Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bán hàng đa cấp
5 đợt kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp
Theo thông báo mới nhất từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, căn cứ Nghị định số 40/2018/NĐ-CP (Nghị định số 40) ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Nghị định số 18/2023/NĐ-CP (Nghị định số 18) ngày 28/4/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia dự kiến tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương ở Hà Nội, thời gian trong tháng 11/2024.
Hình thức kiểm tra là tự luận (thi viết). Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông báo, trường hợp người tham gia bán hàng đa cấp, doanh nghiệp có nhu cầu kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, các doanh nghiệp nộp hồ sơ về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chậm nhất ngày 4/11/2024.
Cụ thể, đối với hồ sơ đăng ký kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hang đa cấp gồm: Đơn đề nghị kiểm tra, xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp theo Mẫu số 20a ban hành kèm theo Nghị định số 18; danh sách người được đề nghị kiểm tra, xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương gồm các thông tin: Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân; 2 ảnh kích thước 3x4cm của những người trong Danh sách kể trên; 1 Bản sao chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp (Bản sao chứng thực hoặc xuất trình bản gốc để đối chiếu tại thời điểm nộp hồ sơ).
Đối với hồ sơ đăng ký kiểm tra kiến thức cho đầu mối tại địa phương gồm: Đơn đề nghị kiểm tra, xác nhận kiến thức cho đầu mối tại địa phương theo Mẫu số 20b ban hành kèm theo Nghị định số 18; danh sách người được đề nghị kiểm tra, xác nhận kiến thức cho đầu mối tại địa phương gồm các thông tin: Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân; 2 ảnh kích thước 3x4cm của những người trong danh sách nêu trên; 1 Bản sao chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp (Bản sao chứng thực hoặc xuất trình bản gốc để đối chiếu tại thời điểm nộp hồ sơ).
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lưu ý, mỗi thí sinh chỉ được đăng ký tham gia một trong hai hình thức kiểm tra nêu trên. Thông tin chi tiết về kế hoạch kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp sẽ được cập nhật trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tại địa chỉ http://www.vcc.gov.vn.
Người tham gia bán hàng đa cấp không nắm chắc các quy định của pháp luật, sẽ gây ra nhiều hệ luỵ không đáng có. Ảnh: Công Nguyễn |
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, năm 2024, đơn vị tổ chức 5 đợt kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương. Theo đó, ở TP. Hà Nội vào các tháng 3, 9 và 11/2024; tại TP. Đà Nẵng vào tháng 5/2024 và TP. Hồ Chí Minh là tháng 8/2024.
Trước đó, tại kỳ kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương tổ chức đợt III tại TP. Hồ Chí Minh (tháng 8 năm 2024) có đến hơn 90% số người tham gia bán hàng đa cấp không vượt qua kỳ thi này. Cụ thể, với nội dung kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp có 68 thí sinh tham gia, song chỉ có 6 người đạt, còn 62 người không đạt (chiếm tỷ lệ hơn 90%). Còn nội dung kiểm tra kiến thức bán hàng đa cấp cho đầu mối địa phương tại khu vực này cũng chỉ có 7/19 người tham gia đạt.
Chi tiết hơn về kết quả 2 nội dung thi này, có 11 doanh nghiệp có người tham gia dự thi kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp. Đáng chú ý, có đến 8 doanh nghiệp 100% người tham gia không vượt qua được kỳ thi. Không khá khẩm hơn, kết quả của nội dung thi kiến thức bán hàng đa cấp cho đầu mối tại địa phương có 5 công ty với 19 người tham gia dự thì có 3 doanh nghiệp không có thí sinh đạt.
Đảm bảo môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh và bền vững
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, việc có đến hơn 90% người tham gia bán hàng đa cấp không vượt qua được kỳ kiểm tra kiến thức pháp luật là một tình trạng đáng báo động hiện nay. Điều này chứng tỏ, những người tham gia bán hàng đa cấp không hề nắm chắc các quy định của pháp luật, sẽ gây ra nhiều hệ luỵ không đáng có.
Được biết, đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp là một phần quan trọng của quá trình đào tạo cơ bản cho những người tham gia vào hoạt động này. Theo quy định tại Nghị định số 40 và Nghị định số 18, các doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải có trách nhiệm đào tạo kiến thức pháp luật cho những người tham gia. Đây là một yếu tố không thể thiếu để đảm bảo tính chính xác và hợp pháp trong việc thực hiện bán hàng đa cấp.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: HaUI |
Nội dung đào tạo này bao gồm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp. Các quy định này không chỉ giúp người tham gia hiểu rõ về quy trình và các điều kiện cần thiết để thực hiện bán hàng đa cấp mà còn đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, tránh phạm lỗi và rủi ro pháp lý.
Ngoài ra, nội dung đào tạo cũng tập trung vào pháp luật về quảng cáo. Bởi, việc quảng cáo đóng vai trò quan trọng trong bán hàng đa cấp và việc hiểu rõ về các quy định pháp luật liên quan đảm bảo rằng mọi chiến lược quảng cáo là hợp pháp và không vi phạm các quy định.
Hơn nữa, nội dung đào tạo còn bao gồm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều này đặt ra yêu cầu cao đối với những người tham gia bán hàng đa cấp, phải đảm bảo rằng sản phẩm hoặc dịch vụ họ cung cấp không chỉ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mà còn đảm bảo rằng quyền lợi của họ được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật.
“Ngoài các quy định cụ thể về hoạt động bán hàng đa cấp, nội dung đào tạo còn tập trung vào việc truyền đạt các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động này. Điều này nhằm đảm bảo rằng mọi hành vi và quyết định đều tuân thủ các nguyên tắc và không vi phạm đạo đức kinh doanh” - vị chuyên gia cho hay.
Đồng thời ông khẳng định, nội dung đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nguồn nhân lực chất lượng, có khả năng thực hiện các hoạt động bán hàng đa cấp một cách hiệu quả và đồng thời đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan.
Cũng theo quy định tại Nghị định 40 và mới nhất là Nghị định 18, từ ngày 20/6/2023, tổ chức đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp sẽ phải tuân thủ theo những quy định: Về nội dung đào tạo, các cơ sở đào tạo phải thực hiện đào tạo theo nội dung và chương trình đã được cơ quan quản lý nhà nước công nhận, và phải cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp cho người tham gia; đồng thời, phải có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương bằng văn bản về kết quả đào tạo tại cơ sở trong thời hạn 10 ngày làm việc sau khi kết thúc khóa đào tạo.
Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, hàng năm, Bộ Công Thương (đầu mối là Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia) sẽ thực hiện kiểm tra việc đào tạo và cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp của các cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.
Dựa vào kết quả kiểm tra, tùy thuộc vào mức độ sai phạm, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ yêu cầu cơ sở đào tạo khắc phục sai phạm hoặc tạm đình chỉ quyết định công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.
Ngoài ra, đơn vị sẽ thu hồi và đình chỉ quyết định công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp trong các trường hợp: Cơ sở đào tạo bị giải thể, cơ sở đào tạo không khắc phục được sai phạm trong thời gian tạm đình chỉ, các sai phạm không thể khắc phục được.
“Thông qua các biện pháp này, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ đảm bảo sự tuân thủ và chất lượng của các cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, đồng thời bảo vệ quyền lợi của học viên và đảm bảo môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh và bền vững” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khẳng định.
Hiện trên cả nước có 19 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động, giảm 48 doanh nghiệp so với năm 2016. Tính riêng năm 2023, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp là hơn 768.000 người, tăng gần 61.000 người so với năm 2017 (707.330 người), tức tăng hơn 8%. Cũng trong năm này, tổng doanh thu bán hàng đa cấp đạt hơn 16.866 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022 là 21.110 tỷ đồng (khoảng 90% doanh thu bán hàng đa cấp đến từ việc kinh doanh thực phẩm chức năng). Với doanh thu này, tổng số thuế các doanh nghiệp đa cấp nộp ngân sách khoảng 2.255 tỷ đồng. |