Cần khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ITTC Hoà Bình: Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch |
Đưa chính sách đi vào cuộc sống
Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện. Tại Hòa Bình, nhiều đề án, chính sách đầu tư, hỗ trợ đa dạng, phù hợp với thực tiễn đã được triển khai. Qua đó giúp vùng dân tộc thiểu số và miền núi từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, văn hóa - xã hội thiết yếu, đồng bào được đào tạo nghề, tiếp cận nguồn cây, con giống, vật tư phân bón và tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, thu nhập... Đồng thời, việc đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy tiêu thụ, xúc tiến thương mại, kết nối, quảng bá các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, hướng tới tạo ra sinh kế, thoát nghèo bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long (áo xanh) cùng các đại biểu thăm gian hàng tại Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc- Hòa Bình 2024 |
Ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hoà Bình - cho biết, đơn vị đã chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tập trung tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chương trình, dự án, chính sách nhằm thúc đẩy hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hút đầu tư, tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số... “3 năm trở lại đây, ngành Công Thương đã chủ trì, phối hợp, kêu gọi thu hút đầu tư tại gian hàng thuộc 8 hội chợ triển lãm, chương trình kết nối giao thương trong nước, trong đó có 3 hội chợ tại miền Nam, 5 hội chợ tại khu vực miền Bắc. Hỗ trợ xây dựng 6 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP. Hòa Bình và các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Cao Phong, Mai Châu...” - ông Dũng thông tin.
Tương tự với ngành Công Thương, là đơn vị được giao thực hiện nội dung “Hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Liên minh hợp tác xã tỉnh Hoà Bình không ngừng nỗ lực hỗ trợ các hợp tác xã với hoạt động phong phú như: Hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đào tạo nghề cho thành viên hợp tác xã, đồng hành cùng các ý tưởng sản xuất, kinh doanh khởi nghiệp, chuyển đổi số, tổ chức hội nghị xúc tiến cung - cầu ở các thành phố lớn...
Điển hình như dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả thực hiện tại các xã: Tú Sơn, Đú Sáng, Vĩnh Tiến (huyện Kim Bôi) với tổng quy mô 125 ha, sản phẩm chính là cây ăn quả có múi. Hợp tác xã Nông nghiệp và thương mại Mường Động là đơn vị thực hiện. Ông Nguyễn Trung Huân - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Vài năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả có múi tăng mạnh, tạo ra thách thức lớn về thị trường tiêu thụ, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, là những khó khăn hợp tác xã phải đối mặt. Song nhờ chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất phát triển, xây dựng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị đã tạo cơ hội để hợp tác xã tìm ra hướng đi mới.
Ba năm trở lại đây, từ dự án liên kết sản xuất, Hợp tác xã Mường Động đã cung ứng cho thị trường trên 600 tấn cam, bưởi các loại; doanh thu từ sản xuất cây ăn quả có múi của hợp tác xã đạt hàng chục tỷ đồng/năm. Trong đó, doanh thu từ kênh tiêu thụ chuỗi liên kết trên 4,5 tỷ đồng. Hợp tác xã đã ký thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm với 3 doanh nghiệp tại Hà Nội, tham gia 6 hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm.
Các hội chợ, triển lãm được tổ chức nhằm thúc đẩy hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi |
Cũng từ nguồn vốn Chương trình, cuối tháng 11/2023, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh phối hợp UBND huyện Tân Lạc tổ chức Chương trình Xúc tiến đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình có quy mô trên 30 gian hàng tiêu chuẩn của các hợp tác xã trong tỉnh, 9 huyện, thành phố, các xã của huyện Tân Lạc và các gian hàng tiêu biểu của một số tỉnh bạn. Tại chương trình đã trưng bày, quảng bá và bán các mặt hàng do chính các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hoà Bình và các tỉnh lân cận sản xuất. Sản phẩm có chất lượng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Tạo sinh kế để đồng bào thoát nghèo bền vững
Bên cạnh thị trường truyền thống, với sự phát triển của công nghệ, khi thương mại điện tử đang dần trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế; tận dụng lợi thế này, tỉnh Hòa Bình đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân trong tỉnh nói chung và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng đầu tư trên lĩnh vực mua bán hiện đại. Từ đó mở ra kênh tiêu thụ sản phẩm mới cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên các Sàn thương mại điện tử Postmart.vn thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và sàn thương mại điện tử voso.vn thuộc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel…
Các sản phẩm thổ cẩm của người dân tộc Dao Tiền ở bản Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình |
Cùng đó, Sàn giao dịch thương mại điện tử tại địa chỉ: www.hoabinhtrade.gov.vn được Sở Công Thương Hoà Bình tham mưu UBND tỉnh xây dựng, hoàn thiện đã đưa các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nổi bật của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh lên sàn; đồng thời duy trì, phát triển, bảo hộ các thương hiệu nông sản đã được chứng nhận và có uy tín, thương hiệu trên thị trường; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản khi tham gia tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Để đẩy nhanh việc phổ cập đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, các đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức đào tạo, tập huấn tại 10/10 huyện và thành phố cho hơn 3.000 hộ sản xuất/hợp tác xã. Hiện tỉnh Hoà Bình có hơn 1.000 tổ chức, cá nhân tham gia sàn thương mại điện tử, các sản phẩm tham gia trên sàn thương mại điện tử như: Cam, quýt, bưởi, trứng gà, trà, miến, mật ong, chuối, nhãn, bí xanh, dưa chuột… và các sản phẩm chế biến như ớt rẽ, cao cà gai leo, trà giảo cổ lam… được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin dùng.
Có thể nói, với cách làm phù hợp, hiệu quả, công tác đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy tiêu thụ, xúc tiến thương mại, kết nối, quảng bá các sản phẩm đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hoà Bình. Giai đoạn 2021 - 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh giảm bình quân 2,93%/năm; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 6,39%/năm.