Giải pháp để ngành Công Thương tiến nhanh trên hành trình chuyển đổi số
Ngày 21/11, trong khuôn khổ Diễn đàn chuyển đổi số ngành Công Thương 2024, tại buổi tọa đàm về thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương dưới sự điều phối của ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Biên tập Báo Công Thương (Bộ Công Thuơng) các diễn giả đã chia sẻ thực trạng, kinh nghiệp chuyển đổi số và đề ra giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung.
Chuyển đổi số toàn diện
Chia sẻ về quá trình chuyển đổi số, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết, EVN đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số, lấy sự hài lòng của khách hàng là thước đo, trên cơ sở ứng dụng toàn diện công nghệ số trong quản lý và phát triển lĩnh vực năng lượng.
Với mục tiêu đó, EVN đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số toàn diện các hoạt động trong Tập đoàn. Trong đó 100% các dịch vụ điện cấp độ 4 đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; 99,54% các giao dịch sử dụng điện được thực hiện trên môi trường điện tử; toàn bộ quá trình sử dụng điện đã được số hóa và liên thông với nhau từ yêu cầu sử dụng điện, đến lúc sử dụng điện, giải đáp các yêu cầu sử dụng điện, phát hành hóa đơn, thanh toán hóa đơn,... đều được thực hiện trên môi trường điện tử.
Ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Biên tập Báo Công Thương điều phối tọa đàm về thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương. |
Để có kết quả này, EVN đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Trong đó, rà soát các quy trình nội bộ để tối ưu, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, điển hình như quy trình kinh doanh của EVN liên tục được cải tiến, thay đổi 4 lần kể từ năm 2002 đến nay.
Quy hoạch và từng bước chuyển đổi thiết bị công nghệ mới thay thế cho các thiết bị đã hết hạn sử dụng (công tơ điện tử đo xa thay thế cho công tơ cơ hết hạn sử dụng). Thay đổi và phát triển đồng bộ với sự phát triển chung của các nền tảng hạ tầng quốc gia và các cơ chế chính sách của Nhà nước.
Cần đủ cơ sở dữ liệu
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Minh cho rằng, chuyển đối số trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp còn nhiều khó khăn so với lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Thành- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, chuyển đổi số hiện nay đang tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử, còn công nghiệp về cơ bản, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp đã triển khai một cách bài bản để làm ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số trong công nghiệp, trong sản xuất chưa nhiều, chưa đại trà tại các doanh nghiệp như các ngành nghề khác trong thương mại, dịch vụ…
Lấy ví dụ cụ thể, ông Thành cho biết, đã có một số doanh nghiệp lớn tiếp cận được công nghệ số trong lĩnh vực công nghiệp như Vinfast, Thaco, và một số doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may. Tuy nhiên, các đơn vị trong ngành chế biến, chế tạo, cơ khí,... lại khó khăn hơn trong chuyển đổi số.
Theo ông Thành, cái khó trong chuyển đổi số ngành công nghiệp là về cơ chế chính sách. Trước hết cần có đủ cơ sở dữ liệu, bởi hiện nay, nội dung gì cũng cần đến số liệu, trong khi đó các báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương hiện đang vênh nhau và chưa có quy chuẩn.
“Chúng tôi mong muốn, các cơ sở, các doanh nghiệp cung cấp đủ dữ liệu để làm nguồn đầu vào đảm bảo, có như vậy chúng tôi mới xây dựng được cơ sở dữ liệu chính xác để biết được hiện nay ngành cần gì? Các doanh nghiệp cần gì? để các cơ quan quản lý tiếp tục là cầu nối để đặt hàng các doanh nghiệp hỗ trợ giải pháp, giải quyết vấn đề”, ông Thành nói và cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối kết hợp với các doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp tối ưu trong sản xuất, cũng như kết nối thông tin trong các ngành nghề để các doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin chính thống.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Là địa phương đầu tư lớn cho chuyển đổi số, riêng về thương mại điện tử Hà Nội cũng là địa phương đi đầu, tại tọa đàm ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng chia sẻ những kết quả và kinh nghiệm trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Thế Hiệp, Hà Nội có quy mô dân số lớn, trên 10 triệu người; có hơn 200 nghìn doanh nghiệp hoạt động, hơn 350 nghìn hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, tỷ lệ dân số tham gia mua hàng trực tuyến chiếm 52%; các ứng dụng thương mại điện tử đạt 47%; tỷ lệ sử dụng hoá đơn điện tử đạt 67%. Ngoài ra, tỷ lệ về thanh toán điện tử… cho thấy, ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số, các giao dịch về điện tử tại Hà Nội ngày càng gia tăng, tốc độ phát triển nhanh.
Về hoạt động thương mại điện tử, trên cơ sở định hướng của Nhà nước về phát triển thương mại điện tử, Thành phố Hà Nội xác định phát triển thương mai là 1 trong 9 nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện. Do đó, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng về công nghệ thông tin, logistics, phương tiện thanh toán… được quan tâm, đầu tư. Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực cũng là nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm.
Trên cơ sở đó, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì, tham mưu cho các đơn vị, ban, ngành thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử; đưa ra các giải pháp, tổ chức thực hiện; hoàn thiện cơ chế chinh sách, quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tham gia.
Ngoài thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, Sở Công Thương Hà Nội cũng luôn gắn các nhiệm vụ phát triển thương mại điện tử với các nhiệm khác của ngành về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu; phát triển logisitics, chương trình OCOP, sản phẩm làng nghề. Cùng đó, gắn với các chương trình sản xuất hàng hoá trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, liên kết vùng….
Đến nay, một số chỉ tiêu về thương mại điện tử, số người dân, doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử cũng như các chỉ số về thứ hạng thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước, sau Thành phố Hồ Chí Minh.
Tọa đàm với chủ đề thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương |
Cùng với đó, Sở Công Thương Hà Nội luôn tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gắn với làng nghề truyền thống, nông sản… qua phát triển thương mại điện tử tổ chức các chương trình tập huấn; giới thiệu cho doanh nghiệp, hỗ trợ về thị trường, giải pháp thương mại điện tử…
Qua Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển; cùng với đó là đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra về thương mại điện tử nhằm tạo sự công bằng cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử.
“Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu thực hiện. Mặt khác, xác định thương mại điện tử là lĩnh vực quan trọng, chúng tôi cũng mong muốn có sự phối hợp giữa các ngành để lĩnh vực này phát triển hiệu quả” ông Nguyễn Thế Hiệp đề nghị.
Ba bước doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện
Nhắc đến thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số, chuẩn bị cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, ông Nguyễn Văn Minh mong muốn ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số và dịch vụ chuyển đổi số bền vững - FPT Digital chia sẻ các giải pháp cho doanh nghiệp chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay rất tốt, người dân cũng không còn quá ngỡ ngàng với công nghệ số. Tuy nhiên, soi chiếu vào doanh nghiệp thì nó là câu chuyện phức tạp hơn rất nhiều.
Với doanh nghiệp, họ đã thấy được lợi ích từ chuyển đổi số, ứng dụng số giúp tối ưu được chi phí, tăng khả năng doanh thu, mở rộng cơ hội thị trường.
Dù hạ tầng và nền tảng công nghệ thông tin Việt Nam hiện nay tương đối đa dạng, và cũng có rất nhiều giải pháp, nhiều sự lựa chọn cho doanh nghiệp để thúc đẩy các hoạt động nhưng cần có các giải pháp phù hợp với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Lĩnh vực điện lực có bước chuyển đổi số mạnh mẽ. |
Mặt khác, để chuyển đổi số các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc ứng dụng công nghệ thông tin. Có những doanh nghiệp đã trải qua nhiều bài học “đau thương”, đầu tư hệ thống rất lớn nhưng nhân sự chưa sẵn sàng sử dụng thì là “con dao 2 lưỡi”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, với doanh nghiệp để chuyển đổi số phải trải qua 3 bước. Đầu tiên là số hóa dữ liệu doanh nghiệp. Tiếp theo là tối ưu hóa quy trình khi có dữ liệu số. Và cuối cùng là tiến tới chuyển đổi số toàn diện. Tùy doanh nghiệp đang ở bước nào sẽ có lộ trình thực hiện sao cho phù hợp.
Đồng hành cùng địa phương chuyển đổi số
Chia sẻ về chiến lược phát triển của Grab và lấy ví dụ về dự án số hóa ghế đá, bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam cho biết, khoảng cách giá trị thương mại điện tử và kinh tế số giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với các địa phương khác rất lớn, Grab đã đưa ra chiến lược tập trung phát triển tại các địa phương khác ngoài 02 thành phố lớn này. Chính vì vậy, trong thời gian vừa rồi Grab đã làm việc rất nhiều địa phương như Sở Công Thương, Sở Du lịch,... Việc đặt các ghế đá của Grab tại các điểm du lịch không chỉ là câu chuyện ghế ngồi, mà trên đó là sự hiện diện của điểm đến du lịch trên nền tảng gọi xe như Grab.
“Ví dụ, khách ngồi tại ghế đá số 1, thì khách có thể tìm được chính xác ghế đá số 1 trên app Grab khi gọi xe. Như vậy sẽ giảm nhiều thời gian tìm của tài xế, giảm nhiều thời gian và công sức hướng dẫn khi khách hẹn tài xế đến đúng địa điểm. Qua đây đồng thời cũng hỗ trợ các địa phương số hóa hạ tầng về du lịch”, bà Đặng Thùy Trang nói.
Ngoài ra, trên ghế đá cũng có những mã QR khi khách du lịch scan thì sẽ biết xung quanh đó có những nhà hàng gì có thể đến ăn trưa hoặc mua cafe, di tích, danh thắng,... Bà Đặng Thùy Trang cho rằng, đó là kinh doanh nhưng cũng đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số.
Bà Đặng Thùy Trang chia sẻ, trong thời gian tới Grab sẽ triển khai nhiều dự án như này không chỉ ở Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế mà ở các địa phương. Vì vậy, Grab mong muốn được đồng hành với các Sở Công Thương, các sở, nghành liên quan để có thể triển khai nhiều hơn nữa các dự án tương tự.