Gia Lai: Đề xuất xây dựng trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng cạn
Xây dựng và hình thành các trung tâm logistics còn khó khăn
Gia Lai là một trong những trung tâm phát triển nông nghiệp mạnh của cả nước, hiện có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị kinh tế như: hơn 98.000 ha cà phê, sản lượng hơn 257.000 tấn/năm, hồ tiêu hơn 13.000 ha, sản lượng hơn 47.000 tấn/năm, cao su hơn 88.000 ha với sản lượng mủ khô hơn 123.000 tấn/năm; sắn hơn 81.000 ha, sản lượng đạt trên 1,6 triệu tấn/năm; khoảng 21.000 ha trái cây các loại (phần lớn là chuối gần 5.000 ha, chanh leo hơn 3.000 ha, sầu riêng gần 2.000 ha). Trong đó có một số sản phẩm nông sản có sản lượng rất lớn như: cà phê, điều, tiêu, chanh leo…và nhiều loại nông sản khác là nguồn nguyên liệu phong phú cho chế biến và xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh.
Cà phê Gia Lai, một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. |
Trong thời kỳ đô thị hóa nhanh chóng và tăng trưởng kinh tế, việc quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa trở thành yếu tố quyết định sự thành công của các doanh nghiệp và toàn bộ hệ thống kinh tế. Việc xây dựng và hình thành các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng cạn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của ngành dịch vụ logistics cả nước nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.
Tuy nhiên, dịch vụ logistics là ngành dịch vụ còn khá mới mẻ đối với tỉnh Gia Lai. Trong khi đó quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc xây dựng và hình thành các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng cạn trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp một số khó khăn như: Sự phát triển của dịch vụ vận tải tỉnh Gia Lai chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa nội tỉnh, quy mô nhỏ.
Vận tải hàng hóa tại cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Đức Cơ, Gia Lai. Ảnh: VY. |
Bên cạnh đó, chất lượng của dịch vụ logistics phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của dịch vụ vận tải. Khi hoạt động vận tải được tổ chức thực hiện một cách tối ưu, chất lượng tốt sẽ góp phần đáng kể nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Hệ thống kết cấu hạ tầng vận tải mặc dù được đầu tư, nâng cao khả năng kết nối liên vùng nhưng tốc độ phát triển chưa theo kịp với đà phát triển của thương mại, xuất nhập khẩu, vận chuyển hành khách.
Ngoài ra, hạ tầng logistics chưa đồng bộ và còn thiếu tính kết nối, thiếu hạ tầng kho, bãi tập trung, chưa đồng bộ với hệ thống đường giao thông và cơ sở sản xuất. Phần lớn nhân lực trong lĩnh vực logistics hiện nay đều được đào tạo từ các nguồn khác nhau, chưa được đào tạo chính quy, bài bản. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ cơ bản, đơn lẻ, chủ yếu đảm nhận công đoạn giao nhận vận tải. Hạ tầng mạng lưới bưu chính được phát triển rộng khắp, vì đặc thù của các xã khu vực nông thôn như: diện tích tự nhiên rộng, dân cư thưa thớt, sống không tập trung…gây khó khăn rất nhiều cho việc duy trì, phát triển mạng lưới bưu chính, dẫn đến chất lượng mạng lưới tại một số nơi chưa đáp ứng được nhu cầu khách hàng.
Đồng bộ phát triển chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics liên kết
Việc xây dựng và hình thành các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng cạn là rất cần thiết nhằm tạo đòn bẩy cho hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu hàng hóa, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa của Gia Lai. Không chỉ để phục vụ tỉnh mà còn đáo ứng nhu cầu của cả khu vực. Hiện nay, đầu tư kinh doanh trung tâm logistics là ngành nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; do đó, dự án sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về thuê đất, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp. Để phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy ngành Logistics phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Gia Lai cần xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistic trên địa bàn tỉnh. Đồng thời triển khai thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường và hoạt động kinh doanh dịch vụ Logictics trong các khâu lưu thông, vận chuyển, phân phối, dự trữ hàng hóa; kết hợp kiểm tra với hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các quy trình, điều kiện kinh doanh đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định.
Các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng cạn là rất cần thiết nhằm tạo đòn bẩy cho hoạt động xúc tiến thương mại |
Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cần đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, thay đổi tư duy, từ sản xuất chạy theo quy mô, số lượng, chuyển dịch sản xuất theo quy chuẩn, đơn đặt hàng của từng thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm. Áp dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc, tích cực, chủ động tham gia các chương trình đưa các phẩm hàng hóa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, vừa góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa tận dụng các chính sách hỗ trợ và hạ tầng logistics của sàn thương mại điện tử.
Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến thương mại đầu tư các dự án phát triển hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch. Cụ thể các dự án phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các cảng cạn, trung tâm kho vận quốc tế logistics Tây Nguyên, trung tâm dịch vụ logistics nông sản trên địa tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics của tỉnh.
Những biện pháp này sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh logistics thuận lợi, cải thiện khả năng cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Gia Lai. Đây là những bước đầu tiên quan trọng trong hành trình xây dựng một hệ thống logistics mạnh mẽ và hiệu quả cho tỉnh, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.