Quảng Ngãi: Yêu cầu làm rõ thông tin doanh nghiệp bức xúc, thất vọng về Hội chợ OCOP Công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi xin lỗi doanh nghiệp
Liên quan đến những phản ánh người dân, doanh nghiệp bức xúc đối với công tác tổ chức Hội chợ Triển lãm sản phẩm OCOP Quảng Ngãi năm 2023, mới đây ông Võ Văn Rân – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc tổ chức Hội chợ Triển lãm sản phẩm OCOP Quảng Ngãi năm 2023 đã xảy ra những thiếu sót rất đáng tiếc. Lãnh đạo Sở Công Thương cũng nhận trách nhiệm trong việc chưa chỉ đạo sâu sát, đặc biệt là khâu lựa chọn đơn vị tổ chức sự kiện chưa thực sự chuyên nghiệp đã dẫn đến vụ việc trên.
“Là người đứng đầu Sở Công Thương, tôi thành thật xin lỗi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia hội chợ về những thiếu sót và coi đây là bài học kinh nghiệm quý báu cho bản thân và Sở Công Thương trong việc tổ chức các sự kiện tương tự trong thời gian đến”, ông Rân thông tin.
Người dân, doanh nghiệp bức xúc đối với công tác tổ chức Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP Quảng Ngãi năm 2023 |
Là đơn vị thực hiện, ông Nguyễn Trung Trực - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi cũng thừa nhận những vấn đề tồn tại trong khâu tổ chức. “Năm sau, nếu có tổ chức hội chợ, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại sẽ chọn địa điểm tươm tất hơn; chọn những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, không để tái diễn tình trạng tổ chức thiếu chuyên nghiệp như Hội chợ Triển lãm sản phẩm OCOP Quảng Ngãi năm 2023”, ông Trực nói.
Liên quan đến vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã yêu cầu Giám đốc Sở Công Thương tỉnh khẩn trương xác minh và làm rõ nội dung trên, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan, chậm nhất ngày 26/12/2023.
Bài học đắt giá
Hội chợ Triển lãm sản phẩm OCOP Quảng Ngãi năm 2023 được tổ chức nhằm thúc đẩy thương mại nội địa, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường giao lưu, quảng bá, giới thiệu văn hóa, tôn vinh các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và một số sản phẩm đặc sản vùng miền. Tuy nhiên, hội chợ bị doanh nghiệp chê, thất vọng và bỏ về.
Mặc dù Sở Công Thương Quảng Ngãi đã thẳng thắn nhận lỗi trên tinh thần cầu thị nhưng không thể phủ nhận, vụ việc đã gây thiệt hại nhất định không chỉ cho các doanh nghiệp tham gia mà còn cho hình ảnh của tỉnh và ngành Công Thương. Và Sở Công Thương cần phải nhìn nhận và đánh giá vụ việc không chỉ trên văn bản.
Các hội chợ thương mại được tổ chức nhằm mục đích hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, mở rộng hợp tác kinh doanh. Trong thời điểm cuối năm 2023, các hội chợ còn có ý nghĩa hơn khi thúc đẩy kích cầu tiêu dùng nội địa, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh. Nghĩa là, doanh nghiệp là chủ thể phục vụ chính tại các sự kiện hội chợ, giao thương. Nhưng, tại hội chợ OCOP vừa rồi, các gian hàng khiến doanh nghiệp, đơn vị tham gia bức xúc vì bị bố trí trên nền bùn đất. Không thể đổ lỗi cho thời tiết bởi đây là lý do khách quan nhưng ban tổ chức cũng cần có phương án dự phòng để đảm bảo doanh nghiệp đạt được hiệu quả tham gia chương trình tốt nhất, chứ không phải để doanh nghiệp cảm thấy bị “xem nhẹ” và bỏ về trước.
Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết, đây là bài học kinh nghiệm quý báu trong việc tổ chức các sự kiện tương tự trong thời gian đến |
Bên cạnh đó, vụ việc này đặt ra một câu hỏi lớn là: Các tiêu chuẩn lựa chọn đơn vị nhà thầu tổ chức sự kiện? Phải chăng Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi cần xem lại năng lực của nhà thầu tổ chức sự kiện. Tất cả các yếu tố bị phản ánh như: Khu vực triển lãm nhếch nhác, đổ rác thải bừa bãi, hay thu phí giữ xe cao…. đều liên quan đến nhà thầu tổ chức sự kiện.
Hiện nay, sự ra đời của các đơn vị tổ chức sự kiện, lễ hội ngày càng nhiều, tính cạnh tranh cũng vì thế ngày càng tăng nhưng vẫn chưa có những yếu tố, tiêu chuẩn cụ thể, chi tiết đối với những nhà thầu tổ chức sự kiện hội chợ. Nên chăng cần thiết có bộ tiêu chí lựa chọn nhà thầu tổ chức, có các tiêu chí rõ ràng và kèm theo trách nhiệm cụ thể của nhà thầu nếu để xảy ra những vụ việc hoặc phản hồi về tính kém hiệu quả, thiếu chuyên nghiệp như vụ việc nêu trên.
Ngành Công Thương luôn nỗ lực tạo ra môi trường kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các chương trình xúc tiến thương mại đều hướng đến phục vụ doanh nghiệp, cho nên cần xem sự việc tại Hội chợ OCOP Quảng Ngãi không chỉ là bài học kinh nghiệm mà còn là bài học “đắt” để ý nghĩa việc tổ chức các hội chợ được trọn vẹn, hiệu quả hơn.
Trước đó, tại tỉnh Quảng Ngãi diễn ra Hội chợ Triển lãm sản phẩm OCOP Quảng Ngãi năm 2023 từ ngày 14/12 – 20/12 tại khu vực sân bay cũ, đường Hoàng Hoa Thám (phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi). Hội chợ thu hút gần 250 gian hàng tiêu chuẩn của các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã tại 10 tỉnh, thành phố trong nước, gồm: Hòa Bình, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Đắk Lắk. Cơ quan chỉ đạo Hội chợ Triển lãm sản phẩm OCOP Quảng Ngãi là UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Công Thương chủ trì, đơn vị thực hiện là Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại. Tổng kinh phí cho chương trình là 1,6 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 là 800 triệu đồng; nguồn xã hội hóa 800 triệu đồng. Tuy nhiên, nhắc đến hội chợ này, nhiều người dân, các doanh nghiệp tham gia hội chợ bức xúc, thất vọng bởi sự thiếu chuyên nghiệp của đơn vị tổ chức. Nguyên nhân vì công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp như: Khu vực tổ chức triển lãm nhếch nhác, nhiều mặt bằng gian hàng bố trí trên khu vực nền bùn đất, đổ rác thải bừa bãi gây mất mỹ quan khu vực triển lãm, bán vé vào hội chợ, thu phí giữ xe cao... |