Trung tâm giao thương sản phẩm gốm
Tới đây, tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội một bảo tàng gốm quy mô sẽ chính thức đi vào hoạt động, hứa hẹn trở thành một trong những địa điểm tham quan hấp dẫn của thủ đô bởi thiết kế vô cùng độc đáo, tạo dựng theo mô hình bảy vòng xoáy ốc khổng lồ lấy ý tưởng từ những bàn xoay vuốt gốm, với những mặt cong đa diện uốn lượn mềm mại, tự do và quấn lấy nhau. Bảo tàng gốm Bát Tràng có 3 tầng, tầng 1 là nơi trưng bày những tác phẩm giá trị nhất; tầng 2 và tầng 3 là nơi trưng bày các sản phẩm gốm nghệ thuật xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển làng gốm Bát Tràng, giúp du khách có cái nhìn tổng quan về lịch sử làng nghề. Tầng trên cùng - tầng thượng là nơi ngắm cảnh với không gian đầy cây xanh mát.
Bảo tàng gốm Bát Tràng |
Bảo tàng gốm Bát Tràng là công trình nằm trong dự án Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và Hiệp hội Làng nghề Hà Nội, nhằm hiện thực hóa ý tưởng đổi mới sáng tạo để xây dựng nên một Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, là trung tâm giao thương các sản phẩm gốm đất Việt. Bà Hà Thị Vinh – Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh - cho biết, ý tưởng xây dựng bảo tàng bắt nguồn từ chuyến đi Nhật của bà, sau khi thấy người Nhật đã làm rất hay chương trình mỗi làng một sản phẩm. Vì thế, khi trở về nước, bà nung nấu và quyết định xây dựng một bảo tàng về gốm để làng nghề Bát Tràng có thể được giới thiệu một cách nhanh nhất, tới thị trường trong nước và nước ngoài, đặc biệt là trước cơ hội đến từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia.
“Bảo tàng gốm Bát Tràng cũng đang hiện thực hóa chủ trương của Thành ủy Hà Nội về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện kế hoạch phát triển Trung tâm Bảo tồn nghề gốm tại xã Bát Tràng, tiến tới xây dựng thành Trung tâm Bảo tồn, phát triển sản phẩm gốm Quốc gia” - bà Vinh cho hay.
Đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp
Hà Nội là mảnh đất trăm nghề, và là cái nôi làng nghề đông nhất cả nước, có nhiều làng nghề được lưu giữ qua hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi. Hàng năm, sản phẩm của làng nghề Hà Nội xuất khẩu ra thế giới vài tỷ USD, tạo việc làm cho hàng triệu lao động trong các vùng nông thôn, đặc biệt có tới 75% là lao động nữ.
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, việc phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững. Đi cùng với đó là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc đầu tư và cải tiến, áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn; chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp; mặt bằng sản xuất chật hẹp; nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề có nhu cầu về mặt bằng để xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất nhưng gặp khó khăn; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng; phần lớn các cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, mang tính thị trường mà ít chú trọng tới phát huy giá trị truyền thống của sản phẩm.
Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp để phát triển làng nghề |
Trước thực tế đó, trong xu thế hội nhập và cạnh tranh, cũng như khó khăn do đại dịch Covid-19, làm thế nào để giữ nghề và phát triển bền vững, thích ứng với tình hình mới hiện đang là trăn trở cũng như ưu tiên hàng đầu của các làng nghề Hà Nội. Còn đối với cơ quan quản lý, đòi hòi có giải pháp tháo gỡ khó khăn, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất đổi mới sáng tạo, xây dựng các ý tưởng về mẫu mã, xúc tiến thương mại...
Với quan điểm phát triển nghề, làng nghề phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề Thành phố Hà Nội, đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1.500 làng có nghề; bảo tồn và khôi phục 21 làng; phát triển làng nghề kết hợp với du lịch ở 17 làng; tạo việc làm ổn định cho khoảng 800.000 đến 1 triệu lao động nông thôn, trong đó tạo việc làm mới cho khoảng 200.000 lao động. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người từ ngành nghề đạt 25 - 30 triệu đồng/năm vào năm 2015 và đạt 35 - 40 triệu đồng/năm vào năm 2020, 50 - 60 triệu đồng/năm vào năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố sẽ tập trung thúc đẩy hình thành mối liên kết với các doanh nghiệp giúp các làng nghề trở thành vệ tinh cho các doanh nghiệp; thành lập mạng lưới khuyến công để đẩy mạnh các hoạt động khuyến công trên địa bàn thành phố; tổ chức và hỗ trợ các làng nghề tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành, trưng bày giới thiệu sản phẩm; tăng cường cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư phục vụ mục đích đổi mới công nghệ, thực hiện ưu đãi tín dụng và hỗ trợ vốn đối với những ngành nghề và cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến; tích cực phối hợp với các trung tâm xúc tiến thương mại, thương vụ và các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm của làng nghề tới nước sở tại…
Hà Nội đang thực hiện hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng thương hiệu, đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; cùng với đó, Hà Nội sẽ tổ chức đào tạo nghề cho 13.100 lao động nông thôn; đồng thời nâng cao năng lực quản lý cho 2.400 lượt chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề. |