Người dân ngày càng thấy được vai trò thiết thực của BHYT |
Tính đến tháng 6/2018, Hà Nội có gần 6,4 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ 86%), tăng 482.404 đối tượng tham gia và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2017; có 200 cơ sở y tế ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT. Năm 2017, trên địa bàn Hà Nội có hơn 10 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT với tổng chi BHXH thanh toán là 16.312 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm, có hơn 4,3 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT, tổng chi phí 7.869 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Đại diện BHXH TP. Hà Nội khẳng định, quyền lợi BHYT của người dân ngày càng được bảo đảm, giúp họ thấy được vai trò thiết thực của BHYT với an sinh xã hội.
Điều này được thể hiện qua số lượt khám, chữa bệnh BHYT và số chi tại tuyến cơ sở liên tục tăng qua các năm. Đơn cử năm 2015 có trên 2,34 triệu lượt khám, chữa bệnh với số chi là 360,7 tỷ đồng nhưng đến năm 2017 có trên 3,4 triệu lượt, số chi 899,9 tỷ đồng tăng 23% so với năm 2016. 6 tháng năm 2018, tại các cơ sở y tế tuyến huyện có hơn 1,7 triệu lượt khám, chữa bệnh với chi phí là 496,7 tỷ đồng.
Theo đại diện BHXH TP. Hà Nội, có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của BHXH Việt Nam, bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở; cải tạo xây mới các trạm y tế đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị… Cáctrạm y tế tham gia khám chữa bệnh BHYT làm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT tại địa bàn sinh sống, làm việc. Qua đó, góp phần giảm tải y tế tuyến trên, tiết giảm chi phí cho người dân và quỹ BHYT.
Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, hiện tại trên địa bàn Hà Nội khám, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, mới có 447/564 trạm y tế tham gia khám, chữa bệnh BHYT. Mặt khác, thực hiện thông tuyến dẫn tới tình trạng người bệnh không qua tuyến xã mà lên thẳngcác bệnh viện huyện. Đặc biệt, đại diện BHXH TP. Hà Nội cho hay, số người tham gia BHYT tăng hàng năm đồng nghĩa số hồ sơ khám, chữa bệnh BHYT tăng trong khi số giám định viên của BHXH giảm. Theo đó, trung bình 1 giám định viên phải thực hiện giám định trên 250 hồ sơ/ngày. Ngoài ra, các cơ sở y tế đang sử dụng các phần mềm khám, chữa bệnh khác nhau và chưa đáp ứng kịp theo các văn bản hành của Bộ Y tế và các quy định về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, gửi dữ liệu chậm, muộn đã gây khó khăn cho công táckiểm tra thông tuyến, thanh quyết toán khám, chữa bệnh BHYT.
Nhằm khắc phục những tồn tại, đẩy nhanh lộ trình thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT, ngành BHXH Hà Nội đề xuất Chính phủ xét bỏ quy định khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến tại các tuyến thành phố và trung ương; Bộ Y tế thống nhất vào cùng một văn bản về danh mục và giá dịch vụ y tế, ban hành đầy đủ các quy trình chuyên môn, kỹ thuật, phác đồ điều trị, phối hợp thống nhất với BHXH Việt Nam bộ quy tắc giám định; BHXH Việt Nam thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử, riêng UBND thành phố cần quan tâm về khám, chữa bệnh tuyến cơ sở hơn nữa, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho tuyến cơ sở, ban hành hệ thống phần mềm khám, chữa bệnh chung thống nhất cho các cơ sở y tế của thành phố.
Từ nay đến năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu 100% các trạm y tế của thành phố có đủ điều kiện khám, chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT và thực hiện tối thiểu 85% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. |