Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Ảnh Quochoi.vn |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là Phiên cuối để rà soát lại các công việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội và đề nghị các cơ quan trình bày báo cáo ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề chủ yếu, nhất là các báo cáo về kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách; đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nghiên cứu tài liệu, đóng góp ý kiến sâu sắc.
Năm 2018 sẽ hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao
Báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 28 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch năm 2019, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản đúng hướng và năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao.
Theo đánh giá của Chính phủ, nền kinh tế nước ta trong năm 2018 và 3 năm đầu của kế hoạch 5 năm 2016-2020 cơ bản gặp nhiều thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với một số khó khăn thách thức. Nhờ tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, các tổ chức quốc tế,… nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực.
“Năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch” – ông Dũng nói và đánh giá, những kết quả này góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.
Chi tiết hơn, Chính phủ nêu rõ, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực và đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn ổn định và an ninh quốc gia. Lạm phát được kiểm soát, liên tiếp 3 năm CPI đạt dưới 4%; điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, giữ vững ổn định tỷ giá, lãi suất, đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng 17%), đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế; nợ công giảm, còn khoảng 61,4% năm 2018...
Cùng với đó, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực cho phát triển. Thu NSNN năm 2018 ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017, bội chi ước đạt 3,67%, cơ cấu chi đầu tư tăng, giảm chi thường xuyên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội giao, trong đó, cơ cấu đầu tư khu vực tư nhân ngày càng tăng, giải ngân vốn FDI đạt khá, ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,8%.
Đặc biệt, xuất nhập khẩu tăng mạnh, cao hơn mốc kỷ lục năm 2017, ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%, trong đó xuất khẩu ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2%, cán cân thương mại xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện với dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ước đạt 40,23%, năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng cao hơn giai đoạn 2011-2015, ước đạt 5,55%” – Báo cáo nêu.
Cùng với đó, các ngành, lĩnh vực phát triển toàn diện, tạo động lực cho tăng trưởng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ, ước đạt 3,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 7,59%, trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng vượt bậc, liên tục ở mức 2 con số, ước đạt 12,46% còn khu vực dịch vụ cũng tăng khá, ước đạt 7,35%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tục duy trì mức tăng 2 con số, ước năm 2018 tăng 10,5%-10,8%.
Một trong những điểm nhấn được Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là việc thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả quan trọng đi kèm với cải cách thể chế và cải thiện chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể, đến hết tháng 8/2018, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật; ban hành 108 Nghị định, trình Quốc hội 16 dự án Luật, trong đó có 7 dự án Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế, thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đánh giá kết quả toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm giai đoạn 2016-2020 và cho rằng: “Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng: Kết quả đạt được trong năm 2018 và 3 năm đầu thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là rất toàn diện |
Đặc biệt, ghi nhận kết quả công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, nhất là trong công tác hoàn thiện thể chế, đổi mới chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã đưa lại thành công kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ trong báo cáo thẩm tra những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, trong đó lưu ý chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu. Hệ số ICOR vẫn còn ở mức cao. Năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) và năng suất lao động có đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP năm 2018, tuy nhiên đều có xu hướng giảm so với năm 2017...
“Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần chững lại; công nghiệp khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, ít dư địa phát triển” – Báo cáo thẩm tra nêu và bổ sung, mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã có cải thiện nhưng nhập siêu của khu vực này còn lớn, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong khi đó, phát triển thương mại trong nước còn hạn chế, cơ cấu sở hữu trong hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại đang chuyển dịch theo hướng tập trung ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tạo áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt cho doanh nghiệp phân phối trong nước. Du lịch xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng sự đóng góp cho tăng trưởng, cho ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng và còn bất cập, cách thống kê cũng cần chuyển từ lượng sang chất, thay vì tăng trưởng về lượng khách, cần đánh giá thêm các chỉ tiêu về chi tiêu, thời gian lưu trú, sử dụng dịch vụ… Việc thực hiện chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển còn một số vướng mắc, hạn chế, cần tiếp tục được quan tâm.
Trong công tác quản lý thu ngân sách, Uỷ ban Kinh tế lưu ý tổng thu cân đối NSNN dự kiến vượt dự toán nhưng chưa thật bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, thu ngân sách chỉ mới đủ cho chi thường xuyên và trả nợ. Riêng năm 2018, các khoản thu thể hiện nội lực của nền kinh tế ở 3 khu vực kinh tế quan trọng đều không đạt dự toán trong khi tình trạng thất thu thuế, nhất là ở khu vực ngoài quốc doanh chậm được cải thiện và cơ cấu chi ngân sách gắn với đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ còn chậm.
Uỷ ban này cũng đánh giá, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được cắt giảm, nhưng vẫn cần xem xét mức độ thực thi của các cấp, các ngành và thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là tình trạng thanh tra chuyên ngành còn chồng chéo, nhiều lần trong một năm, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá, với quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện qua công tác chỉ đạo quyết liệt thực hiện các Chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Quốc hội từ trung ương đến địa phương, kết quả đạt được trong năm 2018 và 3 năm đầu thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là rất toàn diện.
Làm rõ hơn, Phó Chủ tịch nêu ví dụ từ công tác phân bổ và quản lý nguồn vốn đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực, vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết kiệm nguồn lực và đầu tư vào những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế, làm động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế khác của đất nước.
Cũng theo Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, trong 3 năm qua ghi nhận sự quan tâm lắng nghe của Chính phủ với người dân và doanh nghiệp. “Qua đó tạo được tiếng nói đồng thuận giữa người dân, doanh nghiệp với Nhà nước” - Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ và đánh giá của Uỷ ban Kinh tế cũng như các ý kiến đóng góp trong phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp - Lê Thị Nga - cho rằng, sự cầu thị tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, của các đại biểu Quốc hội… của Chính phủ trong thời gian qua không chỉ khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính mà còn tạo được hiệu ứng tốt cả trong và ngoài nước trong việc tạo môi trường đầu tu kinh doanh thuận lợi hơn.
“Đặc biệt là việc lãnh đạo Chính phủ trực tiếp xuống làm việc với các địa phương hoặc mời các địa phương ra trung ương làm việc cùng với các Bộ, ngành để lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc” – bà Nga cho rằng đây là cách làm hiệu quả và để nghị Chính phủ tiếp tục tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, công nhân và các hội nghị chuyên đề theo lĩnh vực kinh tế.
Trong công tác cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, bà Nga đánh giá, đi đầu là ngành Công an, Công Thương, Tài chính… đã góp phần giúp bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Đi kèm đó là công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã được đẩy mạnh, thể hiện trong công tác thanh tra nhiều dự án, công trình và đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra. Công tác điều tra, xét xử các vụ án kinh tế lớn được chỉ đạo quyết liệt đã giúp thu hồi một phần tài sản của nhà nước, khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật với quan điểm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.