Thứ hai 18/11/2024 12:26
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hòa Bình cần quan tâm đến các xã đặc biệt khó khăn

Mới đây, đến thăm, làm việc tại tỉnh Hòa Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Hòa Bình cần quan tâm hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình

Tỉnh Hòa Bình cần có những bước đi cụ thể

Cùng đi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Hòa Bình, Tổng Bí thư nêu rõ: tỉnh Hòa Bình có vị trí quan trọng ở vùng Tây Bắc, có nhiều tiềm năng, lợi thế, đang phát triển vươn lên. Những năm qua, Hòa Bình đã xác định được hướng đi phù hợp, hiệu quả, đó là quy hoạch phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả có múi, mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 20%. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng, hiện đã có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng Hòa Bình vẫn là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu, trên nền quy hoạch đã có, tỉnh Hòa Bình cần xác định trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, lựa chọn cái gì làm trước, cái gì làm sau; tính toán toàn diện, có bước đi, dự án, công trình cụ thể; xác định cây, con chủ lực, mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa… từ đó huy động nguồn lực, thu hút đầu tư.

Đến thăm, làm việc tại xã Phong Phú thuộc huyện Tân Lạc - nơi có 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường, Tổng Bí thư nhắc nhở: Hòa Bình cần quan tâm hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt chính sách dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Quan tâm đến các xã đặc biệt khó khăn

Tháp tùng Tổng Bí thư đến thăm vườn cam Thủy Nga – vườn cam có tổng diện tích 9 héc-ta, mỗi năm thu lãi khoảng 4 tỷ đồng của gia đình ông Nguyễn Đức Mạnh ở huyện Cao Phong; thăm quan mô hình du lịch cộng đồng – homestay ở xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc…, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến thực sự ấn tượng với việc chuyển đổi hiệu quả 3.000 héc-ta lúa 1 vụ sang trồng các loại cây trồng có giá trị như: cam, bưởi, mía tím, su su… của tỉnh Hòa Bình.

Đánh giá về việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Hòa Bình, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho rằng, với 74% đồng bào là người dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Hòa Bình có tỷ lệ bố trí đại biểu hội đồng nhân dân là người DTTS khá cao: cấp tỉnh 67,2%, cấp huyện 76%, cấp xã là 83,5%; tỉnh ủy 73%. Năm 2016, Hòa Bình đã giải quyết 47 vấn đề bức xúc, tổ chức 59 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân. Kết quả này đã củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhau đoàn kết, nỗ lực vươn lên.

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình cũng đã kịp thời ban hành 2 đề án: Đề án Phát triển 36 thôn khó khăn nhất của tỉnh và Đề án Củng cố hệ thống chính trị của 2 xã là Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu (nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông). Với 2 đề án này, đồng bào DTTS đã có thêm sự quan tâm, chăm lo để từng bước phát triển đi lên, ổn định về an ninh chính trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo của Hòa Bình còn cao (21%), trong đó 80% hộ nghèo là đồng bào DTTS. Đến nay, Hòa Bình vẫn còn 92/210 xã đặc biệt khó khăn. Việc Hòa Bình chú trọng thu hút đầu tư, phát triển du lịch là đúng hướng, nhưng cần quan tâm đến những xã đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, dân tộc Mường chiếm tới 63% dân số ở Hòa Bình, người Mường cũng nổi tiếng với những nét văn hóa đặc sắc như: Mo Mường, Chiêng Mường…, vậy nhưng những nét văn hóa này đang có dấu hiệu mai một. Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đề nghị tỉnh Hòa Bình cần quan tâm hơn, có những hành động cụ thể để giữ lại những nét văn hóa riêng có của người Mường ở địa phương.

P.V

Tin cùng chuyên mục

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống

Bắc Kạn: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV - năm 2024

Huyện Quỳnh Nhai – Sơn La nỗ lực xây dựng hệ thống chợ để cải thiện đời sống người dân

Câu chuyện về nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Lai Châu: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Kon Tum: Người Xơ Đăng bảo tồn nghề đan lát truyền thống