Hà Nội: Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, toàn thành phố có 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 135 chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Công tác xúc tiến thương mại giữa Hà Nội với 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho thành phố được đẩy mạnh, qua đó, Hà Nội và các tỉnh đã xây dựng và phát triển được 727 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được nhận theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Năm 2019 Sở NN&PTNT đã tổ chức 4 sự kiện kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền được doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng đánh giá cao.
Lễ ký kết giữa các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ |
Ông Đỗ Hoàng Thạch - Giám đốc Công ty Cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam - nhận định, các sản phẩm OCOP của các tỉnh thành là các sản phẩm đặc thù, phần lớn được sản xuất tại các cơ sở sản xuất “siêu nhỏ” nên việc phát triển sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Do đó, để sản phẩm OCOP có chỗ đứng trên thị trường cần có đầu mối hỗ trợ các cơ sở này hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP. "Cốm Làng Vòng đã có thương hiệu và được nhiều người tiêu dùng biết đến, nhưng khi cần được cụ thể hóa trên giấy tờ để chuẩn hóa thành sản phẩm OCOP thì các đơn vị lại rất e ngại, do đó, các đơn vị chức năng cần hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình hoàn thiện sản phẩm, đạt tiêu chuẩn OCOP", ông Đỗ Hoàng Thạch nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa được ông Đỗ Hoàng Thạch đề cập là sản phẩm OCOP sống được hay không sau khi đã được bình chọn và chấm điểm? Do đó, việc kết nối, xây dựng điểm quảng bá sản phẩm OCOP là hết sức quan trọng. Hà Nội cần kết nối giới thiệu sản phẩm OCOP với các tỉnh thành và ngược lại. Bên cạnh đó, cần có chương trình giới thiệu trực tiếp đến người tiêu dùng để người tiêu dùng có thể thử, trải nghiệm sản phẩm. Có như vậy, sản phẩm OCOP mới có thể lan tỏa cả về chiều rộng và chiều sâu.
Trong thời gian qua, quận Tây Hồ đã phát triển nhiều chuỗi sản phẩm an toàn có kiểm soát, các cửa hàng kinh doanh trái cây có gắn biển nhận diện, phát triển hơn 50 cửa hàng tiện ích, góp phần đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng trên địa bàn. Ông Phạm Xuân Tài - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ - cho hay, quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền, phát triển chuỗi liên kết trên địa bàn. Hỗ trợ giúp doanh nghiệp tiến sâu vào thị trường Tây Hồ thông qua các siêu thị, nhà hàng, chợ…