Hoà Bình: Nhiều chương trình thiết thực đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, đào tạo nghề
Trong những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân khác nhau song tỉnh Hoà Bình vẫn tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo việc làm, nâng cao phúc lợi xã hội, đảm bảo đời sống cho người dân.
Tỉnh Hòa Bình đã quan tâm. đầu tư ngân sách hỗ trợ các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn |
Chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động
Theo đó, thời gian qua, tỉnh Hoà Bình đã tổ chức thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Đơn cử, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2023, đã có 33 doanh nghiệp được cấp phép vào các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỉnh đã tiếp nhận và thẩm định 03 hồ sơ Nội quy lao động và 05 Thỏa ước lao động. Cấp giấy phép lao động cho 76 người lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm và phòng Lao động – Thương binh xã hội các huyện đã tổ chức trên 20 phiên giao dịch việc làm; Tổ chức 03 cuộc Hội nghị tư vấn chuyên đề chính sách lao động và công tác giải quyết việc làm năm 2023 tại các xã… Đồng thời, triển khai các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 4.697 lao động (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022), số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là 69.264 triệu đồng..
Kết quả, 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã có 15.540 lao động được tạo việc làm (đạt 97% kế hoạch năm), tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Có 644 người lao động được tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng bằng 368% so với cùng kỳ năm 2022 (đạt 215% kế hoạch năm). Tỉnh còn hỗ trợ người lao động tạo việc làm từ vay vốn Qũy quốc gia việc làm: 3.344 lao động (vượt 278 % kế hoạch năm), số vốn giải ngân cho vay giải quyết việc làm là 147.960 triệu đồng.
Nhìn chung, chỉ tiêu giải quyết việc làm đã cơ bản đạt cả năm (97%), trong đó xuất khẩu lao động đã vượt kế hoạch (bằng 368%). Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đã đạt 80% kế hoạch năm.
Quan tâm đầu tư cho công tác an sinh xã hội
Năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng gồm: 900 hộ kinh doanh, gần 5.000 người lao động, 7.501 người có công, 22.806 đối tượng bảo trợ xã hội và 89.755 người thuộc diện hộ nghèo với kinh phí 210 tỷ đồng.
Không gì bằng thực tế, đây là những lớp học thiết thực giúp con em địa phương được học nghề để có việc làm mang tính ổn định, đảm bảo cuộc sống |
Năm 2021, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 68 và Nghị quyết 128 của Chính phủ, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1520 doanh nghiệp, 65.771 đối tượng khác là trẻ em, người lao động, người là F1, F0, 363 hộ kinh doanh với tổng kinh phí 110 tỷ đồng.
Năm 2022, thực hiện gói hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho lao động ở các cụm, khu công nghiệp, tính đến 30/6/2022 số tiền hỗ trợ cho 1.032 lao động là 1,439 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thực hiện thí điểm và nhân rộng chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội, tính đến hết tháng 9 năm 2023 đã thực hiện chi trả qua tài khoản cho 8.807 đối tượng với tổng kinh phí trên 4,7 tỷ đồng. Các huyện, thành phố đã quyết định cho hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội đối với gần 3.500 đối tượng, cắt giảm gần 3.000 đối tượng theo quy định.
Ngoài ra, tỉnh Hoà Bình đã duy trì công tác quản lý, nuôi dưỡng, lao động trị liệu, chăm sóc y tế phục hồi chức năng cho 209 đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em. Kết nối với chính quyền địa phương và gia đình chuyển 08 đối tượng tái hoà nhập cộng đồng; Duy trì cho 34 trẻ trong độ tuổi đi học. Vận động Quỹ bảo trợ trẻ em đạt 1,4 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ trung ương và địa phương đã hỗ trợ cho 2.809 trẻ em với số tiền là 1.945.120 đồng.
Hiện toàn tỉnh có 99,5% hộ gia đình chính sách đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với dân cư cùng địa bàn cư trú; 100% số xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.
Ngoài ra, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng được quan tâm; 100% các huyện, thành phố triển khai thực hiện ít nhất 2 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt 98%; tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 100%; tỉ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi trung học cơ sở đạt 100%. Bên cạnh đó, đã có 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quản lý, theo dõi và trợ giúp, chăm sóc để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; có 80% xã, phường, thị trấn được công nhận phù hợp với trẻ em…
Tình tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung, bao gồm: Tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hỗ trợ về giáo dục, hỗ trợ về y tế, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ về nước sạch và vệ sinh, hỗ trợ tiếp cận thông tin. Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi. Đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Từ đó hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đã đề ra.