Trong quý I/2020, do tác động của dịch Covid-19, ngành công nghiệp chỉ đạt tăng trưởng 5,28%, trong đó ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,12%, mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, các biện pháp hạn chế giao thương để ngăn chặn dịch đã làm cho nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu (NK) phục vụ sản xuất bị giảm sút so với thời điểm trước dịch. Trong đó, các ngành chịu tác động lớn gồm: Ôtô, dệt may và da - giày, ngành điện tử… Đơn cử như với ngành dệt may, nguyên liệu NK phục vụ sản xuất từ Trung Quốc, Hàn Quốc lên tới trên 60%. Do đó, từ đầu năm nay, cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều DN dệt may trong nước đã buộc phải tạm dừng, hoặc giảm tần suất hoạt động do thiếu nguyên liệu đầu vào.
Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp dệt may tiếp cận nguồn nguyên liệu |
Đánh giá đúng khó khăn của DN, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời, trong đó, định hướng lớn là duy trì thị trường NK truyền thống, tìm kiếm thị trường NK thay thế và đẩy mạnh khai thác nguồn cung trong nước.
Với quyết tâm đồng hành cùng các DN tháo gỡ khó khăn, ngay trong tháng 2/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị khẩn số 05/CT-BCT về việc triển khai các giải pháp tăng cường XK, NK trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với các hiệp hội dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, hóa chất... để nắm bắt thông tin về khả năng cung ứng nguyên, vật liệu trong nước, nhu cầu NK, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất các giải pháp tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, đồng thời đề xuất các biện pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, đa dạng hóa thị trường NK, tránh phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu vào một thị trường.
Đồng thời, yêu cầu các thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất XK nguyên, phụ liệu; hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, DN kết nối với nhà cung cấp nước ngoài…
Với thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc, xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới song vẫn bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Đồng thời, khuyến khích DN chủ động tìm nguồn cung nguyên, phụ liệu thay thế từ các đối tác trong nước.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thuế XK, thuế NK và dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 125/2017/NĐ-CP về Biểu thuế XK, Biểu thuế NK… nhằm tạo điều kiện cho DN trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo Bộ Tài chính, việc miễn thuế NK nguyên liệu sản xuất, giảm thuế suất thuế NK cho một số mặt hàng sẽ làm giảm thu ngân sách hơn 6.000 tỷ đồng, song đây là biện pháp cần thiết để hỗ trợ DN trong thời điểm khó khăn hiện nay. |