Mang Xuân ấm đến nơi biên giới tỉnh Đắk Nông Đắk Nông tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới |
Nằm trên địa bàn huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông), xã Đắk Môl là một trong 3 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số với tỷ lệ hộ nghèo cao. Đảng bộ xã Đắk Môl hiện có 14 chi bộ, tổng số 218 Đảng viên. Thực hiện kế hoạch tăng cường khối Đại đoàn kết Dân tộc, xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chính Minh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông. Đồng thời tiếp tục triển khai các mô hình mới trong thực hiện Chỉ thị 05 về mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mô hình 5 Đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo hay còn gọi là mô hình “Đảng viên 5 cộng 1” đã được triển khai thực hiện. Chỉ trong năm 2020 mô hình đã giúp đỡ cho 39 hộ thoát nghèo, năm 2021 đã giúp đỡ 16 hộ thoát nghèo theo chuẩn cũ và 10 hộ chuyển sang cận nghèo. Số hộ nghèo trên địa bàn xã Đắk Môl chỉ còn 2,31%
Bà Phạm Thị Thúy – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Song, tỉnh Đắk Nông chia sẻ, so với các địa bàn khác thì xã Đắk Môl là một địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số và rất nghèo, có nhiều khó khăn khi thực hiện mô hình vì còn rất nhiều cán bộ, đảng viên chưa mạnh về kinh tế, nhiều nơi đang nghèo lại không muốn thoát nghèo vì tư tưởng trông chờ ỷ lại.
“Mô hình “Đảng viên 5 cộng 1” không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất mà chúng tôi còn hỗ trợ về mặt tinh thần, tức là tuyên truyền làm sao để cho người đồng bào hiểu được rằng mình thoát nghèo và tự mình vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất của mình và từ chính bản thân mình thì đó mới là bền vững”, bà Thúy cho hay.
Sau thời gian triển khai, các tổ chức cơ sở đảng tại huyện Đắk Song đã phối hợp vận động, huy động nguồn lực được trên 1,1 tỷ đồng giúp người nghèo. |
Theo ông Ngô Anh Nhượng – Bí thư Đảng ủy xã Đắk Môl, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, thực hiện mô hình “Đảng viên 5 cộng 1” về thực chất là cụ thể hóa các chương trình, các kế hoạch, các mục tiêu về việc xóa đói giảm nghèo. Trước kia, hầu hết các công tác thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo chưa rõ ràng cho nên kết quả chưa cao.
“Thực hiện mô hình này đã cụ thể hoá là ngành nào, đồng chí nào giúp cho hộ nào, tất cả đều đã có địa chỉ. Vì vậy cho nên quá trình thực hiện, muốn làm được thì đương nhiên tổ nhóm nói chung và cá nhân của tổ trưởng đó nói riêng phải có trách nhiệm phối hợp với các ngành khác có liên quan”, ông Nhượng thông tin.
Tại Chi bộ Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (xã Đắk Môl, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) có 17 Đảng viên triển khai mô hình “Đảng viên 5 cộng 1”, các Đảng viên được Chi ủy phân công đều rất hào hứng và nhiệt tình tham gia. Để triển khai mô hình, các đảng viên chia nhau thành từng nhóm, mỗi nhóm 5 người rồi tới từng hộ gia đình tiếp cận, tìm hiểu thông tin của từng hộ gia đình, từ số lượng thành viên trong gia đình, diện tích nhà ở, đất sản xuất, chuồng trại đến các loại cây trồng, con giống, từ đó có những giải pháp thiết thực, phù hợp với từng hộ dân. Đồng thời hướng dẫn nhân dân tiếp cận với khoa học công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất.
Không dừng lại ở việc giúp người dân thoát nghèo, các nhóm “Đảng viên 5 cộng 1” của Chi bộ Nhà trường còn kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh, giúp các hộ gia đình từng bước thay đổi tư duy, ngày càng quan tâm hơn tới việc học của con trẻ.
Ông Trần Đăng Quân – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự cho biết: “Các Đảng viên trong chi bộ được Đảng ủy phân công phụ trách từng hộ nghèo, đã tiếp cận với hộ dân và thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, Đảng viên cũng rất nhiệt tình đến để gần gũi với bà con nhân dân, hướng dẫn cho nhân dân trong quá trình tiếp cận với khoa học công nghệ, áp dụng vào hoạt động sản xuất” đồng thời nói thêm: “Đặc biệt, khi triển khai mô hình này, đây là một cơ hội để chúng tôi để tiếp cận với nhân dân, để truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục. Vì phụ huynh ngày càng quan tâm hơn tới việc học hành của các cháu. Mô hình này đã thay đổi nhận thức, ví như là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân”.
Giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế, nhưng điều quan trọng là phải giúp người dân thay đổi tư duy, không được trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội. Người dân nghèo cần phải chủ động tự mình vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất của mình và từ chính bản thân mình. Với quyết tâm ấy, tinh thần ấy, xã Đắk Môl đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành với hộ nghèo, các tổ chức cơ sở Đảng đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, quán triệt, tuyên truyền, đồng thời nhanh chóng thực hiện và nhân rộng mô hình.
Tại xã Đắk Môl, mô hình chăn nuôi dê sinh sản đã mang lại nhiều giá trị lớn về kinh tế cho các hộ dân, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Theo ông Hoàng Văn Tuyên - Trưởng nhóm Đảng viên 5 cộng 1, Trưởng thôn E29 xã Đắk Môl (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) cho biết: Nhóm đã kết hợp khảo sát gia đình và tham khảo ý kiến của gia đình, thống nhất giữa gia đình với Chi bộ, phát triển nguồn vốn để chăn nuôi dê sinh sản. Nhóm đã lấy cây tre về làm chuồng trại rồi tìm mua được 3 con bê giống, sau hơn 1 năm thì mô hình đã đi vào ổn định cũng như có định hướng phát triển tốt.
“Qua mô hình này chúng tôi cũng có định hướng để phát triển nhân rộng ra đối với các hộ nghèo, để gia đình có điều kiện thoát nghèo và đời sống của nhân dân được cải thiện” ông Hoàng Văn Tuyên chia sẻ.
Ngoài việc tìm hiểu hoàn cảnh thực tế của từng hộ nghèo, các đảng viên thường xuyên hướng dẫn các gia đình về cách chăn nuôi, động viên cố gắng vươn lên trong cuộc sống. |
Lựa chọn mô hình chăn nuôi lợn cho phù hợp với điều kiện của gia đình nhưng có lẽ chưa bao giờ chị H’Dun (Bon A3, xã Đắk Môl, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) lại nghĩ rằng mình có thể thành công. Năm 2007, chị H’Dun lập gia đình thế nhưng 2 vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn khi không có đất sản xuất. Toàn bộ chi phí sinh hoạt chỉ phụ thuộc vào việc đi làm thêm bấp bênh. Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi 1 trong 4 đứa con của anh chị vừa chào đời đã bị khuyết tật bẩm sinh. Nguồn thu nhập của gia đình vốn đã eo hẹp giờ lại càng eo hẹp hơn. Hai vợ chồng phải luân phiên nhau đi làm lo cho 6 miệng ăn được một người ở nhà chăm sóc đứa con tật nguyền trong căn nhà xiêu vẹo. Và cũng đúng vào lúc cảm tưởng như cuộc sống bế tắc. Gia đình H’Dun đã được Đảng ủy xã Đắk Môl quan tâm, chỉ đạo cho tổ “Đảng viên 5 cộng 1” của xã chung tay hỗ trợ. Trong đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm nhóm trưởng trực tiếp phụ trách. Ngay sau đó, tổ Đảng viên đã góp tiền cá nhân làm chuồng trại, mua thức ăn, lợn giống, hướng dẫn chỉ cách chăn nuôi và cắt cử Đảng viên thường xuyên quan tâm thăm hỏi. Chỉ sau 5 tháng chăn nuôi, lứa lợn 4 con đầu tiên của gia đình chị đã được xuất chuồng. Hiện chị H’Dun đã tái đầu tư nuôi 2 con với dự định nuôi nái để gây đàn.
Cũng như chị H’Dun, chị H’Nghiệp ở bon BuJri (xã Đắk Môl, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) không thể tin rằng mình có thể có được một cuộc sống ổn định như hiện nay. Gia đình chị H’Nghiệp là một trong những gia đình khó khăn nhất xã Đắk Môl. Lập gia đình, bên nhà nội cho vài trăm mét vuông đất vườn để ở nhưng vợ chồng chị đều đau ốm. Không có tiền làm nhà chỉ đành dựng một căn chòi sống tạo dù căn chòi không đủ để giúp anh chị tránh được những lúc nắng gắt, mưa dông. Sau khi tìm hiểu thông tin và nghiên cứu hoàn cảnh, địa hình của gia đình chị, tổ “Đảng viên 5 + 1” đã huy động mọi nguồn lực, từ nhân lực đến vật lực giúp gia đình anh chị có được căn nhà gỗ lợp mái tôn khoảng 40m vuông cùng 300 gốc cà phê để trồng trọt có thêm thu nhập.
“Hai vợ chồng cũng mang nhiều bệnh tật, làm thuê thì có lúc họ kêu làm mà có lúc thì không, Bây giờ cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước và tất cả mọi người đã hỗ trợ để gia đình tôi có được ngôi nhà đàng hoàng thế này. Rồi thêm được hỗ trợ 300 cây cà phê, được trồng ổn định, tôi vui mừng lắm”, Chị H’Nghiệp xúc động.
Sau một thời gian triển khai thực hiện mô hình “Đảng viên 5 cộng 1” đã cho thấy hiệu quả rõ nét khi không chỉ đem đến nguồn động viên cho các hộ nghèo mà còn thể hiện sự gần gũi, gắn bó giữa Đảng viên và người dân. Giúp dân như giúp người thân đã trở thành suy nghĩ của mỗi Đảng viên trong toàn Đảng bộ xã Đắk Môl và sự hỗ trợ vật chất của Đảng viên cho hộ nghèo thực hiện theo đúng phương châm là hỗ trợ cần câu.
Bí thư Đảng ủy xã Đắk Môl Ngô Anh Nhượng chia sẻ: Qua việc thực hiện mô hình này sẽ giúp cho các tổ chức, và đặc biệt là các Đảng viên phát huy hết được trách nhiệm của mình trong vấn đề thực hiện. Qua vấn đề này cũng sẽ tạo điều kiện để Chi bộ Đảng viên với quần chúng nhân dân và đặc biệt là những hộ nghèo có thêm cơ hội để hiểu biết nhau và giúp đở nhau, tiếp tục để phát huy mối đại đoàn kết ở trong cộng đồng.
Những kết quả đạt được từ mô hình “Đảng viên 5 cộng 1” ở xã Đắk Môl nói riêng và huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông nói chung cho thấy sự đoàn kết, đồng thuận, phát huy vai trò nêu gương đi đầu của cán bộ, Đảng viên, sự chung tay phối hợp hiệu quả của các cơ quan, đơn vị không bị thay đổi tư duy, nhận thức cho người dân trong phát triển kinh tế xã hội luôn đường đúng đắn để giúp người dân thoát nghèo một cách nhanh chóng và bền vững.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Song Phạm Thị Thủy, từ những kết quả đạt được thì huyện Đắk Song vẫn đặt ra những ví dụ làm chuẩn để đạt hiệu quả cao hơn. Công tác đầu tiên là công tác tuyên truyền thực hiện mô hình, và công tác thứ hai là tiềm tra giám sát, thực hiện mô hình đó và có sự biểu dương, khen thưởng, và xử lý kỷ luật kịp thời. Cùng với đó, công tác thứ ba là phát huy cái tiên phong gương mẫu của người đứng đầu và kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình làm tốt trong thời gian tới. Những cách làm sáng tạo hiệu quả cũng là cách để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 để Đắk Song trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới.