Từ đầu tháng 3/2019, TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ điện cho các thiết bị giải nhiệt, đặc biệt là máy lạnh tăng cao. Tính đến ngày 31/3/2019, tổng sản lượng điện mỗi ngày của thành phố đã tăng dần từ 71 triệu kWh/ngày đến trên 83 triệu kWh/ngày, trong đó, ngày 27/3/2019 ghi nhận sản lượng cao nhất vào khoảng 83,45 triệu kWh.
Trong các tháng 4-5-6 tiếp theo, nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài, và có thể còn nóng hơn nữa. Khi đó, nhu cầu sử dụng điện cũng như sản lượng điện tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng.
Công nhân điện EVNHCMC kiểm tra đảm bảo an toàn điện cho hộ gia đình |
Theo đại diện Tổng công ty điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC), có thể dự báo trước hóa đơn tiền điện các tháng tới sẽ tăng. Ngoài lý do giá điện tăng theo quyết định 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 20/3/2019 vừa qua, thì hàng năm, vào các tháng nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng rất cao. Nhìn vào biểu đồ thống kê sản lượng điện từ năm 2014 - 2018 do Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP. Hồ Chí Minh ghi nhận có thể thấy rõ lượng điện tiêu thụ tháng 3, tháng 4 hàng năm tăng cao so với tháng 2, có năm tăng đến 50%. Khi lượng điện tiêu thụ tăng, đơn giá tiền điện tăng sẽ làm tổng số tiền điện phải trả tăng cao. Đây là điều ngành điện mong muốn khách hàng lưu ý, để từ đó sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn.
“EVNHCMC mong muốn khách hàng nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Tiết kiệm điện vừa giúp giảm chi phí tiền điện, vừa góp phần cho việc vận hành ổn định nguồn điện cấp cho thành phố”, vị này cho biết.
Ông Phạm Quốc Bảo - Tổng giám đốc EVNHCMC - cho hay, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, phục vụ tốt nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh và sinh hoạt, EVNHCMC sẽ triển khai đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư xây dựng và phát triển lưới điện; đặc biệt là các công trình kiện toàn lưới điện như giảm bán kính cung cấp điện, phân chia hợp lý số lượng khách hàng/tuyến dây/trạm biến áp, đảm bảo lưới điện vận hành có dự phòng. Đồng thời xây dựng các kịch bản điều hành, phân phối điện năng khi hệ thống thiếu hụt từ 1% đến 15% sản lượng và công suất trong trường hợp mất điện do nguyên nhân bất khả kháng...
Ngoài những giải pháp trên, để giảm giá điện, EVNHCMC khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất cần cân đối bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, tăng cường sử dụng điện trong giờ thấp điểm, đầu tư các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng và phối hợp với ngành điện theo dõi, kiểm soát chất lượng điện năng.
Về phía người dân nên sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng yêu cầu. Khi mua thiết bị điện, nhất là những thiết bị có công suất tiêu thụ lớn, khách hàng nên mua những sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, người dân cũng cần kiểm tra lại đường dây và thiết bị bảo vệ điện trong nhà để bảo đảm an toàn cũng như chống thất thoát, tổn hao điện.
Mặt khác, TP. Hồ Chí Minh nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh nên tiềm năng sử dụng điện mặt trời là rất lớn. Vì vậy người dân có thể liên hệ các nhà cung cấp, lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để tìm hiểu, lắp đặt cho gia đình nhằm tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng, đồng thời bảo vệ môi trường do sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Tính đến hết tháng 3/2019, EVNHCMC đã cung cấp sản lượng điện đạt 6.201,84 triệu kWh, tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2018; công suất cực đại đạt 4.198,9 MW, tăng 3,38% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến trong các tháng mùa khô (tháng 4, 5 và 6), sản lượng điện ước đạt 6.989,46 kWh, tăng 5.67% so với cùng kỳ năm 2018. |