Anh thanh niên vùng biên Đắk Lắk làm giàu từ ốc nhồi Hải Dương sẽ đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm có lợi thế xuất khẩu |
Mạnh dạn thử nghiệm mô hình kinh tế mới
Trước khi đến với nghề nuôi ốc nhồi, gia đình ông Bùi Hữu Thịnh (xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) làm kinh tế nông nghiệp thu nhập dựa vào trồng ổi và nuôi lợn. Tuy nhiên, công việc quanh năm dãi nắng dầm mưa mà thị trường bão hòa khiến giá cả bấp bênh, đời sống gia đình gặp không ít khó khăn. Điển hình, đầu năm 2019 dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở nhiều tỉnh thành, gia đình ông phải tiêu hủy 27 con lợn nhiễm bệnh, thiệt hại gần 300 triệu đồng.
“Trồng ổi cũng vất vả, có những lúc mất giá chỉ bán được từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Nếu tính cả công chăm bón, chi phí thuốc sâu, lân, đạm, tiền túi bóng bọc ổi thì chỉ hòa được vốn” - ông Thịnh chia sẻ.
Không để khó khăn đeo bám cuộc sống, giữa năm 2019, trong một lần ông Thịnh xem chương trình “Nhà nông làm giàu” và biết đến mô hình nuôi ốc nhồi. Ngay sau đó, ông tìm hiểu và xin hướng dẫn của Trạm khuyến nông huyện, quyết tâm đến các mô hình nuôi ốc nhồi thành công ở các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang,... để học hỏi kinh nghiệm.
Ông Bùi Hữu Thịnh (xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm để phát triển kinh tế |
Tận dụng những ao trống trong nhà với tổng diện tích gần 4 sào, ông Thịnh đã tạo ô lưới, nuôi bèo và bắt đầu thả ốc giống xuống thử nghiệm.
Ông cho biết thêm: “Ốc giống nhỏ chủ yếu mua tại trại ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang... với giá 300 – 500 đồng/con. Ban đầu, tôi bỏ ra số vốn 10 triệu đồng mua khoảng 2 vạn con ốc về nuôi thử nghiệm”.
Ông Thịnh tận dụng diện tích 4 sào ao của gia đình để chuyển đổi sang mô hình nuôi ốc nhồi |
Thời gian đầu khi chưa có đủ kiến thức, gia đình ông Thịnh gặp không ít khó khăn bởi ốc chậm lớn, nhiệt độ môi trường nước không hợp lý, ốc chết nhiều, tỷ lệ sống chỉ đạt 50%.
Thời điểm đầu khi ông Thịnh chưa có kinh nghiệm, tỷ lệ ốc chỉ sống 50% |
Không chùn bước, ông Thịnh tiếp tục học thêm kinh nghiệm trên internet và hỏi những người đi trước để khắc phục tình trạng ốc chết, cách chăm sóc sao cho đạt hiệu quả tối đa nhất. Ngay trong vụ thứ 2, tỷ lệ ốc sống đã tăng lên 80 – 85%.
Nhận thấy triển vọng và giá trị kinh tế cao từ ốc nhồi, một số hộ nông dân trong xã đã mạnh dạn cải tạo những phần diện tích đất ao, vườn kém hiệu quả để chuyển sang nuôi ốc, góp phần tăng thu nhập.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Quý (xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) cũng cải tạo chuồng lợn cũ với diện tích 1.000 m2 thành nhà màng phân ô, lót bạt ở dưới và lắp đặt hệ thống bơm thoát nước dẫn trực tiếp từ sông gần trang trại về. Hoàn thiện cơ sở, anh Quý bắt đầu thả lứa ốc giống đầu tiên xuống nuôi. Nhờ rút kinh nghiệm từ những người đi trước, gia đình anh đã đạt hiệu quả ngay từ lần đầu.
Gia đình anh Nguyễn Văn Quý (xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) cũng cải tạo chuồng lợn cũ với diện tích 1.000 m2 để nuôi ốc nhồi |
“Đầu tư ít, hiệu quả cao”
Sau hơn 5 năm thực hiện mô hình trại nuôi ốc nhồi, nhiều hộ dân trong xã đã thu về hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích 1.000 m2, 9 ô nhà màng, khoảng 5.000 con trưởng thành/ô đã giúp gia đình anh Quý thu về 250 - 300 triệu đồng/năm giúp cải thiện kinh tế gia đình. Bình quân mỗi tháng, anh Quý bán khoảng 15 – 20 vạn con ốc giống và 2 vạn con ốc thương phẩm cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh.
Mỗi tháng, gia đình anh Quý thu hoạch và bán khoảng 2 vạn con ốc thương phẩm cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh |
Ông Thịnh cho biết, hiện tại ốc thương phẩm được bán với giá 120.000 đồng/kg. Do nhu cầu của khách hàng tăng cao, mỗi đợt thu hoạch gia đình ông thường bán được từ 800 - 900 kg. Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng nuôi và bán thêm ốc giống cho những hộ nông dân với giá thị trường từ 220.000 - 250.000 đồng/kg và có khoảng 50 vạn con.
Ốc nhỏ làm giống được bán với giá dao động từ 220.000 - 250.000 đồng/cân, tùy kích cỡ |
Ốc nhồi thương phẩm được bán với giá 120.000 đồng/kg |
Theo những hộ dân nuôi ốc hiệu quả trong xã chia sẻ, chỉ cần nhập ốc giống lần đầu, các lần sau khi có kinh nghiệm tự nhân được giống không mất chi phí. Ốc nhồi sinh sản và đẻ trứng hiệu quả nhất từ tháng 4 đến tháng 9 trong năm. Để tạo môi trường thích hợp cho ốc đẻ trứng cần làm bệ cao hơn mặt nước và diệt chuột để bảo vệ trứng.
Trứng ốc được ấp trong thùng xốp, ở nhiệt độ phù hợp từ 25-30 độ C |
Mỗi tháng ốc mẹ đẻ buồng trứng từ 120 - 140 quả. Sau đó, người nuôi gom trứng lại để vào rổ thưa đặt trong thùng. Nhiệt độ ổn định để ấp trứng là từ 25 - 300 và cần phủ vải giữ ẩm cho trứng ốc, khoảng 15 – 20 ngày trứng nở (chuyển từ màu trắng sang đen) tự rơi xuống thùng xốp sau đó sẽ chuyển ra tráng lưới để ốc nở và thích nghi với môi trường tự nhiên.
Ốc nhồi đang trong quá trình phát triển và trưởng thành. Ở điều kiện lý tưởng, tỷ lệ ốc con sống đạt 85 - 90% |
Ốc nhồi ưa môi trường nước sạch. Đối với nuôi trong bạt, từ 1 - 2 ngày phải thay nước đồng thời cũng cần rắc vôi bột để dung hòa lượng pH, mực nước phù hợp để nuôi ốc tại nhà màng khoảng 40 – 60 cm.
Khi nuôi trong bạt cần thay nước thường xuyên để đảm bảo môi tường sống thích hợp cho ốc nhồi. |
Ốc chỉ ăn các phụ phẩm nông nghiệp thừa như bèo cái, bèo tấm, lá sắn, lá đinh lăng, lá khoai lang,... nên không tốn chi phí thức ăn. Trong điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất từ 5 tháng sẽ cho thu hoạch, nếu kéo dài thời gian nuôi thì ốc sẽ to và ăn giòn hơn.
Ốc nhồi thường ngủ đông trong bèo từ tháng 11 Âm lịch đến tháng 2 Âm lịch năm sau khi thời tiết lạnh |
Hiện tại, do nhu cầu vượt lượng cung cấp nên gia đình ông Thịnh, anh Quý và một số hộ dân quyết định mở rộng mô hình trại ốc, tiếp tục chuyển đổi diện tích vườn không sử dụng thành rãnh trũng để có môi trường và điều kiện phát triển lý tưởng cho ốc nhồi.
Mô hình nuôi ốc nhồi đã giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập kinh tế cao, cải thiện cuộc sống |
Theo ông Tăng Danh Bắc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Lang cho biết, mô hình nuôi ốc nhồi của một số hộ gia đình trong xã là hướng phát triển kinh tế mới đáp ứng tiêu chí “đầu tư ít, hiệu quả cao”. Trên địa bàn huyện Thanh Hà chưa phổ biến mô hình này.
Đây là cơ hội cũng như thách thức nhưng đã khẳng định được bản lĩnh dám nghĩ, dám đổi mới của người nông dân. Vì vậy, địa phương rất khuyến khích người dân nhân rộng mô hình trại ốc để cải thiện và phát triển kinh tế.