Hôm nay, sau nhiều tháng sống trong bầu không khí ngột ngạt bởi dịch bệnh Covid-19, lực hấp dẫn về làng nghề Trường Sơn đa sắc màu lại càng thêm cuốn hút, dẫn dắt chúng tôi lạc vào khu vườn cổ tích với bao điều thú vị, bởi không gian sống động của các loài hoa, cùng nhiều trải nghiệm vô cùng thi vị của một làng nghề…
Không gian của nghề truyền thống dệt chiếu cói |
Ngay từ lối vào, chúng tôi đã được vườn hoa đa sắc màu, với hàng ngàn cây hoa hướng dương đua chen rực rỡ, hàng trăm cây hoa hồng và nhiều chủng loại hoa khác chào đón, vẫy gọi,… Trong khu vườn rộng trên 19.000m2, làng nghề Trường Sơn còn có tên gọi khác là Khu văn hóa đa năng, bảo tồn và hành nghề truyền thống, triển lãm vườn tượng nghệ thuật, cây cảnh, các loài hoa, bảo tồn gen hoa mai độc đáo, triển lãm nhà bằng gỗ nghệ thuật sản xuất, bảo tồn và tôn vinh nhiều nghề truyền thống xa xưa của Việt Nam như: nghề chằm nón, dệt chiếu cói, nặn tò te, nghề đan lưới đánh bắt cá, nghề viết thư pháp, nghề làm gốm đất nung - nét văn hóa của dân tộc Chăm,…
Ở đây, mỗi không gian trưng bày một phong cách nghệ thuật. Một câu chuyện ngôn tình được thể hiện trong thiên nhiên và các tác phẩm nghệ thuật. Tất cả được kết nối hợp lý, hài hòa, dẫn dắt, từ nơi trưng bày tranh cát chữ lớn “Làng nghề Trường Sơn” của nghệ nhân Trần Thị Thu - chủ nhân phòng tranh Hồng Châu Sa - Nha Trang, chúng tôi chưa hết ngẩn ngơ về những tác phẩm đẹp, lạ, lại được nối liền với khu trưng bày thư họa và thư pháp của họa sĩ Lê Vũ - một trong những người có nhiều năm gắn bó với làng nghề Trường Sơn. Ở đây, họa sĩ Lê Vũ cũng vui mừng giới thiệu 8 bức thư họa tâm linh - thư họa về các danh nhân trên thế giới và Việt Nam mà ông vừa hoàn thành.
Rảo vài bước sang không gian tiếp theo, chúng tôi lại được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm nghệ thuật gốm đất nung Lư Cấm - lò nung và Tháp Chăm do nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng tái hiện. Dù là nghề truyền thống lâu đời, nhưng chế tác trưng bày gốm Lư Cấm trong làng nghề Trường Sơn đã mang lại cho chúng tôi cảm giác nhẹ nhàng, ấm cúng và thi vị. Tiếp đến, chúng tôi lại được hòa mình vào những kiệt tác của thiên nhiên đá cảnh, gỗ lũa và vô số các tác phẩm nghệ thuật thủ công mỹ nghệ…
Không gian tôn vinh nghề đan, vá lưới đánh bắt thủy sản |
Một góc khiêm tốn cho nghệ thuật Trúc Chỉ - một loại hình nghệ thuật mới của xứ Huế, do họa sỹ Phan Hải Bằng, giảng viên Đại học Huế cùng cộng sự nghiên cứu, sáng tạo, cũng đủ phô trương sự kết hợp độc đáo nghề giấy thủ công truyền thống và nguyên lý của nghệ thuật đồ họa.
Trong khu vườn cổ tích của làng nghề Trường Sơn, du khách còn được mục sở thị nhiều nghề dân gian truyền thống của người dân xứ trầm hương từ ngàn xưa, tưởng chừng thất truyền. Đó là nghề chằm nón, dệt chiếu cói, nặn tò he, nghề đan, vá lưới đánh bắt thủy sản,… Du khách đến đây, không chỉ được thưởng ngoạn, mà còn có thể trải nghiệm làm nghề…
Đặc biệt, vườn rau xanh và giàn bầu trồng để khô sau đó tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, không chỉ cho du khách cảm giác dễ chịu, đẹp mắt, mà nó còn là nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của thực khách khi vào khu ẩm thực với các món ăn hấp dẫn đặc trưng của các vùng quê như bánh xèo, bánh căn, bánh canh, bánh nậm, gỏi sen, rau quê,…
Không gian trưng bày của nghề gốm đất nung Lư Cấm |
Được biết, trong dịp Tết Canh Tý 2020, làng nghề Trường Sơn cũng đã giới thiệu 40 tác phẩm thư họa danh nhân của họa sĩ Lê Vũ với các chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp, bác sĩ A.Yerin, nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, nhà thơ Hàn Mặc Tử…
Nhân dịp mở cửa (sau cách ly dịch Covid-2019), làng nghề Trường Sơn cũng đã trao tặng số tiền trên 200 triệu đồng cho các quỹ từ thiện tại địa phương. Trong đó, trao 100 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học tỉnh Khánh Hòa, 40 triệu đồng cho bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa; 40 triệu đồng cho bếp ăn từ thiện Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần Khánh Hòa và bếp ăn từ thiện Bệnh viện Diên Khánh mỗi đơn vị 30 triệu đồng.
Đội ngũ y bác sĩ - lãnh đạo Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa và Bệnh viện Nhiệt đới đã được chủ làng nghề trao quà tri ân và trao tiền ủng hộ quỹ từ thiện, bếp ăn của bệnh viện |
Sau nửa ngày thưởng ngoạn làng nghề, chúng tôi đã lấy lại tinh thần sau thời gian dài căng thẳng, trì trệ do dịch bệnh. Chúng tôi rời làng nghề Tường Sơn với nhiều cảm xúc thích thú, phấn khích dễ chịu. Nếu tôi nói, vô cùng thích không gian choáng ngộp của muôn hoa và các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là tác phẩm nghệ thuật trống đồng Đông Sơn làm bằng sợi tổng hợp (mặt trống đồng có đường kính 4m); thì bạn đồng hành lại thích cách bài trí của 12 con giáp, thích bộ sưu tập các tác phẩm thủ công mỹ nghệ, của những biểu tượng dân gian khác,… Bởi góc nào cũng có nét độc đáo riêng, không gian nào cũng là những câu truyện tranh kiệt tác!….