Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Chi trả DVMTR đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng |
Từ chính sách chi trả DVMTR, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng từng bước được nâng cao. Đặc biệt, chính sách này đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Dân có thu nhập, rừng được bảo vệ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, công tác triển khai chính sách chi trả DVMTR trong thời gian qua đã có tác động rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên phạm vi toàn tỉnh nói chung và ở từng địa bàn, lưu vực có cung ứng DVMTR nói riêng. Cùng với các nguồn lực và thông qua các giải pháp, các hoạt động triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã góp phần giảm thiểu số vụ vi phạm, phá hoại rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép…
Tại một số nơi, đơn giá chi trả bình quân trên 1 héc-ta rừng đạt cao, cao hơn cả mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ rừng (200.000 đồng/héc-ta) như: Lưu vực Nhà máy thủy điện Nậm Khóa 3, Nhà máy thủy điện Nậm Tha có đơn giá chi trả đạt từ 518.000 đồng - 733.000 đồng/1héc-ta/năm. Nhờ triển khai tốt chính sách chi trả DVMTR, thu nhập thực tế bình quân của các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán bảo vệ rừng đã có những cải thiện. Thậm chí, có những hộ thu nhập tiền DVMTR đạt 3.000.000 - 4.000.000 đồng/hộ/năm. Nguồn tiền DVMTR đã góp phần nâng cao đời sống người làm nghề rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các lưu vực cung ứng DVMTR.
Còn tại Hòa Bình, theo ông Nguyễn Hồng Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình, trong 5 năm 2011 - 2015, tỉnh đã thu được 53.740 triệu đồng quỹ DVMTR, đã giải ngân, thanh toán cho chủ rừng tại 3 lưu vực và chi phí hoạt động của Ban điều hành Quỹ cùng kinh phí hỗ trợ hoạt động cho Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Đà là 45.952 triệu đồng. Sau 5 năm triển khai, chính sách này đã giúp cải thiện thu nhập và đời sống người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa.
Cần tăng cường công tác tuyên truyền
Theo ông Phạm Hồng Lượng - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp): Chính sách chi trả DVMTR được triển khai ở nước ta đã từng bước thúc đẩy, tạo lập cơ chế thị trường có định hướng và thể hiện vai trò điều tiết của Nhà nước; thể hiện mối quan hệ trong giao dịch kinh tế giữa một bên mua là bên sử dụng DVMTR và bên bán là bên cung ứng DVMTR. Đặc biệt, việc chi trả rất có ý nghĩa, nhất là đối với các hộ nghèo, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở miền núi.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan liên quan, bên cạnh những kết quả đã đạt được tại thời điểm này, số tiền chi trả DVMTR chưa hoàn toàn đáp ứng được giá trị sức lao động và nhu cầu sống tối thiểu của người dân. Đặc biệt, việc chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh tới từng chủ rừng còn rất khó khăn do quy định tài chính và các văn bản liên quan tới phương thức, hồ sơ nghiệm thu thanh toán chưa phù hợp đặc thù địa phương; mức chi trả thấp, chênh lệch chi trả trên các lưu vực rất lớn, gây khó khăn cho công tác vận động, tuyên truyền, ảnh hưởng mạnh mẽ tới ý thức người dân… Vì vậy, các đơn vị cũng kiến nghị, cần tăng cường hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng cùng chung tay trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, thực hiện điều tra khảo sát nhu cầu đào tạo hàng năm và lập kế hoạch đào tạo hợp lý. Ngoài ra, ban hành các hướng dẫn, văn bản quy định chi tiết cụ thể theo hướng phù hợp thực tế, tinh giản trình tự thủ tục…