Hình thành sản xuất và tiêu dùng bền vững qua nhận diện thực phẩm minh bạch
Sự kiện do Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) tổ chức với sự tham gia của hơn 100 đại biểu trong lĩnh vực sản xuất và phân phối nông sản, thực phẩm. Sự kiện nhằm giúp các doanh nghiệp nắm bắt xu hướng tiêu dùng và hướng dẫn người tiêu dùng nhận diện thực phẩm minh bạch, an toàn thông qua hệ thống công nghệ cao, hướng tới sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp xanh bền vững.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm |
Ông Nguyễn Hải Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội (Sở KH&ĐT Hà Nội) cho biết, người tiêu dùng hiện nay đang có xu hướng lựa chọn thực phẩm ngon, sạch, có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận chất lượng… Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp cải thiện phương thức kinh doanh an toàn bền vững...
“Hội thảo “Xu hướng tiêu dùng và nhận diện thực phẩm minh bạch” hướng tới mục tiêu giúp các doanh nghiệp thực phẩm tăng cường sản xuất sạch, xanh, cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, minh bạch về nguồn gốc… để phục vụ nhu cầu của người dân. Nhất là giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản thích ứng linh hoạt trong thời đại công nghệ 4.0”.
ThS. Nguyễn Thị Thu Liên trình bày về các chương trình và định hướng mà AFT thực hiện vì nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững |
Nhìn ở góc độ minh bạch và an toàn trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm, TS. Trần Thị Dung - Phó chủ tịch AFT và ThS. Nguyễn Thị Thu Liên - Chuyên gia tư vấn chiến lược, Trưởng Ban kết nối Doanh nghiệp và Phát triển hội viên kiêm Trưởng Văn phòng đại diện AFT tại Hà Nội cho biết, AFT đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá về những xu hướng tiêu dùng, cách thức nhận biết thực phẩm minh bạch, các hoạt động phiên chợ, hội chợ với các chương trình “Hành trình Nông sản minh bạch”, chương trình “Phiên chợ Thực phẩm minh bạch”... được tổ chức định kỳ hàng tháng, tạo điểm hẹn cho người tiêu dùng yêu thực phẩm sạch và giúp doanh nghiệp hội viên nâng cao nhận thức về sản xuất theo tiêu chuẩn, trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường canh tác, chống biến đổi khí hậu, thực hành sản xuất xanh để giảm phát thải nhà kính, bảo vệ Trái đất, bảo vệ môi trường sống của con người.
Tại hội thảo các diễn giả đã chia sẻ về thực trạng ô nhiễm nước, cách đọc các chỉ số an toàn nước sạch, xu hướng tiêu dùng giảm các-bon; hay các chỉ tiêu kỹ thuật của thực phẩm an toàn, cũng như công cụ để nhận biết thực phẩm minh bạch thông qua truy xuất nguồn gốc, thông qua việc tuân thủ chặt chẽ các quy định về ghi bao bì nhãn mác…
Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm xanh, sạch đã giới thiệu nhiều sản phẩm đặc sắc, chất lượng, có chứng nhận tới đông đảo người tiêu dùng.