Thứ năm 05/12/2024 09:39

Hà Nội: Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tháng 4/2022 tiếp tục đà phục hồi

Tháng 4/2022, hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất khẩu trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.

Chiều ngày 28/4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã có buổi làm việc với Sở Công Thương Hà Nội về việc triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu phục hồi tích cực

Thông tin tại buổi làm việc, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2022 ước tăng 5% so tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng năm 2021 tăng 11,1%).

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi làm việc với Sở Công Thương Hà Nội

Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trên địa bàn Thành phố, người dân Thủ đô thực hiện thích ứng an toàn trong điều kiện bình thường mới, các điểm vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn có nhiều tín hiệu tích cực với lượng khách đến khá đông, cùng với đó Hà Nội tiếp tục cho phép mở cửa trở lại nhiều hoạt động như dịch vụ karaoke, massage, trò chơi điện tử, quán bar… sau một thời gian dài tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch, góp phần tạo đà phục hồi tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ.

Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tháng 4/2022 ước đạt 267 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 1.086 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng năm 2021 tăng 10,7%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2022 ước đạt 53,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn ước đạt 214,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng năm 2021 tăng 16,7%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2022 giảm nhẹ 0,05% so với tháng trước, tăng 2,13% so với tháng 12/2021 và tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2022 ước đạt 1,57 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm, Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 5,46 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng năm 2021 tăng 12%).

Cần rà soát, xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành Công Thương Hà Nội trong thời gian qua vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, do ảnh hưởng của căng thẳng chính trị và bất ổn giữa các quốc gia trên thế giới cùng với tác động của dịch Covid-19 đã tác động lên giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp. Việc này sẽ tác động mạnh đến mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp thừa nhận đang chịu sức ép tăng giá rất lớn.

“Trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng sản xuất công nghiệp, xuất khẩu trên địa bàn Thủ đô đạt kết quả khả quan nhưng chúng ta không chủ quan, nhất là những biến động tình hình thế giới, cũng như hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm.

Tại cuộc làm việc, các phòng ban chức năng của Sở cũng đã báo cáo những công việc cụ thể của đơn vị mình trong thời gian qua, đưa ra những kế hoạch triển khai nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2022. Đồng thời, nêu ra nhưng khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của từng lĩnh vực.

Đơn cử như lĩnh vực điện, mặc dù hệ thống lưới điện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cải thiện nhưng chưa đồng bộ dẫn đến khả năng dự phòng lưới điện còn hạn chế, một số đường dây, trạm biến áp đã đầy tải nhất là tại khu vực trung tâm thành phố; Hay việc xã hội hóa trong phát triển các hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ… còn thiếu cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Đưa ra kiến nghị với lãnh đạo thành phố, bà Trần Thị Phương Lan đề nghị UBND thành phố cần xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hồi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Cụ thể miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác hệ thống chợ truyền thống…

Đồng thời đề nghị UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 qua đó đáp ứng tiến độ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp trong năm 2022. “Đề nghị các Sở, ngành rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính qua đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp”, bà Lan kiến nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - đề nghị, trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội đẩy mạnh, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý; rà soát, triển khai sớm công tác chuyển đổi số.

Liên quan đến vấn đề định hình công tác rà soát quy hoạch, ông Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu Sở cần đi trước một bước. Theo đó, cần rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, trạm cây xăng, trạm điện… trên cơ sở đó tích hợp đầy đủ các yếu tố. Từng bước hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu của Nhân dân cũng như của doanh nghiệp.

Ngoài ra các vấn đề thương mại, công nghiệp, năng lượng,… Sở cần chủ động trong phần chức năng nhiệm vụ của mình rà soát lại cơ chế, chính sách và có những kiến nghị cụ thể lên Thành phố. “Sở Công Thương cần sát sao từng nội dung công việc do Sở phụ trách, để trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, Hà Nội sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thương mại và xuất khẩu nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội trong năm 2022 đạt mục tiêu đặt ra và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (bên trái) trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Thắng giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì Hội nghị công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Thắng Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Sở Công Thương Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Ngành công thương Hà Nội: chung tay kết nối, lan tỏa hàng Việt

Bình Phước: Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 17,5% so với cùng kỳ

Vân Đồn (Quảng Ninh): Sản phẩm OCOP vươn mình nhờ phát huy thế mạnh địa phương

Tìm đầu ra cho sản phẩm của các hợp tác xã ở Sơn La

Bình Thuận: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng trưởng tích cực trong tháng 11

Hà Nội: phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại, kích cầu tiêu dùng

Sơn La: Nâng cao hiệu quả chế biến nông sản

Đông Triều (Quảng Ninh) thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp

Hà Giang: Nghiệm thu 2 đề án khuyến công địa phương tại Xín Mần và Bắc Quang

Cà phê Bích Thao Sơn La tiếp tục đạt OCOP 5 sao

Quảng Ninh thu hút đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, khu kinh tế

Quảng Ninh: Nông sản lên sàn thương mại điện tử, bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại

Quảng Ninh thu hút lượng lớn du khách quốc tế bằng đường biển

Quảng Ninh phát triển thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Sơn La: đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại nông sản

Sơn La: nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Quảng Ninh chú trọng phát triển khu công nghiệp, thu hút đầu tư

Quảng Ninh: Mỗi sản phẩm OCOP là một 'đại sứ du lịch'

Quảng Ninh: Doanh nghiệp tăng tốc về đích kế hoạch năm

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương tạo điều kiện khai thác tiềm năng di sản, thu hút đầu tư