Hạ tầng giao thông: Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam
Quá tải hạ tầng giao thông
Nam Bộ là nơi tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp, tạo ra giá trị sản xuất và thương mại lớn. Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia, kinh tế khu vực này còn có khả năng tăng trưởng mạnh hơn nữa nếu tháo được nút thắt hạ tầng giao thông.
Thực tế, tình trạng ùn tắc trong vận chuyển khiến chi phí tăng cao là vấn đề được nhiều địa phương khu vực phía Nam phản ánh. Tại Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ diễn ra trung tuần tháng ba tại Bình Phước, ông Võ Văn Minh- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương- cho biết, do phát triển nhanh về công nghiệp, địa phương này đang trong tình trạng quá tải hạ tầng giao thông. Hàng chục khu công nghiệp với hàng trăm nhà máy được xây dựng những năm gần đây đã làm gia tăng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa. Lưu lượng các trục đường bộ huyết mạch ngày càng lớn, trong khi tính kết nối, đồng bộ với loại hình giao thông đường sắt, đường thủy nội địa còn thiếu và yếu đã làm tăng thời gian đi lại từ Bình Dương tới các cảng biển và sân bay quốc tế. Từ đó, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm lợi thế cạnh tranh.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh: Phước Tuấn |
Phản ánh tình trạng tương tự tại tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Hoàng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thông tin, Đồng Nai và các địa phương vùng Đông Nam Bộ có tỉ lệ lao động nhập cư cao. Điều này giúp các địa phương có lực lượng lao động phục vụ sản xuất nhưng gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông, hạ tầng an sinh xã hội. Dù các địa phương rất quan tâm đầu tư song hầu như các cửa ngõ kết nối giao thông đều kẹt cứng.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, để chia sẻ lưu lượng cho hệ thống đường bộ, các địa phương cần sớm làm việc với Trung ương để triển khai tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam đoạn Sài Gòn - Nha Trang, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, đường sắt đô thị Biên Hoà - Vũng Tàu... Đồng thời, các địa phương trong vùng cần khai thác triệt để hơn nữa lợi thế lớn về giao thông thủy, hàng hải với hàng loạt luồng tuyến quan trọng mà hiện nay chưa tận dụng được để giải toả bớt áp lực cho giao thông đường bộ.
Phát triển đồng bộ các loại hình vận tải
Đề xuất phát triển đồng bộ hạ tầng các loại hình giao thông của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai được nhiều địa phương, chuyên gia đồng tình. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng tính đến phương án này, hiện đã hoàn thiện các quy hoạch ngành liên quan, đảm bảo xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại.
Cụ thể, về đường bộ, sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh với các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng, các đường vành đai thuộc khu vực TP. Hồ Chí Minh và 2 trục dọc, 3 trục ngang tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng với 52 tuyến quốc lộ dài khoảng 6.406 km sẽ đảm nhận vai trò gom hành khách, hàng hóa để kết nối liên vùng. Về đường thủy nội địa, tiếp tục đầu tư, nâng cấp các cảng thủy nội địa, phát triển hành lang đường thủy và logistics phía Nam, đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa chính, hiện đại hóa thiết bị bốc dỡ tại cảng sông, xây dựng bến tàu khách quốc tế phục vụ cho vận tải hành khách và du lịch.
Về cảng biển, hoạch định xây dựng cảng biển nước sâu có thể trở thành cảng đầu mối để xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng đi các tuyến biển xa, ưu tiên hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải, phát triển hệ thống cảng cạn. Về hàng không, đầu tư nâng cấp các cảng hàng không trong khu vực, tập trung hình thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành và kho hàng hóa, trung tâm logistics tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Về đường sắt, sẽ hình thành các tuyến đường sắt đô thị nội, ngoại ô TP. Hồ Chí Minh; đường sắt xuyên Á, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt kết nối TP. Hồ Chí Minh với Cần Thơ.
Qua hoạch định của Bộ GTVT có thể thấy khu vực phía Nam sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ giữa các phương thức, loại hình vận tải. Đây sẽ là tiền đề, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam. Quan trọng hơn sẽ tạo thuận lợi cho việc lan toả sản xuất công nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh sang các địa phương khác trong khu vực.
Theo các chuyên gia, chủ trương giao cho địa phương chủ động tìm kiếm nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng đã được quy hoạch của Bộ GTVT được đánh giá đúng nhưng để thực hiện cần có một cơ chế, chính sách rõ ràng. Khi đó, hai hoặc nhiều địa phương phối hợp với nhau để vừa phát triển đô thị vừa phát triển giao thông, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng được thực hiện bằng cách phát triển đô thị, công nghiệp dọc hành lang. Ngoài ra cũng cần cho phép tư nhân tham gia đầu tư với hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) hay BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh).
Hoạch định của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, khu vực phía Nam sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ giữa các phương thức, loại hình vận tải. Đây sẽ là tiền đề, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam. |