Giải ngân vốn đầu tư công thấp và những "nỗi sợ” được gọi tên
Đẩy mạnh giải ngân triển khai các dự án đầu tư công được xem là động lực kỳ vọng giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi tăng trưởng cho năm 2023. Thế nhưng, một số bộ, ngành và các tỉnh, thành lại đang đề nghị hoàn trả vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm 2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50,68%, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, tỉ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 52,33% kế hoạch giao; tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài đạt 28,37% kế hoạch giao.
Dù tỉ lệ giải ngân giải ngân vốn đầu tư công đã tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vẫn có tới 33 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có văn bản đề nghị cắt giảm kế hoạch năm 2023. Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị điều chỉnh giảm hơn 9.350 tỷ đồng.
Lý do khiến tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công không như mong đợi, bắt nguồn từ một số khó khăn, vướng mắc. Tại Hội thảo chuyên đề về đầu tư công trong khuôn khổ Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Vai trò của Kiểm toán Nhà nước” diễn ra mới đây, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng chỉ ra những “nút thắt” trong đầu tư công nói chung và giải ngân vốn đầu tư công nói riêng.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, do đặc thù triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, đồng thời với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chưa khi nào nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư công lớn như hiện nay. Trong bối cảnh năng lực quản lý và khả năng hấp thu nguồn vốn ở không ít bộ ngành, địa phương còn hạn chế.
Ở khía cạnh khác, nguồn thu tiền sử dụng đất - một trong những nguồn vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn tại các địa phương thời gian vừa qua lại rất khó khăn do vướng mắc trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản ảm đạm, tính thanh khoản thấp.
Trong 9 tháng năm 2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50,68% |
Việc lập, phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn, hàng năm còn có những tồn tại, bất cập như còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa phù hợp với tiến độ các dự án, còn có trường hợp bố trí không đúng cơ cấu ngành, lĩnh vực, nguồn vốn, đối tượng sử dụng vốn hoặc bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư; việc điều chỉnh kế hoạch vốn còn chưa linh hoạt, kịp thời; việc bố trí vốn đối ứng tại một số địa phương còn chưa kịp thời, đảm bảo cơ cấu theo quy định.
Việc định giá đất, cơ chế đền bù, phương án hỗ trợ tái định cư; việc điều chỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng,… vẫn còn những bất cập về thẩm quyền, trình tự thủ tục; các phương pháp xác định giá đất chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tiễn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do hậu quả của công tác quản lý đất đai yếu kém kéo dài nhiều năm trước.
Việc thiếu hụt nguyên vật liệu phục vụ thi công các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngành giao thông; giá các nguyên vật liệu có những thời điểm chưa được dự báo, kiểm soát tốt, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, dự án, tăng chi phí đầu tư.
Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị chưa được đề cao, rõ nét; một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa thực sự vào cuộc, trình độ chuyên môn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; việc kiểm tra, giám sát còn chưa được thường xuyên, hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, giữa các cấp chính quyền địa phương còn chưa thực sự tích cực, hiệu quả trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện...
Thông qua thực tiễn kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều "nút thắt" trong đầu tư công |
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư; công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng; công tác tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nhiệm thu, thanh quyết toán;... tại nhiều dự án vẫn còn những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, hiệu lực, hiệu quả vốn đầu tư. Bên cạnh đó, năng lực một số nhà thầu thi công chưa đáp ứng được tiến độ, chất lượng.
“Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa tích cực, thậm chí sợ trách nhiệm khi triển khai, ký duyệt các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế”, đại diện Kiểm toán nhà nước cho biết.
Nhận diện được các “nút thắt” đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các đại biểu cũng đã đưa ra rất nhiều giải pháp để nhanh chóng “khơi thông” dòng vốn, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo đà tăng trưởng, thúc đẩy và phục hồi kinh tế.
Bà Cao Thị Minh Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, trong thời gian tới cần điều chỉnh ngay các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư công, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, rút vốn nhà tài trợ,... trong việc triển khai dự án để đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn ngoại tệ cho phát triển đất nước.
Chỉ còn khoảng gần 3 tháng nữa là Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực, do đó, để Luật đi vào cuộc sống, giải quyết ngay được những điểm nghẽn trong hoạt động đấu thầu của các dự án đầu tư công, các văn bản hướng dẫn những nội dung giao Chính phủ quy định tại Luật cần được ban hành kịp thời, chất lượng...
“Các khâu phân bổ vốn đầu tư công, giao vốn đầu tư công... phải làm sớm từ đầu, cần xác định rõ trách nhiệm chủ đầu tư khi được giao quản lý dự án đầu tư, định kỳ hằng quý, 6 tháng, 9 tháng rà soát, dự án nào không giải ngân đúng tiến độ, triển khai chậm, chúng tôi sẵn sàng sàng cắt chuyển dự án khác có tiến độ tốt hơn”, đại diện địa phương có mức giải ngân cao (khoảng 74%), ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Khắc Thận cho biết, cơ quan quản lý, chủ đầu tư có trình độ chuyên môn tốt, cán bộ quản lý dự án am hiểu pháp luật, thì công tác đầu tư công triển khai sẽ thuận lợi. Muốn làm nhanh trước hết phải làm đúng.
Điểm quan trọng then chốt quyết định là công tác giải phóng mặt bằng. Dự án được triển khai bài bản, đúng quy định, nhưng đến khâu giải phóng mặt bằng chậm, không làm tốt thì tiến độ dự án sẽ bị chậm lại.
Cùng quan điểm như trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh, giải pháp cho giải ngân đầu tư công phải từ trên xuống dưới, đó là các thông điệp, “sức nóng” của người lãnh đạo, chỉ đạo sát sao nhưng cũng phải làm tốt từ dưới lên, đặc biệt cần có sự ủng hộ của người dân, bên cạnh đó có các chủ đầu tư có năng lực.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, điểm nghẽn nằm ở khâu phân bổ và phê duyệt các dự án đầu tư và một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, Giáo sư Hoàng Cường nhấn mạnh, cần phải hoàn thiện những nút thắt về mặt cơ chế, chính sách trong việc phê duyệt phân bổ dự án, những cơ chế chính sách trong giải phóng mặt bằng và khai thác các mỏ vật liệu và quá trình triển khai.
Tuy nhiên, nếu cứ chờ giải quyết các vấn đề chính sách sẽ rất lâu, do vậy cần có những chính sách tức thời, có thể có những quyết định của Chính phủ cho phép giải quyết những vướng mắc ngay lập tức, hoặc cao hơn nữa có thể đề xuất đến Quốc hội có những nghị quyết đặc thù riêng để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc.