Hoàng Su Phì (Hà Giang) phát triển sản phẩm OCOP mận máu trở thành hàng hóa
Thời gian chín của cây mận máu chỉ kéo dài từ cuối tháng 7 đến tháng 8 hàng năm. Khi chín vỏ và ruột quả mận chuyển sang màu đỏ như máu, nên được gọi là mận máu. Mận máu có vị ngọt và giòn thơm, hạt nhỏ. Trong năm 2020, cây mận máu của huyện Hoàng Su Phì đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh của Hà Giang.
Mận máu Hoàng Su Phì bước vào giai đoạn chín |
Để nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển sản phẩm mận máu trở thành hàng hóa, trong những năm qua, UBND Hoàng Su Phì đã chỉ đạo các phòng ban chức năng và UBND các xã trồng mận máu tổ chức điều tra, qui hoạch, tổ chức nhân giống, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm mở rộng diện tích và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây mận máu.
Do đặc thù của tiểu vùng khí hậu, cây mận máu chỉ thích nghi và phát triển phù hợp tại 2 xã Thàng Tín và Chiến Phố của huyện Hoàng su Phì. Theo số liệu của cơ quan chức năng Hoàng Su Phì, tính đến thời điểm tháng 6/2023, diện tích cây mận máu tại 2 xã Thàng Tín và Chiến phố đạt gần trên 550ha. Vì vậy, đây cũng là vùng mà UBND huyện Hoàng Su Phì triển khai Đề án “Tập trung đẩy mạnh phát triển cây mận máu giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Cũng từ năm 2020 đến nay đã có nhiều hộ gia đình của 2 xã Thàng tín và Chiến Phố mở rộng diện tích cây mận máu và cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm từ cây mận máu (mận máu chỉ cho thu hoạch 01 vụ/năm). Có thể kể đến hộ gia đình ông Lù Sào Chỉ, dân tộc Dao thôn Cốc Rạc xã Thàng Tín có trên 400 gốc mận máu, trong đó có khoảng 350 gốc cho thu hoạch; trong vụ mận năm 2022 vừa qua, do mận máu được mùa, được giá, gia đình ông Chỉ đã có nguồn thu khoảng 150 triệu đồng (giá bán mận từ 35 – 45 nghìn đồng/kg, tùy loại). Theo ông Chỉ, nếu bán cho thương lái theo cây thì dao động từ 1,0 – 5,0 triệu đồng/cây, tùy theo độ lớn và độ sai quả của cây.
Để mở rộng diện tích cây mận máu, từ năm 2020, UBND huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai Đề tài : “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nhân nhanh giống cây mận máu”. Nhờ đó, diện tích cây mận máu của huyện không ngừng được mở rộng. Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp phối hợp với UBND của 2 xã Thàng Tín và Chiến Phố thành lập các HTX dịch vụ làm cơ sở để xây dựng thương hiệu và xây dựng các vườn ươm cây mận máu để phục vụ cho công tác mở rộng diện tích và nâng cao giá trị của sản phẩm.
Sản phẩm OCOP mận máu Hoàng Su đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh |
Khi mận máu bước vào giai đoạn chín cũng là thời điểm các cánh đồng lúa trên các các thửa ruộng bậc bước vào giai đoạn chín. Vì vậy, huyện Hoàng Su Phì đang kết hợp tổ chức “Chương trình du lịch trên những thửa ruộng bậc thang” với Chương trình “Du lịch trải nghiệm cây mận máu” để giúp các du khách khi đến Hoàng Su Phì được tham gia tham quan, trải nghiệm quá trình chăm sóc, thu hái và nhất là được thưởng thức hương vị đậm đà của mận máu khi vào mùa thu hoạch.
Ông Triệu Sơn An - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì - cho biết: Mận máu là một trong những sản phẩm OCOP đặc thù của huyện. Trong những năm qua, cây mận máu đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại 2 xã Thàng Tín và Chiến Phố; cá biệt có những gia đình vươn lên làm giàu từ trồng và buôn bán mận máu. Để mở rộng diện tích và nâng cao năng suất, chất lượng mận máu, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp nhân giống và hướng dẫn người dân về các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mận máu. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây mận máu của huyện đạt 700ha và đưa cây mận máu trở thành hàng hóa đặc thù của huyện.