Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn |
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP cao, đời sống người dân được cải thiện. Từ một quốc gia kém phát triển, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì chỉ có kinh tế thị trường mới thúc đẩy được cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững. |
Năm 2017, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, song tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 6,81%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra là 6,7%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP, chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, năng suất lao động (NSLĐ) của toàn nền kinh tế năm 2017 tăng khoảng 6%. Mô hình tăng trưởng được dịch chuyển theo hướng tích cực, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, chuyển hướng sang lấy công nghiệp, chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt. Tăng trưởng năm 2017 cũng được đánh giá đều ở các khu vực của nền kinh tế và đạt được những thành tựu khác về giảm nghèo, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2017 cũng ghi nhận thành công của Việt Nam trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, môi trường kinh doanh Việt Nam đã có những cải thiện tích cực, niềm tin của người dân, doanh nghiệp (DN) được củng cố, số lượng DN thành lập mới đạt 127 ngàn DN, cao nhất từ trước đến nay. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút gần 36 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2017 đạt 425 tỷ USD, môi trường kinh doanh được cải thiện tích cực…
Nhiều chuyên gia quốc tế tham dự diễn đàn |
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức, thể hiện qua GDP bình quân đầu người còn thấp, NSLĐ chưa cao, đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) chưa được như kỳ vọng. Cùng với đó, bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và hội nhập kinh tế quốc tế,… cũng tạo ra những thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
Theo TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, để đuổi kịp được các quốc gia phát triển, Việt Nam phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 8% liên tục trong vòng 10 hoặc 20 năm tiếp theo.
Để đạt được mức tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo, bà Caitlin Wiesen - Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam cho rằng, thay vì dựa vào nguồn lao động giá rẻ, Việt Nam cần tập trung nâng cao NSLĐ và tăng tính cạnh tranh cho lực lượng lao động. Muốn làm được điều đó, lao động Việt Nam cần có kỹ năng cao hơn, nhằm tạo ra NSLĐ cao hơn, có như vậy mới đáp ứng được đòi hỏi của CMCN 4.0 và cạnh tranh trong thu hút vốn ngoại. Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cần chú trọng nhiều hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo không gian bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế hoạt động, nhất là khu vực kinh tế tư nhân. Tạo điều kiện để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mở rộng quy mô, vì hiện nay, 90% DN tại Việt Nam là DNNVV.
Toàn cảnh diễn đàn |
Đồng tình với quan điểm trên, ông Valerio De Luca- Giám đốc điều hành Diễn đàn Phát triển bền vững toàn cầu cho rằng: Việt Nam cần tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc về các thiết kế tài chính, công khai minh bạch thông tin, thúc đẩy mối liên kết giữa khu kinh tế công và tư, nhằm hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Cùng với đó, cần có chính sách tốt hơn cho khu vực DNNVV, DN khởi nghiệp, giúp họ tận dụng tốt hơn cơ hội từ hội nhập và CMCN 4.0.
Thừa nhận những thách thức nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những thách thức này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Theo đó, để “hóa giải” thách thức, Việt Nam cần tập trung vào một loạt các giải pháp, bao gồm: Tiếp tục tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả; Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc nguồn vốn FDI; Phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo; Phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị; Đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội; Phát triển bền vững về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.