Giá sách giáo khoa tăng: Trách nhiệm thuộc về ai?
Giá sách giáo khoa tăng “phi mã” trong thời gian qua, cùng với việc sử dụng sách giáo khoa lãng phí khi sách chỉ sử dụng được một năm học , điều này đã làm dư luận xã hội bức xúc. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Có cần khổ to, giấy đẹp?
Như đã biết, vừa qua, Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa theo hương trình giáo dục phổ thông mới sẽ diễn ra với khối lớp 3, 7 và 10 ở hai bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”, áp dụng từ năm học 2022-2023, với mức tăng “khủng” tới gấp 2, 3 lần giá sách cũ.
Theo công bố công khai của NXB Giáo dục Việt Nam, một bộ sách giáo khoa lớp 3 có giá từ 177.000 đồng đến 183.000 đồng. Bộ sách giáo khoa lớp 7 từ 208.000 đồng đến 209.000 đồng. Bộ sách giáo khoa lớp 10 từ 246.000 đồng đến 301.000 đồng. Và tất cả giá này đều chưa bao gồm sách cho bộ môn tiếng Anh.
Giá sách này được đánh giá đắt gần gấp đôi so với chương trình cũ. Khi với cùng khối lớp, giá sách trước kia chỉ dao động từ 58.000 đồng đến 172.000 đồng.
Giá sách giáo khoa mới tăng cao so với sách giáo khoa liên hành được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đưa ra là “sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ”. Lời giải thích này hoàn toàn phù hợp với chi phí sản xuất.
Tuy nhiên theo như ý kiến của ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì vấn đề đặt ra ở đây là tuổi thọ của sản phẩm thế nào, để từ đó để lựa chọn vật liệu cho phù hợp. Nếu sử dụng nhiều năm, đương nhiên chất liệu phải tốt, nếu sử dụng trong thời gian ngắn, cần cân nhắc.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng: “Đối với việc tăng giá sách giáo khoa, đặc biệt một số phụ huynh nói không cần màu sắc quá sặc sỡ mà quan trọng là chất lượng nội dung của chương trình giáo dục, tôi cho rằng điều này là hợp lý”.
Bà Thúy gợi nhắc, nhìn lại 20 năm về trước, khi bà đi học cũng rất đơn giản, sách có thể chỉ là đen trắng nhưng quan trọng chất lượng, nội dung của cuốn sách đó mang lại hiệu quả tốt.
“Nếu có điều kiện hơn thì sách vở có thể được thiết kế đẹp hơn, tuy nhiên không nên quá tập trung vào hình thức mà quan trọng chất lượng nội dung. Nên, nếu có thể tiết giảm hình thức cuốn sách, đầu tư đến chất lượng, giảm giá thành cho phụ huynh, đặc biệt phụ huynh ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa để các em có thể tiếp cận tri thức là điều tốt nhất”, đại biểu Thúy bày tỏ.
Giá sách giáo khoa tăng, trách nhiệm thuộc về ai? |
Cùng với đó, Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) cho rằng việc thay đổi sách giáo khoa rất hợp lý, tuy nhiên thực tế chưa phù hợp với từng vùng miền, nhất là những tỉnh vùng núi, vùng sâu vùng xa…
“Theo tôi quan trọng là chất lượng bên trong cuốn sách, như vậy cũng vừa đảm bảo cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện kinh tế dễ tiếp cận được tri thức. Hiện nay, một số sách giá thành cao, nên nhiều phụ huynh không có đủ điều kiện mua sách cho con, chỉ tối thiểu được sách cơ bản, còn những sách nâng cao hoặc tham khảo thêm thì phụ huynh không đáp ứng được”, bà An quan ngại.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV sáng ngày 8/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung ( Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) khẳng định, giá sách giáo khoa do Bộ Tài chính quy định chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi, theo quy định về luật giá và các văn bản hướng dẫn về giá sách giáo khoa do doanh nghiệp tự xây dựng và quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp với phương án giá bán của sách giáo khoa và thực hiện kê khai với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường.
Trong khi đó, chiều ngày 24/6 vừa qua trả lời qua điện thoại với phóng viên Báo Công Thương, TS. Nguyễn Bá Cường - Giám đốc NXB Đại học sư phạm cho biết: “Liên quan đến cơ cấu giá thành của sách giáo khoa thì toàn bộ vấn đề này đều được các nhà xuất bản tuân thủ theo quy định và kê khai với Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính”.
Trong khi đó, tại phiên trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội vào sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Sách giáo khoa thuộc danh mục kê khai giá, nên quyền quyết định về giá là các nhà nhà xuất bản. Nhà nước chỉ có thẩm định giá với sách giáo khoa hoặc sản phẩm được mua bằng ngân sách Nhà nước.
Tại phiên họp Báo cáo tại cuộc họp về công tác điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì vào chiều 13/6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai một lẫn nữa khẳng định: hiện giá sách giáo khoa được quản lý giá theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá. Giá sách giáo khoa thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.
Trao đổi phóng viên Báo Công Thương, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đã cho rằng: Mặc dù hiệu trưởng nhà trường hoặc giám đốc NXB nói vậy nhưng thực tế không phải như vậy bởi Cục Quản lý giá không thể nào tham gia sâu như vậy được là do lĩnh vực của ngành nào thì ngành đó quyết định giá. Chính vì vậy, Quốc hội mới có đề nghị cho phép Chính phủ tham gia vào việc quản lý sách giáo khoa” .
Trước đó, trả lời với các phóng viên bên lề tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng: giá sách giáo khoa có ảnh hưởng lớn, nên việc tăng giá phải “tính đúng, tính đủ, cân đong đo đếm”. Ví dụ chi phí đầu vào tăng có mức độ, chỉ tăng 1,5 lần nhưng lại tăng giá lên gấp 2, 3 lần thì không hợp lý.
“Tăng giá sách giáo khoa là chuyện quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, cần sự vào cuộc của Bộ Tài chính”, đại biểu Hòa nêu quan điểm.
Theo đại biểu Hòa, Luật Giá hiện hành quy định, những việc liên quan từng Bộ chuyên ngành thì Bộ đó có quyền ban hành quy định quản lý về giá, trong đó sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.