Thứ hai 23/12/2024 02:01

Hà Nội: Lại nguy kịch do ngộ độc rượu methanol và cảnh báo sử dụng rượu không rõ nguồn gốc

Một nam bệnh nhân 56 tuổi ở Hà Nội hiện đang cấp cứu tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc rượu chứa methanol.

Cụ thể, sáng 7/4, bệnh nhân chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Đông Anh lên Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai. Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân nam sinh năm 1967 vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, da tím tái, chân tay lạnh, tiểu tiện không tự chủ.

Theo lời kể từ người nhà, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu. Các bác sĩ đã nhanh chóng chỉ định đặt ống nội khí quản, chụp CT sọ não đánh giá tổn thương thần kinh, làm các xét nghiệm tổng quát và xét nghiệm khí máu. Kết quả xét nghiệm khí máu cho thấy có tình trạng toan chuyển hóa nặng, bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc cấp methanol tiên lượng rất nặng.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Chống độc – Bệnh Viện Bạch Mai. Tại đây, xét nghiệm nồng độ methanol trong máu bệnh nhân rất cao, phải lọc máu cấp cứu.

Uống rượu không rõ nguồn gốc có thể gây ngộ độc rượu và nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh minh họa

TS, BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: về nhận diện, rượu được pha từ cồn công nghiệp methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều a-xít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến bệnh viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt, tụt huyết áp, trong tình trạng nguy kịch.

Các chuyên gia cũng cho rằng, có hai loại ngộ độc rượu gồm ngộ độc mạn tính xảy ra với những người nghiện rượu và ngộ độc cấp tính thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha chế từ cồn công nghiệp chứa độc tố methanol gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức cho phép (vì chất hóa học methanol độc hại này chỉ được dùng trong công nghiệp như chế biến sơn, đánh bóng đồ gỗ…).

Với ngộ độc rượu ethanol, triệu chứng từ nhẹ như hưng cảm, mất điều hòa, giảm khả năng phán xét, kích thích, hung hãn; đến nặng như hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở, sặc phổi, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, biến chứng hạ đường huyết.

Với ngộ độc rượu pha chế có methanol, lúc đầu biểu hiện giống ngộ độc ethanol, sau đó là giai đoạn ngộ độc thực sự (thường khoảng 8 giờ sau uống nếu là methanol đơn thuần, nhưng thường trong rượu uống có cả ethanol nên biểu hiện có thể chậm 18 - 24 giờ sau hoặc lâu hơn): thở nhanh, sâu, rối loạn về nhìn (nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn thấy các đốm, thu hẹp thị trường, mù), nếu nặng đồng tử giãn, mạch nhanh, tụt huyết áp, co giật và có thể tử vong.

Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Lê Trung Mạnh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồ Uống Mới - đơn vị chuyên sản xuất rượu Vodka Sói đóng chai cho biết, hiện nay người tiêu dùng hay nhầm lẫn hai khái niệm “cồn phục vụ công nghiệp” và “cồn thực phẩm được sản xuất công nghiệp”. Nếu hiểu đúng thì cồn thực phẩm được sản xuất quy mô công nghiệp, được kiểm soát chất lượng bởi các quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, bởi các kỹ sư chuyên ngành, bằng các máy móc chuyên dụng, … mới đảm bảo là cồn sạch.

Ông Mạnh cũng phân tích thêm những dấu hiệu nhận biết “rượu sạch” để cảnh báo người tiêu dùng: Ngoài methanol là chất gây triệu chứng ngay lập tức sau khi uống là đau đầu, khát nước, … thì trong rượu có thể còn rất nhiều các tạp chất khác nếu không được xử lý đúng cách. Hậu quả của các tạp chất này phải một thời gian sau, sau khi tích đủ trong gan, trong nội tạng mới phát tác hậu quả. Việc xử lý các tạp chất này thì hầu hết các loại rượu thủ công không làm được. Trong những ngày Tết hoặc vui xuân năm mới, nhiều người đã uống phải rượu chứa cồn công nghiệp methanol sau đó uống tiếp các loại rượu thông thường thì không thể biết lúc nào tình trạng ngộ độc methanol mới phát tác do hiện tượng ethanol làm trì hoãn việc gây độc của methanol, và chắc chắn sẽ bị ngộ độc. Vấn đề khó là khi tình trạng ngộ độc xuất hiện chậm sau nhiều ngày thì rất dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác như bệnh mắt, bệnh khó thở, tai biến mạch não,… dẫn tới bị bỏ sót và chữa muộn, chữa không đúng, dẫn tới di chứng mù, hôn mê, thậm chí tử vong.

Các chuyên gia ngành công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm cho biết, cồn công nghiệp có hàm lượng methanol, aldehyt, độc hại cao, giá thành rẻ, pha chế dễ, cho nên nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh vì lợi nhuận đã dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu giả, bất chấp tính mạng, sức khỏe người sử dụng. Quy trình pha chế rượu bằng cồn công nghiệp rất đơn giản, đơn cử một lít cồn pha với ba lít nước lã, cho thêm hương liệu và mùi vị là có thể thành rượu.

Làm gì để phòng tránh ngộ độc rượu?

Tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt rượu pha chế từ cồn công nghiệp (methanol); không uống rượu khi đói và không uống nhiều. Ví dụ, với rượu sâm banh (nồng độ 11%) nên uống khoảng 150 - 200ml; rượu trắng (nồng dộ 35 - 40%) nên uống khoảng 25ml là vừa. Khi có biểu hiện say rượu cần tìm giải pháp nôn ra hết (như ngoáy họng), ăn chuối, uống sữa nóng hoặc trà đặc nóng….

Nguyễn Duyên
Bài viết cùng chủ đề: ngộ độc rượu

Tin cùng chuyên mục

Bàn giải pháp giải quyết thách thức trong quản lý sức khỏe hô hấp

Phó Thủ tướng yêu cầu dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương vụ cháy quán cà phê tại Hà Nội

400 người dân tại Hưng Yên được khám, tư vấn bệnh hô hấp và sàng lọc ung thư phổi miễn phí

80 người tử vong vì bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo khẩn

Bệnh nhân được trả góp viện phí tại Bệnh viện FV

Bộ Y tế thông tin mới nhất về bệnh lạ ở Congo khiến nhiều người tử vong

Châu Á chiếm đến 58% số ca tử vong do ung thư trên toàn cầu

Dược phẩm Thái Minh ra mắt nhận diện thương hiệu và bao bì sản phẩm mới

Bước tiến mới trong chăm sóc nhãn khoa tại Hải Phòng

Trí tuệ nhân tạo trở thành trợ thủ đắc lực trong khám chữa bệnh

Công bố khảo sát về tỷ lệ người hút thuốc lá ở các tỉnh, thành

Vụ hơn 300 người bị ngộ độc bánh mì ở Vũng Tàu: Chủ cơ sở bị phạt 125 triệu đồng

Việt Nam có khoảng 200.000 ca sốt xuất huyết mỗi năm

Bộ Công Thương triển khai tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024

Nhiều năm liên tiếp, doanh nghiệp sữa Cô Gái Hà Lan nhận giải thưởng Top 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam

Thanh lọc cơ thể để tươi mát tận hưởng không khí cuối năm bất chấp công việc bộn bề

Vụ ngộ độc nghi do ăn bánh mì ở TP. Vũng Tàu: Mẫu thức ăn có vi khuẩn Salmonella, E.coli

Nóng trong người khi làm ngày và tăng ca đêm cuối năm: Làm gì để thanh lọc làm mát cơ thể?

Vụ hơn 300 người ngộ độc nghi do bánh mì ở Vũng Tàu: Một nạn nhân tử vong

Thừa Thiên Huế: kỷ lục về thời gian ca ghép tim xuyên Việt