phá vỡ quy hoạch mặt trời ở miền Trung, miền Nam trung bộ.
Về vấn đề này, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó, có cơ chế ưu đãi về giá điện với giá 9,35 cent/kWh, có thời hạn đến tháng 6/2019. Từ những ưu đãi đó, các địa phương có tiềm năng về năng lượng mặt trời đã có thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Cùng với đó, nhiều tỉnh cũng bổ sung quy hoạch điện gió. Chính phủ cũng đã có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, với giá bán lẻ 8,5 cent/kWh đối với khu vực trên bờ; 9,8 cent/kWh đối với khu vực ngoài khơi. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục bổ sung Quy hoạch phát triển điện gió vào trong Quy hoạch phát triển địa phương cũng như Quy hoạch phát triển quốc gia.
Vấn đề 2 là đấu lưới một số dự án điện mặt trời Ninh Thuận, Bình Thuận và một số dự án đến thời hạn 30/6/2019 sẽ đi vào phát điện và vận hành. Tuy nhiên, một số dự án ở Bình Thuận quá tải, dẫn đến lưới điện không tải hết các công suất này.
Ngay từ khi bổ sung các quy hoạch điện tỉnh, quy hoạch quốc gia, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp giải quyết vướng mắc này. Tuy nhiên, đầu tư về truyền tải rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Nhằm giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp.
Cụ thể, về quy hoạch, Bộ Công Thương đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ có Văn bản 1891/TTg-CN đồng ý phát triển bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh danh mục các dự án lưới điện truyền tải, nhằm giải tỏa công suất các nguồn điện mặt trời. Theo đó, bổ sung xây dựng mới 11 dự án lưới điện, thông qua trạm biến áp (TBA) 500kV Thuận Nam và đường dây (ĐD) 500KV Thuận Nam – Chơn Thành về trung tâm phụ tải khu vực phía Nam. Cụ thể: TBA 500/220kV Thuận Nam, ĐD 500 đấu nối TBA 500kV Thuận Nam chuyển tiếp 4 mạch trên ĐD 500 kV Vân Phong – Vĩnh Tân, ĐD 500kV mạch kép Thuận Nam – Chơn Thành, ĐD 220 kV Vĩnh Tân – Tháp Chàm, các ĐD 220kV mạch kép 220kV Ninh Phước – Vĩnh Thân, nâng công suất các TBA 500 kV Vĩnh Tân, Di Linh, nâng công suất các TBA 220kV Tháp Chàm….
Vừa qua, EVN và Tổng công ty truyền tải quốc gia Việt Nam trong cuối tháng 5 đã chính thức đón nhận đường dây 500kV Vĩnh Tân, đảm bảo tương đối công suất của các dự án lưới điện mặt trời.
Về tiến độ xây dựng đường dây, các công trình ĐD 110kV có 6 công trình sẽ đóng điện năm 2019 như ĐD Lương Sơn – Hòa Thắng – Mũi Né, Tháp Chàm – Ninh Thuận – Phan Rí. Đầu năm 2020, nhiều công trình khác cũng hoàn thành như: ĐD Tháp Chàm – Ninh Phước – Phan Rí và Phan Rí – Lương Sơn, Lương Sơn – Mũi Né – Phan Thiết, trạm 220kV Phan Rí 2 – Đại Ninh.
Tuy nhiên, việc đầu tư triển khai xây dựng các đường dây gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư, thời gian thi công. Và đặc biệt khó khăn về đền bù giải phóng mặt bằng. Có những công trình chỉ vướng 1-2 hộ dân nhưng kéo dài hàng năm mới giải phóng. Ngoài ra, công tác lựa chọn nhà thầu gặp nhiều khó khăn, ít nhà thầu tham dự do hàng loạt dự án nguồn năng lượng tái tạo đang triển khai đã thu hút gần như toàn bộ nhân lực của các nhà thầu xây lắp.
Về các công trình đang chuẩn bị đầu tư, đó là nâng công suất Vĩnh Tân TBA 500kV Vĩnh Tân quy mô 2 x 900 MVA, dự kiến khởi công quý I/2020, đóng điện quý IV/2020; nâng công suất TBA 500kV Di Linh 900MVA khởi công vào quý 1/2020, đóng diện quý IV năm 2020. Nâng công suất trạm 220kV Tháp Chàm công suất 2 x 250MVA khởi công quý IV/2019, sẽ đóng điện vào quý I/2020. TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối công suất 2 x 250 MVA khởi công quý IV năm 2019, đóng điện quý IV/2020.
Ngoài ra, các dự án đang thi công: TBA 220 kV Phan Rí công suất 2 x 250MVA đã khởi công tháng 12 năm 2018. Tuy nhiên, đang giải phóng mặt bằng, dự kiến đóng điện quý II/2020. ĐD 220kV Nha Trang – Tháp Chàm 2 x 88km khởi công tháng 12/2016, hiện cũng đang vướng mắc.
Hy vọng năm 2020 cũng như năm tiếp theo với những giải pháp đó có thể đáp ứng, giải tỏa cơ bản công suất từ các nhà máy điện mặt trời,
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia khẩn trương tổ chức nhiều cuộc họp về tình hình vận hành thương mại các nhà máy điện mặt trời, tháo gỡ các vướng mắc, đôn đốc tiến độ vận hành các dự án lưới điện. Một mặt kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có cơ chế xã hội hóa, có thể tư nhân đầu tư xây dựng truyền tải, tháo gỡ khó khăn về vốn cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có những cơ chế chống quá tải lưới điện năm 2020.
Tiếp tục cắt giảm mạnh điều kiện đầu tư kinh doanh
Liên quan đến việc cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương, bà Trần Đỗ Quyên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho hay, để triển khai Nghị quyết 02 cả Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 được ban hành từ ngày 11/1/2019, Bộ Công Thương đã triển khai nhiệm vụ thường xuyên và sâu rộng, từ năm 2018 đến nay đã triển khai ban hành Nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh 2018, Nghị định số 08 năm 2018 và tiếp theo đó là 9 Nghị định về quản lý các ngành hàng.
Bộ Công Thương đã triển khai nhiệm vụ thường xuyên và sâu rộng, từ năm 2018 đến nay đã triển khai ban hành Nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh 2018, Nghị định số 08 năm 2018 và tiếp theo đó là 9 Nghị định về quản lý các ngành hàng.
“Từ giai đoạn đó đến nay Bộ Công Thương đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của Nghị quyết 02. Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đồng ý và sau buổi họp báo hôm nay, chúng tôi sẽ phối hợp với Văn phòng Bộ để đăng tải công khai toàn bộ các điều kiện kinh doanh, bãi bỏ trên trang diện tử Bộ Công Thương” - bà Trần Đỗ Quyên thông tin. Cụ thể nội dung cắt giảm tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Điện, khí, xăng dầu, an toàn thực phẩm, hóa chất và kinh doanh xuất khẩu gạo…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương dự kiến tiếp tục rà soát và đơn giản các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư kinh doanh và dự kiến sang tháng 11 sẽ trình Chính phủ một Nghị định mới về đơn giản hóa các lĩnh vực đầu tư kinh doanh như: An toàn thực phẩm, điện lực, hóa chất, kinh doanh bảo dưỡng bảo hành ô tô…
Quyết định của Hội đồng Cạnh tranh và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoàn toàn độc lập
Liên quan đến thông tin Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đối với quyết định xử lý vụ việc Grab mua lại Uber tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – đã thông tin đầy đủ nội tình của vụ việc này. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng có chức năng điều tra, xem xét vụ việc cạnh tranh trong đó xem xét vấn đề Grab mua lại Uber. Trong quá trình điều tra chính thức và bổ sung, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có báo cáo và kết luận điều tra liên quan, chuyển sang Hội đồng Cạnh tranh xử lý xem xét.
Về thẩm quyền, Luật Cạnh tranh năm 2004, quy định rõ việc nhận định, ra quyết định xử lý cạnh tranh của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Quyết định này mang tính chất độc lập, gồm 5 thành viên cạnh tranh nhìn nhận, báo cáo điều tra, xem xét và mở phiên điều trần kín để nghe các bên, bao gồm: Cơ quan điều tra (Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng), các bên liên quan đại diện Grab và Uber, có liên quan đến thương vụ sáp nhập Grab, Uber.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến tại phiên họp điều trần và các nội dung báo cáo, Hội đồng Cạnh tranh đã độc lập ra phán quyết, chính là kết quả bổ sung, quyết định xử lý cạnh tranh liên quan đến vụ Grab, Uber. Trong đó, nêu rõ khái niệm không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục các biện pháp cạnh tranh, đối với các việc Grab, Uber. Do việc mua, bán, chuyển nhượng, tiếp nhận việc này không cấu thành theo hình thức mua lại doanh nghiệp được quy định theo Khoản 3, Điều 7 của Luật cạnh tranh năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết luật cạnh tranh. Quyết định này đi ngược kết luận điều tra của Cục Cạnh tranh và bảo vệ tiêu dùng. Điều này thể hiện rõ tính độc lập cao giữa 2 cơ quan Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với vai trò thẩm định, điều tra, là nơi xem xét điều tra, tìm chứng cứ, còn thẩm quyền của Hội đồng Cạnh tranh chính là người xem xét quyết định. Trên cơ sở đó, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng trên cơ sở đánh giá lại tình hình đã có đơn khiếu nghị lại tình hình này, để Hội đồng Cạnh tranh xem xét lại. Quy trình này đều thực hiện theo đúng quy trình Luật cạnh tranh. Các thông tin này đều có thông cáo báo chí đăng tải trên website.
Liên quan đến phán quyết đặt ra, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, phán quyết đặt ra hơi khác. Rõ ràng, hướng là không vi phạm, trong khi đó, các quốc gia khác như Singapore, Philippines có phán quyết về việc xử phạt và coi đó là vi phạm bên cạnh hành vi khác. Đây là câu chuyện về hành vi lạm dụng, vấn đề đặt ra đó là cách nhìn nhận quy định pháp luật của mỗi nước. Thứ 2, vấn đề này đặt ra dựa trên phán quyết, chưa thể kết luận và nhận định về hành vi và tình tiết điều tra, xem xét. Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, luôn luôn có chuyện bất đồng giữa cơ quan điều tra và Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng với Hội đồng cạnh tranh là người xem xét giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định xử lý của Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, hoàn toàn có quyền khiếu nại đến Hội đồng cạnh tranh để xử lý quyết định cạnh tranh này. Thậm chí các bên liên quan có quyền tiếp tục khiếu nại và khiếu kiện ra tòa án nếu không đồng tình với giải quyết quyết định. Đó là cả quy trình.
Trả lời câu hỏi phải chăng Luật Cạnh tranh Việt Nam còn nhiều kẽ hở, không bảo vệ kinh doanh môi trường lành mạnh như các nước, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, việc thỏa thuận mua bán sáp nhập đó là quyền của doanh nghiệp. Không thể coi nó là không lành mạnh được nhưng nó chỉ không lành mạnh khi có tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường.
Luật Cạnh tranh luôn tôn trọng quyền tự do của doanh nghiệp trong việc mua, bán sáp nhập nhưng đến mức độ nhất định thì mới bị xem xét và xử lý.
Đối với câu hỏi, sau việc này, Bộ Công Thương có kiến nghị quốc hội sửa đổi Luật Cạnh tranh không? Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thông tin, Quốc hội đã thông qua Luật Cạnh tranh năm 2018 tại Phiên họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV và từ ngày 1/7/2019, đã có hiệu lực. Luật Cạnh tranh mới năm 2018 có nhiều điểm mới, bổ sung, góp phần hoàn thiện và điều chỉnh hành vi phản cạnh tranh một cách linh hoạt nhất, đảm bảo góc độ xử lý về mặt kinh tế, kết hợp tư duy pháp lý, làm sao các chủ thể tham gia môi trường cạnh tranh, kinh doanh được đảm bảo nhất, hạn chế tối đa hành vi quyền tự do cạnh tranh của các doanh nghiệp.