Chỉ cần gõ cụm từ “rượu ngâm rắn hổ mang” trên công cụ tìm kiếm trên google đã cho ra gần 200.000 kết quả. Tìm hiểu trên một website chuyên bán rượu ngâm sieuthitaybac.net phóng viên nhận thấy website này đang quảng cáo rao bán hàng chục loại rượu ngâm động vật, thực vật như: Rượu ngâm ba kích, rượu ngâm mối, rượu ngâm rắn hổ mang…
Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua rượu, phóng viên đã liên hệ với số điện thoại trên website này và được chủ cửa hàng giới thiệu: “Bên anh đang bán bình rượu 7 lít, ngâm rắn hổ mang 1,6kg với giá 1,7 triệu đồng. Rượu rắn rất tốt cho các trường hợp thận dương kém, đau xương khớp, đau dây thần kinh ngoại biên, suy yếu sinh lý…”.
Người đàn ông này cho biết thêm, khách hàng muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có, nhưng chỉ bán online, khách hàng đặt mua sản phẩm từ rất nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều cơ sở chỉ quảng cáo và bán hàng online là để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Có thể thấy, một đặc điểm chung của các cơ sở bán rượu ngâm là người bán thường quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm như một loại “thần dược” chữa nhiều loại bệnh: tăng cường sinh lực, chữa các bệnh về xương khớp, đau nhức, nâng cao tuổi thọ… Hiệu quả thực tế chưa được chứng minh, thế nhưng vẫn có nhiều người sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn mua về để sử dụng hoặc làm quà biếu. Càng vào dịp cuối năm, thị trường mua bán rượu ngâm càng trở nên sôi động.
Hiện nay nhiều cơ sở bán rượu ngâm trên các nền tảng mạng xã hội không có nhãn hàng hóa, không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hàng hóa, thiếu sự kiểm định về chất lượng của các cơ quan chức năng… đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xảy ra một số vụ ngộ độc rượu.
Rượu ngâm không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên mạng xã hội. (Ảnh bạn đọc cung cấp) |
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân nam cùng trú ở huyện Văn Quan (Lạng Sơn) trong trạng thái co giật, hôn mê sâu. Theo lời kể của người nhà, trước khi vào viện, 2 bệnh nhân có sử dụng rượu ngâm rễ cây (nghi ngờ là rễ cây hồi, gia đình sử dụng để xoa bóp). Sau uống rượu, 2 bệnh nhân xuất hiện kích thích, co giật, gọi hỏi không trả lời kèm tím tái toàn thân. Gia đình đã đưa 2 bệnh nhân tới bệnh viện.
Sau 3 ngày điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tình trạng lâm sàng của 2 bệnh nhân đã có xu hướng cải thiện, thoát hôn mê, dấu hiệu toan chuyển hóa hồi phục và đã được rút ống nội khí quản, thở ô-xy…
Theo các chuyên gia y tế, rượu ngâm thảo dược vừa là phương thuốc, vừa là loại đồ uống phổ biến với nhiều người. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý mỗi loại thảo dược lại có những công dụng riêng, nếu việc sơ chế và sử dụng không đúng cách sẽ biến thành rượu độc. Ngoài ra, rượu thuốc cũng là con dao hai lưỡi, nếu không biết dùng đúng đủ liều lượng hoặc quá lạm dụng sẽ gây phản tác dụng tới sức khỏe.
Bác sĩ Trần Xuân Linh - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP. Hồ Chí Minh - thông tin, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện vì suy gan, suy thận, tổn thương tụy… do uống rượu ngâm động vật với mong muốn chữa trị đau nhức cơ xương khớp, tráng dương, cường dương... Việc kiểm chứng nguồn gốc động vật và chất lượng rượu trắng dùng để “sản xuất” rượu ngâm là vấn đề lớn cần quan tâm. Đối với động vật ăn thịt sống như rắn, hổ, gấu, các loài chim…, thì trong lông và nội tạng đều chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng. Nếu sơ chế, làm sạch không kỹ hay vẫn còn nguyên lông, nội tạng thì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn nguy hiểm gây bệnh cho con người.
Chính vì vậy, để tránh ngộ độc rượu, người dân cần nhận biết và tuyệt đối không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.