Đó là thông tin được đại diện các cơ quan quản lý nhà nước ngành ngân hàng, thông tin và truyền thông đưa ra tại Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024 với chủ đề: “Định hình tương lai số cho ngành ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức ngày 29/10, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, về mặt không gian pháp lý đối với chuyển đổi số, ngành ngân hàng hiện nay rất mở và đạt được những thành quả mà chưa ngành nào làm được. Tiêu biểu, ngành ngân hàng là bộ, ngành đầu tiêu cho phép mở tài khoản bằng eKYC từ năm 2021. Đến việc từ ngày 1/10/2024 chỉ cho phép mở tài khoản bằng căn cước công dân có gắn chip, triển khai bảo lãnh cũng như cho vay trực tuyến hoàn toàn… “Hành lanh pháp lý của ngành ngân hàng đã và đang mở đường cho việc áp dụng công nghệ” - Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định.
Trên thực tế, theo ông Phạm Tiến Dũng, tại nhiều ngân hàng thương mại đã ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt khoảng 97 - 98%. Tỷ lệ tăng trưởng giao dịch trên kênh số của ngành ngân hàng vẫn đạt mức 2 con số hằng năm cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. “Có nhiều khách hàng cả tuần không đến ngân hàng vì có thể giao dịch hoàn toàn trên kênh số. Có thể thấy, tỷ lệ số hoá của ngành ngân hàng là rất cao với mức tăng trưởng mạnh mẽ” - Phó Thống đốc nhận định.
Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền, số vụ lừa đảo giảm gần 70% |
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng còn mang vai trò kết nối với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Đối với quá trình chuyển đổi số cũng vậy. Ngành ngân hàng đã kết nối và tích hợp với dữ liệu của Bộ Công an, ngành viễn thông,… “Khi khách hàng vào ứng dụng ngân hàng sẽ biết phải trả bao nhiều tiền điện và khi thanh toán xong thì lập tức ghi nhận ở hệ thống cho thấy sự kết hợp giữa 2 ngành ở mức độ rất cao. Kết nối và tích hợp là điểm mới, điểm sáng mà ngành ngân hàng đã làm được” - ông Phạm Tiến Dũng nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc tích hợp với nhiều đơn vị cũng mang đến những nguy cơ liên quan đến an toàn bảo mật và gián đoạn vận hành. “Với chủ đề của Smart Banking 2024 là “Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”, đây là cơ hội để chúng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp, lắng nghe và đưa ra các ý kiến để làm sao kết nối và tích hợp một cách an toàn, bền vững” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị, các chủ đề được thảo luận, chia sẻ tại sự kiện Smart Banking năm nay sẽ hướng đến nội dung định hình tương lai số cho ngành ngân hàng tại Việt Nam một cách thiết thực, gần gũi, sát với thực tiễn và mang tính ứng dụng cao.
“Hiện tại, dữ liệu cho thấy chúng ta có hàng chục triệu khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Thử tưởng tượng, điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống ngân hàng dừng hoạt động 5 phút? Tác động chắc chắn sẽ vô cùng lớn. Do đó, sau khi đã phủ sóng sản phẩm dịch vụ trên diện rộng, chúng ta phải hướng tới đảm bảo an toàn hoạt động và chiều sâu cho sản phẩm dịch vụ đó. Đây là thời điểm các ngân hàng cần phải quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm dịch vụ của mình” - Phó Thống đốc đặt vấn đề.
Chia sẻ về việc triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN, Thông tư 17/2024/TT-NHNN, ông Phạm Tiến Dũng cho biết, sau khi quy định mới có hiệu lực, số vụ việc lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt. Dù vậy, Phó Thống đốc khẳng định, không có một biện pháp nào triệt để và hoàn hảo. Quyết định 2345, Thông tư 17 đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, từ đây xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.
Phó Thống đốc cho biết, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ chú trọng hơn hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, để đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, nếu giao dịch lớn thì cần chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo khi xảy ra vấn đề sẽ truy vết được người ký.
Ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ thông tin và Truyền thông - phát biểu tại hội thảo |
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ thông tin và Truyền thông - đánh giá, những giải pháp quyết liệt từ ngành ngân hàng đã ghi nhận hiệu quả nhất định. Cụ thể, trong các tháng đầu năm 2024, mỗi tháng đơn vị này nhận khoảng 21.000 phản ánh liên quan đến lừa đảo qua mạng nhưng kể từ tháng 7, thời điểm chính thức yêu cầu xác thực sinh trắc học đối với nhiều giao dịch trực tuyến, số lượng vụ việc lừa đảo được phản ánh chỉ còn khoảng 7.000, giảm đáng kể so với trước.
Ông Tuấn đề nghị các ngân hàng tiếp tục thực hiện triệt để các quy định pháp luật về an toàn thông tin, từng đơn vị cần có các kế hoạch riêng để ứng phó với rủi ro từ việc giám sát, phản ứng nhanh cho đến phục hồi sau sự cố. Song song với đó, các ngân hàng cũng cần đầu tư công nghệ hiện đại và tăng cường khả năng phòng thủ, thường xuyên diễn tập thực chiến nhằm phát hiện các lỗ hổng, “luyện quân” đào tạo tốt nhân lực để có đội ngũ sẵn sàng ứng phó mọi sự cố, nâng cao nhận thức chung cho toàn bộ đội ngũ cán bộ nhân viên về an toàn bảo mật và chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan khi xảy ra sự cố bị tấn công mạng.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị có sự phối hợp với các cơ quan bộ, ngành khác, bởi các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh bởi cơ quan thẩm quyền. Nếu để tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp là ai thì không chỉ đối với ngành ngân hàng mà tình trạng lừa đảo sẽ vẫn xảy ra trên mọi lĩnh vực.
Phó Thống đốc cũng bày tỏ hy vọng, sự kiện lần này, các công ty công nghệ cũng sẽ trình bày những giải pháp thiết thực giúp ngành ngân hàng hướng tới hoạt động một cách an toàn, bền vững.