Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Bắt kịp xu thế, bảo vệ sức khỏe người dân Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) |
Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có đề xuất tăng thuế với rượu, bia. Đây là một trong số 13 dự án luật được chính thức cho ý kiến trong kỳ họp lần này.
Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu, bia. Phương án 1, tăng từ mức thuế suất 65% hiện nay lên 70% năm 2026, mỗi năm kế tiếp tăng thêm 5% để đạt mức 90% vào năm 2030. Phương án 2, tăng lên 80% năm 2026, tăng 5%/năm liên tiếp đến năm 2030 đạt mức 100%.
Theo TS. Nguyễn Minh Thảo - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính hiện nay chưa có đánh giá tác động một cách toàn diện. Một loạt số liệu được bà Thảo đưa ra để những nhà làm chính sách cân nhắc thiệt hơn trước khi ra quyết định cuối cùng.
Cụ thể, cộng dồn từ năm 2026-2030, phương án 1 sẽ làm giảm hơn 44.000 tỷ đồng giá trị tăng thêm của ngành, phương án 2 giảm hơn 61.000 tỷ đồng; cộng dồn từ 2026 đến 2030, phương án 1 sẽ giảm tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế là hơn 10.000 tỷ đồng, phương án 2 giảm hơn 13.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, phương án 1 khiến thu nhập của người lao động giảm hơn 3.400 tỷ đồng, phương án 2 khiến thu nhập của người lao động giảm 4.600 tỷ đồng. Về tác động tới ngân sách nhà nước, phương án 1 tăng thuế gián thu (thuế sản phẩm) cộng dồn từ 2026-2030 là 6.469 tỷ đồng nhưng thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp) lại giảm 1.230 tỷ đồng nên tổng thu thuế chỉ là 5.149 tỷ đồng, phương án 2 tăng thuế gián thu 8.559 tỷ đồng, giảm thuế trực thu 1.752 tỷ đồng, tổng thu 6.807 tỷ đồng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Quochoi.vn |
Đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng rượu, bia như đề xuất của Chính phủ. Song, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) kiến nghị cân nhắc lộ trình tăng thuế hợp lý. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu, bia cần đảm bảo hài hòa giữa việc tăng thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu, cũng như đảm bảo các vấn đề về công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế. Với mức thuế suất 65% như hiện nay, ông Ngân kiến nghị giữ ổn định đến hết năm 2026, đến năm 2027 mới thực hiện tăng.
Dẫn số liệu ngành bia đóng góp cho ngân sách khoảng 56.000 tỷ đồng/năm, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, con số này giảm vào năm 2023, xuống còn hơn 50.000 tỉ đồng trước hàng loạt khó khăn, thách thức của ngành. Bên cạnh đó, lực lượng lao động trực tiếp trong ngành cũng giảm hơn 6.000 người trong giai đoạn vừa qua. Số lao động giảm chưa tính tới các ngành gián tiếp như bán lẻ, dịch vụ ăn uống….
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên). Ảnh: Quochoi.vn |
Góp ý vào dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên), với mặt hàng rượu, bia đề nghị Chính phủ làm rõ mức tăng thuế được đề xuất đã là mức thuế cân bằng, hiệu quả chưa và liệu có làm trầm trọng hơn vấn nạn rượu giả, rượu lậu tại Việt Nam không?
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5/2025). Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Quốc hội xem xét quy định lộ trình thực hiện Luật phù hợp hơn để các đối tượng bị tác động có thời gian điều chỉnh chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, mục tiêu giảm tiêu thụ rượu, bia nhằm bảo vệ sức khỏe người dân là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này thông qua chính sách thuế thì cần thiết phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá sâu rộng, không chỉ thuần túy dựa vào khuyến nghị của tổ chức quốc tế để xây dựng Luật.
Do đó đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính có đánh giá tác động cụ thể hơn trước khi đề xuất bất kỳ mức tăng thuế và lộ trình tăng thuế nào. “Phải đặt ngành đồ uống có cồn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của cả nền kinh tế nói chung để đánh giá tác động một cách toàn diện” bà Hiền kiến nghị.
Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam). Ảnh: Quochoi.vn |
Tăng thuế làm giá rượu, bia tăng lên, sản xuất sụt giảm doanh số lẫn lợi nhuận, từ đó kéo 21 ngành liên quan khác giảm theo. Tiêu dùng nội địa, một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế vẫn đang đối mặt với sức mua thấp, chưa phục hồi về mức trước dịch. Các ngành sản xuất đồ uống cũng đối mặt với sụt giảm mạnh về doanh thu.
Tăng thu ngân sách chỉ đạt trong ngắn hạn, còn trung và dài hạn thì nguồn thu ngân sách bắt đầu suy giảm do ngành rượu, bia và các ngành trong quan hệ liên ngành cũng giảm doanh thu. Bà Thảo khuyến nghị, cần phải điều tiết phù hợp, không thể tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Do đó, tăng thuế ở mức nào để đảm bảo được sự tồn tại và nuôi dưỡng được nguồn thu, từ đó củng cố niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư mới là quan trọng.
Đồng tình với xu hướng tăng thuế với ngành bia, song bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch PwC Việt Nam cũng cho rằng, cần xem xét mức tăng thuế sao cho hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, của ngành công nghiệp, với thu ngân sách. "Trên hết, muốn có nguồn thu lâu dài, doanh nghiệp sản xuất phải đầu tư kinh doanh có lãi, mở rộng được sản xuất và tăng doanh thu, không phải lúc nào tăng thuế cũng là tăng nguồn thu và không phải cứ giảm thuế là giảm thu", bà Vân nhấn mạnh.