Chủ nhật 27/04/2025 17:05

Kinh tế tư nhân là 'cú hích' tăng trưởng cho Vũng Tàu

Năm 2024, khối kinh tế tư nhân đã đóng góp đáng kể vào GDP của địa phương, trở thành động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế của TP. Vũng Tàu.

Những kết quả ấn tượng

Bà Trần Thị Thu Hường - Trưởng phòng Kinh tế TP. Vũng Tàu - cho biết, trong những năm gần đây, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Vũng Tàu. Trong quá trình triển khai thực hiện, thành phố luôn xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt.

Theo đó, trên địa bàn thành phố hiện có 7 siêu thị, trung tâm thương mại; 12 chợ truyền thống; 96 cửa hàng thuộc chuỗi các cửa hàng tiện ích và khoảng 350 cửa hàng tạp hóa, kinh doanh tổng hợp. Đến nay, 100% hệ thống các siêu thị, chuỗi bán hàng, các cửa hàng kinh doanh tạp hóa trên địa bàn đã sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (qua QR code, máy post, Internet banking…).

Chuyển đổi số thúc đẩy hoạt động mua sắm không dùng tiền mặt. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Trong đó, tỷ lệ các đơn vị sử dụng kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Voso, Postmart…) chiếm tỷ lệ cao (75,26%). Đối với hệ thống các siêu thị, 100% đã sử dụng kênh bán hàng trực tuyến, ngoài sàn thương mại, các siêu thị có App bán hàng riêng (Lotte mart có SPEED L; Coop mart có COOP EXTRA).

Thành phố Vũng Tàu cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện 3 chợ đã có nhận diện chợ 4.0; 100% các chợ đã đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt của Viettel và các ngân hàng thương mại.

Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt gần 47%; trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử,..

Khu vực kinh tế tư nhân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. Vũng Tàu. Ảnh: Ngọc Minh

Tính đến cuối năm 2024, trên địa bàn TP. Vũng Tàu có hơn 4.979 công ty trách nhiệm hữu hạn, 245 doanh nghiệp tư nhân và khoảng 11.473 hộ kinh doanh đang hoạt động. Thành phố đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút vốn trong và ngoài nước. Từ đó đã giúp thành phố thu hút 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD và 84 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 54.685 tỷ đồng – những con số ấn tượng thể hiện sức hấp dẫn của Vũng Tàu đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2024, khối doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể đã đóng góp đáng kể vào GDP địa phương, trong đó lĩnh vực du lịch – thương mại – dịch vụ chiếm 73,31%, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 18,40%, và ngành hải sản chiếm 8,29%.

Theo đánh giá của chính quyền TP. Vũng Tàu, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại hóa.

Nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân

Theo UBND TP. Vũng Tàu, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng kinh tế tư nhân tại thành phố vẫn đang đối mặt với những thách thức nhất định. Quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao, khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Để tiếp tục thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa, TP. Vũng Tàu xác định một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào thành phố.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, khuyến khích ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, tận dụng tối đa lợi thế của thương mại điện tử.

Thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI, giúp doanh nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu.

Ngoài ra, xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị tài chính, quản trị nhân sự, marketing số và thương mại điện tử; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, mở rộng các gói vay ưu đãi, giảm bớt rào cản tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với kinh tế tư nhân, trong đó chú trọng khai thác các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, homestay tại các khu vực tiềm năng để tạo thêm cơ hội kinh doanh cho người dân địa phương.

UBND TP. Vũng Tàu kỳ vọng, với những giải pháp trên không chỉ giúp phát huy tiềm năng kinh tế tư nhân mà còn tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, thu hút đầu tư và hướng tới mục tiêu phát triển một nền kinh tế tư nhân bền vững, năng động và hội nhập quốc tế.

Năm 2025, TP. Vũng Tàu đặt mục tiêu doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 11.250 tỷ đồng, tương đương 113,46% so với năm 2024. Số lượt khách du lịch qua đêm dự kiến đạt 3,5 triệu lượt, tăng 129,82% so với cùng kỳ.

Các chỉ tiêu khác như tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 47.600 tỷ đồng (111,43% so với cùng kỳ), doanh thu dịch vụ vận tải, kho bãi đạt 12.884 tỷ đồng (111,60% so với cùng kỳ), và giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 45.890 tỷ đồng (112,86% so với cùng kỳ).

Nguyễn Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Chuyển đổi số

Tin cùng chuyên mục

Ngành Công Thương Đắk Nông chủ động mở rộng đầu ra nông sản

Bà Rịa-Vũng Tàu: Đồng loạt khởi công, khánh thành 4 công trình

Long An khởi công, khánh thành 5 dự án trọng điểm

Khởi công Dự án Nhà ga T2 - Cảng hàng không Đồng Hới

Bà Rịa - Vũng Tàu: Sẽ đấu thầu 43 ha làm Nhà máy nhiệt điện LNG Long Sơn

Điện Biên dự kiến giảm mạnh 65% đơn vị cấp xã

HĐND TP. Hồ Chí Minh họp kiện toàn bộ máy hành chính

Ninh Thuận: Biến nắng gió thành đột phá phát triển kinh tế xanh

DDCI Sơn La 2024: Đòn bẩy cải cách môi trường kinh doanh

Hà Nam: Mở lối phát triển nấm linh chi dược liệu

Đắk Nông đẩy mạnh kết nối, mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP

Những lợi thế kinh tế của tỉnh Long An và Tây Ninh

Ninh Thuận tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư triển khai Dự án Nhiệt điện khí LNG Cà Ná

Tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang họp bàn phương án hợp nhất

Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết 55- Bài 1: Tiết kiệm năng lượng không chỉ là khẩu hiệu

Đồng Tháp - Tiền Giang: Động lực tăng trưởng mới của miền Tây

Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu được giao cấp phép hoạt động điện lực

Bình Dương: Xem xét nhiều nội dung về đầu tư công, quy hoạch, công nghiệp

Kinh tế Cà Mau và Bạc Liêu thế nào trước dự kiến sáp nhập tỉnh?

Khánh thành nhà máy sản xuất đồ chơi lego tỷ USD tại Bình Dương