Cho đến thời điểm này, ngành hải quan cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu trong chiến lược hiện đại hóa giai đoạn 2011-2020; trở thành là một trong những đơn vị đi đầu cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức và hiện đại hóa trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ. Thủ tục hải quan đến nay đã điện tử hóa trên hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS tiên tiến hàng đầu thế giới do Nhật Bản tài trợ; thời gian thông quan, chi phí thông quan, chi phí lưu kho hàng hóa xuất nhập khẩu... từng bước giảm dần, nằm trong nhóm các thủ tục hành chính có chi phí tuân thủ thấp.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, do Tổng cục Hải quan chủ trì, được đánh giá sẽ góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa tiết kiệm chi phí mỗi năm khoảng 37,8 triệu USD.
Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN cũng đã được triển khai làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, trao đổi thông tin xuất xứ hàng hóa (C/O) với các quốc gia trong khu vực..., qua đó góp phần đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, trong đó có vai trò tham gia đóng góp quan trọng của Tổng cục Hải quan.
Tổng cục Hải quan Gặp mặt báo chí nhân đón Xuân Tân Sửu 2021 |
Song song với hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại, ngành hải quan cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu; khẳng định vai trò là một lực lượng chủ công trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của ngành hải quan cũng đã được chú trọng sắp xếp ngày càng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Định hướng phát triển đến năm 2030 của ngành hải quan Việt Nam là hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển hải quan thông minh; tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích của quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và hệ thống công nghệ của hải quan Việt Nam sánh ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới.
Để thực hiện mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết: Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thành xây dựng, triển khai mô hình quản lý hải quan hiện đại tập trung. Trong đó, thể chế được hoàn thiện đồng bộ, hệ thống pháp luật phù hợp các chuẩn mực, cam kết, thông lệ quốc tế; quy trình nghiệp vụ đơn giản, hài hòa, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và trang thiết bị thông minh; tiếp tục tinh gọn, đổi mới tổ chức; nâng cao hiệu quả kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy, chất nổ, vũ khí qua biên giới; hoàn thành xây dựng hệ thống công nghệ thông tin điện tử thông minh; từng bước chuyển sang hải quan số, đảm bảo quản lý hiệu quả, xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh.
Đồng thời, tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực tinh nhuệ, có trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, làm chủ công nghệ, trang thiết bị hiện đại, hoạt động liêm chính, khoa học, gắn nhu cầu thực tiễn của vị trí công tác với năng lực từng cá nhân.
Trong năm 2021, lãnh đạo ngành hải quan cho biết, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại và xuất nhập khẩu hàng hóa để rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa; xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách hải quan… kịp thời, thông thoáng, thuận lợi, tương thích theo thông lệ quốc tế… nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chú trọng hoàn thiện và thực hiện Đề án thiết kế lại tổng thể hệ thống công nghệ thông tin theo chế độ mở để kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia, có độ tích hợp cao với các Bộ, ngành liên quan…