Hà Nội: 30 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP 2020
Quận Tây Hồ có 3 đơn vị mang sản phẩm đi chấm điểm gồm: Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Hương (3 sản phẩm); Cơ sở bánh trung thu Bảo Phương (4 sản phẩm); HTX dịch vụ tổng hợp hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ (3 sản phẩm).
Ông Phạm Xuân Tài - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ - cho biết, theo chương trình nội dung Kế hoạch và hướng dẫn của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội, UBND các quận Tây Hồ, Long Biên, Ba Đình và huyện Ứng Hòa đã tích cực triển khai thực hiện và đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo; Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; thành lập tổ giúp việc hội đồng; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình OCOP đến năm 2020 trên địa bàn các quận, huyện. Tổ chức rà soát các sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao, mang nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các vùng miền, tổ chức tập huấn đến các thành viên, tổ giúp việc của hội đồng và các chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
30 sản phẩm của Hà Nội tham gia đánh giá phân hạng OCOP 2020 |
Để hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt kết quả cao, ông Phạm Xuân Tài đề nghị các chủ thể, đơn vị tư vấn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, sản phẩm mẫu, thuyết trình đầy đủ các yêu cầu để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của các quận, huyện và các thành viên tổ tư vấn thành phố thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chất lượng đánh giá, đảm bảo về thời gian đánh giá.
Là đơn vị tư vấn hỗ trợ cho các chủ thể làm sản phẩm OCOP, đồng thời hỗ trợ các huyện để hướng dẫn lập hồ sơ cũng như đánh giá phân hạng... bà Vương Thị Kim Thắm - Giám đốc Công ty Sông Đà Kinh Bắc - cho biết, nhiều chủ thể đã chủ động tham gia vào chương trình OCOP, bên cạnh đó, đã biết ứng dụng khoa học công nghệ, cũng như thay đổi mẫu mã bao bì phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, phù hợp với thị trường đích. Các tiêu chí chấm điểm được quy định cụ thể trong các văn bản của pháp luật, tuy nhiên, đôi khi có những chủ thể nhầm lẫn giữa nhóm thực phẩm sang nhóm thảo dược, công bố thông tin sai hoặc công bố quá thông tin trên bao bì nhãn mác gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội, Chương trình OCOP năm 2020 vẫn còn gặp khó khăn như: chưa có nhiều mô hình sản xuất thật sự nổi trội để nhân rộng; hệ thống doanh nghiệp, kinh tế hợp tác phát triển chưa mạnh; liên kết, liên doanh còn hạn chế; sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phân tán; lao động phần lớn làm theo kinh nghiệm, truyền nghề chưa qua trường lớp đào tạo. Bên cạnh đó, năng lực nội tại các hộ sản xuất, hợp tác xã chưa mạnh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm không ổn định; các loại nông sản, vật phẩm chưa được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng, chủ yếu ở dạng thô…
Để tháo gỡ khó khăn nêu trên cũng như để sản phẩm OCOP đi xa, các chuyên gia cho rằng, sau khi chấm điểm, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, tiềm năng 5 sao, thì thành phố cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ xúc tiến thương mại; kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối hiện đại, tạo chuỗi liên kết bền vững... Thậm chí tổ chức các lớp tập huấn để người nông dân và các chủ thể sản phẩm có kỹ năng thuyết trình về sản phẩm của mình.
Thực hiện Chương trình OCOP, năm 2019, Hà Nội có 301 sản phẩm của 18 quận, huyện, thị xã được phân hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 6 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao, đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia, 207 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Từ lợi thế này, Hà Nội phấn đấu năm 2020 sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng từ 800 - 1.000 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có từ 500 sản phẩm trở lên được đánh giá, xếp hạng cấp thành phố (hạng 3 - 4 sao), 100 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia (hạng 5 sao).