Hơn 300 tấn cá chết bất thường
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, trên địa phận xã Tiền Tiến (thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương), hiện có 54 hộ làm nghề nuôi cá lồng trên sông Thái Bình với tổng số là 912 lồng. Các loài cá được nuôi đều mang lại giá trị kinh tế cao như cá diêu hồng, trắm giòn, chép giòn.
Trong số 54 hộ nuôi cá lồng trên sông Thái Bình thuộc địa phận xã Tiền Tiến thì có 24 hộ có cá chết |
Hơn một tuần trôi qua, lượng cá nuôi lồng bị chết trên sông Thái Bình thuộc địa phận xã Tiền Tiến vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, đã có khoảng trên 300 tấn cá nuôi lồng chết chưa rõ nguyên nhân.
Cá chết chủ yếu là những loại mang lại giá trị kinh tế cao như cá chép giòn, trắm giòn |
Nhiều hộ dân cho biết, hơn một tuần trước cá ở các lồng nổi lên để thở. Đây là năm đầu tiên xuất hiện tình trạng này, sau thời gian một ngày cá tự nhiên chết trắng lồng.
Bà Lê Thị Hợp, Chủ tịch UBND xã Tiền Tiến cho biết, trong số 54 hộ nuôi cá lồng thì có 24 hộ có cá chết. Cụ thể, có 9 hộ có lượng cá chết từ 0,5 tấn đến 2 tấn, 9 hộ có lượng cá chết từ 3 – 7 tấn; có 6 hộ có cá chết trọng lượng từ 9 tấn đến 60 tấn.
Cá chết nổi trắng trên mặt lồng |
Gia đình bà Nguyễn Thị Mật đã nuôi cá lồng ở trên đoạn sông Thái Bình gần chục năm với 18 lồng cá có mật độ nuôi từ 5.000 - 6.000 con/lồng. Hiện tại, cá đang vào đợt thu hoạch với trọng lượng từ 4 - 7kg/con.
Bần thần khi chứng kiến cảnh cá chết hàng loạt, bà Mật ngậm ngùi chia sẻ: “4 ngày gần đây, số lượng cá chết ngày càng nhiều hơn. Từ ngày 30/3 đến nay, mỗi ngày gia đình tôi phải vớt từ 2 - 3 tấn cá chết, ước tính thiệt hại thời gian qua lên tới cả tỷ đồng”.
Bà Mật không khỏi lo lắng khi các lồng cá chết dần hàng loạt |
Đây là toàn bộ cơ ngơi của gia đình, với tổng số tiền đầu tư lên tới 8 tỷ đồng, chủ yếu vay từ ngân hàng. "Bây giờ, tôi không biết phải xoay sở ra sao", bà Mật cho biết thêm.
Bên cạnh khu lồng cá của bà Mật, khu lồng cá của hộ ông Phạm Văn Khánh cũng là hộ có cá chết nhiều, tổng lên tới 11 tấn. Để cứu vớt tình trạng này, gia đình ông Khánh đã tìm hướng vận chuyển cá sang ao. Đồng thời, nhiều chủ buôn đã tìm đến mua số lượng lớn cá thương phẩm còn khỏe hỗ trợ giải cứu người dân.
Gia đình ông Khánh bán cá với giá rẻ để thu lại vốn |
“Không thể để cá chết hết, chúng tôi quyết định bán cá cho thu hoạch với giá rẻ chỉ 30.000 đồng/kg cá chép, cá trắm giòn với giá 50.000 đồng/kg. Mặc dù bị ép giá, nhưng đây là cách tốt nhất để các hộ dân thu lại chút tiền để trả lãi cho ngân hàng” - Ông Khánh nói.
Đâu là nguyên nhân?Trước tình trạng trên, UBND xã Tiền Tiến đã báo cáo Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương. Sau khi nắm bắt tình hình, các cơ quan trên đã về địa phương kiểm tra hiện tượng cá chết. Đồng thời, Cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tiến hành xác minh làm rõ nguyên nhân.
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy |
Qua kiểm tra nhanh, đại diện Phòng Thủy sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy. Bên cạnh đó, vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường nên các con cá yếu sẽ bị chết rải rác ở những lồng nuôi với mật độ cao.
Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra nguyên nhân cụ thể khiến nồng độ khí độc trong nước sông tăng. Qua đây, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người nuôi cá khi thời tiết thay đổi cần giảm cho ăn hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục khí. Nếu có hiện tượng cá chết cần phải vớt lên, mang đi chôn lấp, tránh ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Nhiều cá chết bị trôi ra sông khiến bốc mùi tanh nồng, khó chịu |
Còn theo kinh nghiệm nuôi cá nhiều năm từ những người chăn nuôi cá lồng trên sông Thái Bình ở xã Tiền Tiến, họ xác định cá chết bất thường là do nguồn nước. Theo lý giải của họ "nếu nước sông mà sạch thì cá sẽ không chết". Có thể do xả thải nước thải chưa qua xử lý từ doanh nghiệp ra sông khiến nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến sự cố này.
“Mong các ngành chức năng tìm ra nguyên nhân cá chết, nếu chỗ nào xả thải thì phải chịu trách nhiệm cho người nông dân nuôi cá đỡ thiệt thòi” - Ông Lê Văn Kiếm - một hộ dân nuôi cá bày tỏ.
Đồng thời, nhiều chủ lồng cá cũng mong muốn các ngành, các cấp tỉnh Hải Dương có tiếng nói với ngân hàng trong việc giãn nợ cho những người nuôi cá lồng bị thiệt hại và tạo điều kiện để người nuôi cá vay vốn để tiếp tục tái đầu tư phát triển nuôi cá.