Thứ hai 21/04/2025 20:23

Hàng ăn vặt ‘xoay xở’ giữ khách trước app công nghệ

Sức ép từ app giao hàng buộc các chủ kinh doanh hàng ăn vặt ở Hà Nội phải thay đổi phương thức bán hàng để thu hút khách.

Sức ép từ công nghệ

Từng là mô hình “sống khỏe” nhờ chi phí thấp, linh hoạt và dễ tiếp cận, kinh doanh hàng ăn vặt giờ đây chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ các app công nghệ như: ShopeeFood, GrabFood, BeFood… Các app này không chỉ tiện lợi, giá cả hợp lý, nhiều ưu đãi, mà phương thức thanh toán cũng vượt trội. Dù gần đây, hầu hết các quán đã chấp nhận chuyển khoản, quét mã ví điện tử nhưng họ vẫn lép vế hơn về độ phủ sóng và dịch vụ giao tận nơi.

Nguyễn Thu Huyền, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, cho biết: “Em thường đặt qua ShopeeFood vì nhanh, có nhiều mã giảm giá, thanh toán qua Momo hoặc ZaloPay rất tiện. Trừ khi đi đông người, chúng em mới ra quán cho rẻ”.

Sự tiện lợi đã giúp các app giao đồ trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều người. Ảnh: Minh Tiến

“Khách bây giờ ngại đi ra ngoài. Mưa nắng gì cũng bấm app là có người giao đến tận nơi, lại hay có mã giảm giá. Nếu mình không linh hoạt, không có khuyến mãi thì khó giữ khách lắm”, chị Nguyễn Thị Hòa - chủ một xe bán nước mía và lạp xưởng nướng ở cổng chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.

Thay đổi linh hoạt để bám trụ thị trường

Trong cuộc chơi không cân sức này, các cửa hàng nhỏ buộc phải linh hoạt hơn bao giờ hết. Nhiều người chủ động tìm giải pháp, trong đó hình thức “mua 3 tặng 1” trở thành lựa chọn phổ biến. Ưu đãi này giúp tăng đơn hàng mà không phải giảm giá trực tiếp, đồng thời khuyến khích khách hàng rủ nhau mua chung.

“Chúng em hay rủ nhau đi ăn vặt sau giờ học, nhất là mấy hôm trời nắng nóng. Thấy quán nào treo biển “mua 3 tặng 1” là kiểu gì cũng ghé. Mua 3 mà được tặng thêm 1 suất chia nhau cũng rẻ, lại vui. Sinh viên mà, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy”, bạn Đỗ Thị Thanh Tú - sinh viên Trường Đại học Giáo Dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.

Những ngày hè nắng nóng, nhiều người xếp hàng mua nước mía tại quán áp dụng chương trình “mua 3 tặng 1”. Ảnh: Minh Tiến

Tuy nhiên, khuyến mại chỉ là một phần trong nỗ lực xoay xở. Để không bị bỏ lại phía sau, nhiều hàng ăn vặt đã chủ động đăng ký tham gia các ứng dụng giao hàng, dù trước đó vốn chỉ quen phục vụ trực tiếp. “Lúc đầu, tôi ngại đăng ký lên ứng dụng vì sợ phiền phức và lo cháo khi giao xa sẽ không còn ngon. Nhưng thấy khách cứ hỏi “Anh có lên app không để tiện đặt?”, tôi mới mạnh dạn thử. Từ khi tham gia, số lượng đơn hàng cũng tăng lên đáng kể”, anh Hoàng Văn Chiến - chủ một quán cháo trai trên đường Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.

Tham gia các nền tảng số không chỉ giúp các quán ăn vặt tiếp cận thêm khách hàng, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp hơn, đặc biệt với giới trẻ và dân văn phòng. Nhiều quán đầu tư chụp ảnh món ăn chỉn chu, đặt tên combo hấp dẫn và thậm chí tự thiết kế chương trình tích điểm đổi quà thủ công để giữ chân khách.

Tiệm bánh tráng trộn trong ngõ Tự Do (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tham gia hầu hết các ứng dụng giao đồ ăn. Ảnh: Minh Tiến

Tuy nhiên, để cạnh tranh lâu dài trên “sân chơi” này, hàng ăn vặt vẫn phải đối mặt với một thách thức lớn là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, yếu tố ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, nhất là trong bối cảnh công nghệ số cho phép họ dễ dàng tiếp cận và so sánh giữa nhiều lựa chọn. Chỉ cần một đánh giá tiêu cực hay hình ảnh phản cảm lan truyền trên mạng xã hội, uy tín của quán có thể sụt giảm nghiêm trọng.

“Thỉnh thoảng tôi đọc được bình luận trên mạng hoặc nghe khách phản ánh trực tiếp về vấn đề vệ sinh của đồ ăn vặt. Từ đó, tôi cũng thay đổi: đầu tư bàn inox sạch sẽ, đựng nguyên liệu trong khay, đeo bao tay khi chế biến vừa để bảo đảm vệ sinh, vừa tạo sự yên tâm cho khách”, chị Hương - người bán bánh crepe đối diện Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm) - cho biết.

Không có lợi thế về ngân sách hay mặt bằng, nhưng bằng sự nhạy bén và tinh thần cầu thị, các hàng ăn vặt đang từng bước thích nghi giữa dòng chảy công nghệ. Trong cuộc cạnh tranh đầy rủi ro với các nền tảng lớn, chính sự lắng nghe khách hàng và thay đổi kịp thời sẽ trở thành chìa khóa giúp họ tồn tại và thích nghi giữa thời đại công nghệ.

Minh Tiến
Bài viết cùng chủ đề: hộ kinh doanh

Tin cùng chuyên mục

Đảng bộ Lữ đoàn 126 dẫn dắt xây dựng lực lượng tinh nhuệ

Đăng ký thi tốt nghiệp: Cuộc 'cân não' trước ngưỡng cửa đại học

Sau các vụ án chấn động, Bộ Y tế xây khung pháp lý mới cho bán thuốc online

Nông thôn mới thông minh: Khi công nghệ gắn liền đời sống

BOT thua lỗ: Bộ Xây dựng đề xuất rót vốn gỡ khó

Đề xuất thành lập Quỹ Phát triển tài năng báo chí trẻ

Cảng Việt tăng chuyến, mở tuyến: Cú huých cho logistics

Chợ làng đến sàn số – hành trình thay đổi tư duy

Quân chủng Hải quân: Gặp mặt 70 năm Ngày thành lập

Vì sao sinh viên học ngành STEM cần được vay tín dụng?

Hà Nội: Cận cảnh hàng cây cổ thụ sắp di dời làm đường 'đắt nhất hành tinh'

Nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Tăng chuyến bay đến TP. Hồ Chí Minh

Báo chí đổi mới, vươn mình đồng hành cùng đất nước

Nhân sự tuần qua: Bổ nhiệm cán bộ tại Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thời tiết biển hôm nay 21/4/2025: Hầu hết vùng biển có mưa

Quán quân Business Challenges mùa 7 gọi tên Llamas và Trailblazers

Tên 21 loại thuốc giả vừa bị triệt phá ở Thanh Hóa

Hạn ngạch HCFC năm 2025 chỉ còn 1.300 tấn: Việt Nam tăng tốc bảo vệ tầng ô dôn

Chuyên gia bác tin đồn 'siêu bão' sắp vào Quảng Ninh

Đấu thầu chính thống - sao vẫn lọt sữa giả vào bệnh viện?