Chủ nhật 24/11/2024 11:38

Gỡ vướng dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống

Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa đã họp tìm giải pháp gỡ vướng dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống.

Ngày 15/4/2024, tại Thanh Hóa, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa để tháo gỡ vướng mắc các dự án truyền tải đi qua địa bàn tỉnh, trong đó trọng tâm là dự án đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống.

Vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng

Dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống dài khoảng 130 km, gồm 2 mạch, từ điểm đấu nối G1 (tại biên giới Việt Nam - Lào) đến TBA 220kV Nông Cống, gồm 299 vị trí móng cột và 99 khoảng néo hành lang tuyến. Tuyến đi trên địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu (thuộc tỉnh Nghệ An) và các huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống (thuộc tỉnh Thanh Hóa). Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 52,14 km, bao gồm 125 vị trí móng cột và 47 khoảng néo hành lang tuyến.

Đến nay, phần móng cột, tỉnh Thanh Hóa đã bàn giao mặt bằng 116/125 vị trí, còn 9 vị trí móng thuộc đất rừng tự nhiên của huyện Như Xuân. Phần hành lang tuyến đã bàn giao 23/47 khoảng néo hành lang tuyến. Còn 24 khoảng néo đang thực hiện giải phóng mặt bằng tại các huyện Như Thanh, Như Xuân.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, dự án đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống phải hoàn thành đóng điện trong tháng 5/2024 để kịp thời nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam (nếu thiếu).

Buổi làm việc giữa EVN và UBND tỉnh Thanh Hoá

Để đảm bảo tiến độ của dự án, lãnh đạo EVN đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét phê duyệt kinh phí trồng rừng thay thế theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước 20/4/2024 để làm cơ sở cho chủ đầu tư nộp tiền và triển khai các bước tiếp theo.

Chỉ đạo UBND huyện Như Xuân khẩn trương ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường và bàn giao mặt bằng các vị trí đất rừng tự nhiên ngay sau khi UBND tỉnh chấp thuận và chủ đầu tư hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế (xong trước 20/4/2024).

Đối với hạng mục khai thác, tận thu lâm sản, đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương tổ chức thuê đơn vị lập hồ sơ khai tác tận thu lâm sản trình cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức khai thác, tận thu lâm sản hoàn thành trong tháng 4/2024.

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm Như Xuân hỗ trợ chủ đầu tư/ban QLDA trong việc xác định hướng đường tạm thi công phù hợp với thực địa và Nghị định 27/2024/NĐ-CP, đảm bảo hồ sơ đủ điều kiện trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Phương án tạm sử dụng rừng (xong trước 25/4/2024).

Cho phép chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện thi công đào đúc móng, lắp dựng cột và kéo dây song song với quá trình hoàn thiện các công việc, thủ tục về nộp tiền trồng rừng thay thế, lập phương án khai thác tận thu lâm sản, phương án tạm sử dụng rừng tương tự như đang áp dụng đối với các dự án mạch 3 (các đường dây 500 kV từ Quảng Trạch - Phố Nối) để đáp ứng tiến độ dự án.

Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, EVN đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo và hướng dẫn UBND huyện Như Thanh phê duyệt phương án bồi thường đối với 35 hộ gia đình trồng cây trên đất không có hợp đồng giao khoán/hoặc hợp đồng giao khoán đã hết hạn, hoàn thành phê duyệt (trước ngày 20/4/2024); Khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường cho 31 hộ còn lại để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư (xong trước ngày 20/04/2024); tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng thuận với phương án, nhận tiền bồi thường theo quyết định phê duyệt. Thực hiện các bước quy trình bảo vệ thi công trong trường hợp các hộ tiếp tục không đồng thuận (trước ngày 30/4/2024).

Chỉ đạo UBND huyện Như Xuân khẩn trương tổ chức tuyên truyền, vận động 4 hộ dân chưa nhận tiền theo phương án được phê duyệt. Thực hiện các bước quy trình bảo vệ thi công trong trường hợp các hộ tiếp tục không đồng thuận (trước ngày 30/4/2024); tổ chức phê duyệt phương án bồi thường cho 07 hộ dân và 1 tổ chức còn lại xong trước 20/04/2024.

Thanh Hoá cam kết vào cuộc quyết liệt

Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cho biết: Dự án đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống là dự án cấp bách, được đầu tư xây dựng nhằm mục đích nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Sum (Lào) về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện khu vực miền Bắc. Dự án nhằm cụ thể hóa cam kết giữa Đảng và Chính phủ hai nước trong tăng cường hợp tác năng lượng.

Dự án cũng có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô năm 2024, đặc biệt là cho khu vực miền Bắc. Để dự án đóng điện vào tháng 5/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN đề nghị tỉnh Thanh Hóa vào cuộc quyết liệt để những vướng mắc được tháo gỡ sớm.

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa cùng các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã vào cuộc quyết liệt để hoàn thành khối lượng công việc của dự án đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống, nhưng đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu do vướng mắc liên quan thủ tục đối với đất rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo với tinh thần cao nhất để chung sức cùng chủ đầu tư sớm bàn giao mặt bằng cho dự án. Đối với các huyện Như Xuân và Như Thanh là 2 địa phương còn vướng mắc, đề nghị áp dụng khung giá bồi thường cao nhất, đồng thời tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân đồng thuận cho dự án. Nếu đã áp dụng đầy đủ khung chính sách theo quy định mà hộ dân cố tình chống đối thì địa phương sẵn sàng phương án bảo vệ thi công. Đồng thời giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm trực tiếp chỉ đạo các dự án điện trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

"Tỉnh Thanh Hóa cam kết vào cuộc với tinh thần cao nhất để đáp ứng được mục tiêu tiến độ của dự án đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai nếu gặp khó khăn vướng mắc, EVN, EVNNPT cần trao đổi ngay để kịp thời tháo gỡ” - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.

Vũ Sơn
Bài viết cùng chủ đề: nhập khẩu điện

Tin cùng chuyên mục

Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện quốc gia năm 2025

Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế và kỳ vọng

Bài 4: Từ kết quả giám sát đến yêu cầu sửa đổi toàn diện Luật Điện lực

Bài 3: Các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội nói gì?

Đưa điện về khu tái định cư Kho Vàng, Nậm Tông vượt tiến độ 45 ngày

Bài 2: Sửa đổi Luật để tạo đột phá về thể chế

Ứng dụng UAV và công nghệ AI: Bước đột phá trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

PC Lào Cai: 'Thần tốc' đưa điện lưới quốc gia về khu tái định cư Làng Nủ

PC Đắk Nông: Cải thiện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế

Hiệu quả quản lý lưới truyền tải từ ứng dụng UAV và công nghệ Lidar

Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án lưới điện truyền tải 220kV

Ngành điện TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao năng suất lao động nhờ phát triển lưới điện thông minh, chuyển đổi số

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất 3 kịch bản cung ứng điện cho năm 2025

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Nhiệm vụ hàng đầu là bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống

EVNCPC triển khai nhiều hoạt động trong ‘Tháng tri ân khách hàng 2024’

Bộ Công Thương xây dựng 3 kịch bản cung cấp điện năm 2025

Hà Giang: Chú trọng đảm bảo an toàn hành lang lưới điện

Tháng tri ân khách hàng năm 2024 của EVN có gì đặc biệt?

PC Đắk Lắk: Đảm bảo an toàn lưới điện cao áp tại khu vực rừng trồng và rừng nguyên sinh

Tổng giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư làm việc với Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tại Khánh Hòa