Hà Nội: Thu gần 10.000 tỷ đồng tiền thuế từ thương mại điện tử
Chiều 18/6, thông tin với báo chí về kết quả công tác thuế 6 tháng đầu năm, ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố do cơ quan Thuế quản lý 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 243.727 tỷ đồng, đạt 64% dự toán pháp lệnh, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, nổi bật là các hoạt động: Thu thuế thương mại điện tử, chống gian lận hoá đơn điện tử, quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế…
Cụ thể, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tập trung quản lý thuế, quản lý đối tượng đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có phát sinh doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử. Cục đã thực hiện phối hợp với các sàn thương mại điện tử, ngân hàng thương mại, các đơn vị trung gian vận chuyển… để thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu.
Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa mã số thuế cá nhân theo Đề án 06, Cục Thuế TP. Hà Nội đã định danh thông tin được 418 doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử, 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm, nội dung số, 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú, 366.857 shop tương ứng với 197.848 mã số thuế.
Đồng thời, Cục Thuế TP. Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện tổ chức thí điểm quản lý thuế thương mại điện tử trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Với đồng bộ các giải pháp quản lý thuế từ hoạt động thương mại điện tử, Cục Thuế TP. Hà Nội đã bước đầu đạt được hiệu quả. Tổng số thu từ hoạt động thương mại điện tử 5 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn TP. Hà Nội đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng; trong đó, sàn thương mại điện tử là 2.500 tỷ, doanh nghiệp là 6.700 tỷ, hộ kinh doanh và cá nhân đạt 700 tỷ.
Ngoài ra, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng tiếp tục quản lý chặt chẽ đối tượng, đặc biệt là các trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, phòng chống gian lận hóa đơn điện tử. Theo đó, định kỳ 2 lần/tháng Cục Thuế TP. Hà Nội mời người đại diện pháp luật, kế toán trưởng của các doanh nghiệp, người nộp thuế mới thành lập, mới chuyển đến trên địa bàn lên làm việc với mục tiêu vừa hướng dẫn, tuyên truyền về chính sách thuế, vừa nắm bắt tình hình, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp có dấu hiệu rủi ro mua bán hóa đơn trên địa bàn.
“Cục Thuế TP. Hà Nội thường xuyên rà soát đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro sử dụng hóa đơn bất hợp pháp từ các thông tin của cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân cung cấp, từ đó chuyển thành các gói dữ liệu rủi ro cao về hóa đơn để triển khai rà soát toàn ngành, xác minh và xử lý kịp thời theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan thuế” - ông Vũ Mạnh Cường cho hay.
Ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội thông tin với báo chí về kết quả công tác thuế 6 tháng đầu năm 2024 |
Đồng thời, Cục Thuế TP. Hà Nội đã xây dựng công cụ rà soát rủi ro hóa đơn dựa trên 9 tiêu chí rủi ro để phục vụ công tác kiểm tra tại bàn và công tác thanh kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, hướng tới thanh kiểm tra điện tử. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế TP. Hà Nội dự kiến hoàn thành 6.214 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổng số xử lý qua thanh tra, kiểm tra ước thực hiện 3.592 tỷ đồng, góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, tạo sự công bằng trong cộng đồng doanh nghiệp.
Đối với việc triển khai công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế. Từ đầu năm, Cục Thuế TP. Hà Nội tập trung đẩy mạnh việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Kết quả đến thời điểm hiện tại, toàn địa bàn đã thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với 4.222 đối tượng với số tiền thuế nợ là 5.862 tỷ đồng, số nợ thu được qua công tác tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là 714 tỷ đồng.
Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế cũng như đôn đốc, thu hồi nợ đọng, kết quả số ước thu hồi nợ đọng trong 6 tháng đầu năm 2024 là 7.646 tỷ đồng, đạt 51,3% chỉ tiêu thu nợ được giao.
Song song đó, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tập trung triển khai các chuyên đề trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ tài chính, Tổng cục thuế. Cục đã hoàn thành 99,9% việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân theo Đề án 06; 100% các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP. Hà Nội hoàn thành việc xuất hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng; giao chỉ tiêu đăng ký hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền năm 2024, trọng tâm là ngành nghề kinh doanh vàng bạc, dịch vụ golf... cho từng cán bộ, công chức thực hiện.
“Cục Thuế TP. Hà Nội là 1 trong 7 đơn vị được Bộ Tài chính khen thưởng đột xuất về thành tích xuất sắc trong công tác triển khai áp dụng hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu” - ông Vũ Mạnh Cường thông tin.
Nói về các giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2024, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 được giao, Cục Thuế TP. Hà Nội triển khai nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2024 với trọng tâm: Đảm bảo bao quát nguồn thu, thu đúng - thu đủ - thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước, chú trọng các giải pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và mở rộng cơ sở thu thông qua các nhóm giải pháp:
Một là, tập trung theo dõi tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế cũng như tình hình sức khỏe của doanh nghiệp để có biện pháp quản lý thu, chống thất thu phù hợp, hiệu quả.
Hai là, duy trì hoạt động đối thoại với doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc thực thi chính sách pháp luật thuế, qua đó giúp doanh nghiệp, người nộp thuế duy trì ổn định, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.
Ba là, tập trung chống thất thu thuế đặc biệt ở các lĩnh vực rủi ro cao, đẩy mạnh công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, tập trung vào các doanh nghiệp có dư địa khai thác tăng thu lớn theo chuyên đề: Thương mại điện tử, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, nhà đất, chuyên đề chống gian lận hoàn thuế, gian lận hoá đơn điện tử.
Bốn là, rà soát, chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định. Tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý. Thực hiện hiệu quả công tác xử lý nợ theo Nghị quyết của Quốc hội. Kết hợp giữa đôn đốc thu hồi nợ đọng với tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, người nộp thuế.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa công tác thu nộp, hiện đại hóa công tác quản lý thuế đối với các hình thức kinh doanh mới trên nền tảng kinh doanh số.