Giày Việt chinh phục người Việt
Sản xuất da giày mới đáp ứng được 40% nhu cầu trong nước |
Giày dép Việt chiếm lĩnh thị trường
Nối tiếp thành công từ việc xây dựng thương hiệu giày Việt Nam, Công ty TNHH Giày Tuấn Việt vừa khai trương thêm cửa hàng thứ 4, chuyên phân phối và bán các sản phẩm giày mang thương hiệu 8Topia do công ty này sản xuất. Trong định hướng phát triển của Công ty TNHH Giày Tuấn Việt, ngoài việc XK, trong 2 năm 2016 - 2017, công ty sẽ tiếp tục mở thêm 11 cửa hàng chuyên bán sản phẩm giày 8Topia từ Đà Nẵng trở vào khu vực phía Nam.
Quay lại chinh phục người tiêu dùng ở thị trường nội địa đang là hướng đi của nhiều DN da giày Việt. Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, sau hơn 7 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đã giúp người tiêu dùng tiếp cận và ưu tiên sử dụng các sản phẩm da giày do các DN trong nước sản xuất. Từ đó, các DN ngành Da giày cũng có thêm cơ hội để tiếp cận, tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu nhằm điều chỉnh chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.
Đã có những DN từ XK 100% chuyển hướng một phần sang sản xuất phục vụ thị trường nội địa như Công ty TNHH Thời trang Tuấn Việt, Công ty CP Giày Việt, Công ty Giày Viễn Thịnh... Đến nay, giày Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, tại các kênh phân phối truyền thống như chợ, các gian hàng giày dép Việt Nam cũng xuất hiện khá nhiều. Đây là kết quả sau hàng loạt những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn có sự tham gia nhiệt tình của các DN giày dép Việt. Ngoài ra, việc xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng giày dép “Made in Vietnam”, giày Việt Nam XK trên hệ thống bán hàng online là minh chứng rõ ràng cho sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm giày dép Việt.
Hỗ trợ mạnh hơn cho các DN
Theo khảo sát của Hiệp hội Da giày Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước khoảng 150 triệu đôi/năm, nhưng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Nguyên nhân bởi tỷ lệ nội địa hóa còn thấp khiến giá thành sản xuất các sản phẩm giày dép vẫn ở mức cao, mới đáp ứng được phân khúc người tiêu dùng thành phố có thu nhập tầm trung hoặc phục vụ cho bà con vùng nông thôn có thu nhập ở mức trung bình. Ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, người dân có thu nhập thấp, giày dép Việt vẫn còn vắng bóng. Chưa kể, nạn hàng nhái, hàng giả là vấn nạn, gây ảnh hưởng lớn đến các DN sản xuất da giày trong nước.
Do hầu hết các DN da giày có quy mô nhỏ, vốn, công nghệ và kinh nghiệm không nhiều, việc xây dựng một đại lý, cửa hàng hay kho trung chuyển là điều không đơn giản. Vì vậy, Hiệp hội Da giày khuyến cáo, DN nên liên kết với nhau để tạo ra các kho, trạm trung chuyển nhằm giảm chi phí. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, lợi thế cạnh tranh cho DN mà còn là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm với giá hợp lý.
Ngoài ra, để DN da giày chủ động triển khai chiến lược đón cơ hội mới, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước cùng các bộ, ngành trong việc xây dựng một vùng công nghiệp da giày quy mô lớn, thuận tiện cho việc bảo vệ môi trường và sản xuất tập trung. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ với các cơ chế, chính sách thích hợp nhằm giảm giá thành sản xuất.
Sau gần 7 năm triển khai, CVĐ đã được triển khai sâu rộng trong ngành Da giày, có những DN đã gắn bó với CVĐ nhiều năm, như Công ty TNHH Thời trang Tuấn Việt, Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Giày Thượng Đình, Công ty CP Giày Vĩnh Phú... Nhiều DN đã tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; đầu tư mở cửa hàng để giới thiệu và bán giày dép sản xuất trong nước. |