Giá cà phê Arabica đạt mức cao mới khi xuất khẩu toàn cầu giảm
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2024 giảm 22 USD/tấn, ở mức 3.744 USD/tấn, giao tháng 7/2024 giảm 19 USD/tấn, ở mức 3.679 USD/tấn.
Cà phê Arabica giao tháng 5/2024 tăng 5,75 cent/lb, ở mức 212,5 cent/lb, giao tháng 7/2024 tăng 5,2 cent/lb, ở mức 211 cent/lb.
Sàn New York vẫn còn được hỗ trợ bởi thông tin Báo cáo thương mại tháng 3 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). Theo đó, tổ chức này cho hay, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 2/2023 đã giảm tới 20,23 % so với cùng kỳ năm trước, xuống ở mức 7,4 triệu tấn.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 5 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 chỉ đạt tổng cộng 43,77 triệu tấn, giảm 8,5 % so với cùng kỳ niên vụ trước.
Đồng nội tệ của Brazil tiếp tục tăng so với USD, do nền kinh tế Mỹ đã xuất hiện dấu hiệu suy thoái, khiến lo ngại rủi ro tăng cao. Điều này hỗ trợ Arabica giữ được mức tăng. Trong khi Robusta phải điều chỉnh lại khi sàn London vào vùng quá mua.
Rạng sáng nay, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,07%, đạt mốc 101,92.
Đồng USD tăng không đáng kể trong phiên giao dịch vừa qua, khi các nhà đầu tư đang cân nhắc xem dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ được công bố đúng vào kỳ nghỉ giao dịch chứng khoán có thể tác động đến chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra sao.
Đánh giá về tình hình cung cầu cà phê trên toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, thế giới sẽ không thiếu hay gặp khó khăn đối với nguồn cung cà phê Arabica nhưng sẽ có khó khăn với cà phê Robusta.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá cà phê Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến tháng 5/2024, trước khi Indonesia vào vụ mới. Có thể cà phê nhân Việt Nam sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024. Hiện, Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới cả về sản lượng xuất khẩu và chất lượng cà phê Robusta.
Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới cả về sản lượng xuất khẩu và chất lượng cà phê Robusta |
Mặt khác, Việt Nam đã kết thúc vụ thu hoạch và phải đợi tới tháng 10/2024 mới vào vụ thu hoạch tiếp theo. Ngoài ra, nắng nóng khô hạn cũng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của vụ cà phê sắp tới.
Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết, nông dân trồng cà phê và các đại lý thu mua hiện có rất ít hàng tồn kho, cho thấy nguồn cung đang khan hiếm. Một số nhà nhập khẩu cà phê lo ngại do điều kiện thời tiết ở Việt Nam không thuận lợi, việc thiếu nước tưới cũng có thể ảnh hưởng đến sản lượng cà phê nhân trong vụ sau. Nguồn cung cà phê Robusta khan hiếm cũng đang thúc đẩy nhu cầu đối với hạt cà phê Arabica có chất lượng cao hơn.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh đánh giá: “Dù phần lớn người mua cà phê trên toàn thế giới thích cà phê Robusta của Việt Nam hơn cà phê Robusta conilon của Brazil nhưng với tình hình giá cao mua khó như hiện nay, các doanh nghiệp rang xay cà phê lớn trên thế giới đã chuyển đổi một phần qua Brazil”.
Theo Chủ tịch Vicofa Nguyễn Nam Hải, khi khách hàng các nước đã quen với hương vị cà phê Robusta của Việt Nam thì việc thay thế sang nguồn hàng khác không phải dễ. Tuy nhiên, nếu giá cà phê duy trì mức cao trong thời gian dài, khách hàng buộc phải thay thế nguồn cung từ Brazil hay Indonesia.
Theo giới phân tích, giá cà phê thế giới tăng cao là do nhu cầu từ các nhà rang xay ở châu Âu tăng nhưng nguồn cung không đáp ứng đủ; đồng thời tình trạng El Nino kéo dài từ năm 2023 đến nay, thời tiết nắng nóng dẫn đến khô hạn đã ảnh hưởng nặng tới năng suất và sản lượng cà phê thế giới.
Trong nước, tình trạng cà phê hạt tăng giá mạnh đang ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nhất là những doanh nghiệp đã ký hợp đồng dài hạn với đối tác (ở thời điểm giá còn thấp).
Nguyên nhân là cà phê nguyên liệu trong nước tăng giá liên tục vì từ khoảng tháng 6-2023 đã hết hàng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho các nhà máy chế biến từ thời điểm đó đến mùa vụ này.
Đến mùa vụ này, theo một số thông tin, sản lượng lại tiếp tục bị sụt giảm khoảng 20% do tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên.