TP. Hồ Chí Minh: Ngầm hóa lưới điện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc Ngành điện TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh “tốc độ” ngầm hóa lưới điện |
Ngầm hóa lưới điện - mang lại nhiều lợi ích thiết thực
Nhằm đảm bảo an toàn, tin cậy trong vận hành hệ thống điện, đồng thời làm đẹp cảnh quan, tạo môi trường sống văn minh, hiện đại và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đang tiếp tục khẩn trương triển khai công tác ngầm hóa lưới điện theo kế hoạch đề ra.
Đường phố đã thông thoáng sau khi ngầm hoá lưới điện và cáp viễn thông |
Nhìn lại 10 năm từ 2010 - 2020, EVNHCMC phối hợp cùng các chủ đầu tư mương cáp viễn thông (Viettel, VNPT, FPT, SCTV, Tradincorp) hoàn thành 240 dự án ngầm hóa tại 195 tuyến đường, với tổng khối lượng hơn 2.760 km lưới điện trung, hạ thế được ngầm hóa.
Theo đó, giai đoạn 2011- 2015, EVNHCMC hoàn thành 97 dự án ngầm hóa tại 74 đoạn tuyến đường với khối lượng 350 km lưới điện trung thế, 576 km lưới điện hạ thế. Trong giai đoạn 2016 – 2020, hoàn thành 143 dự án ngầm hóa tại 121 đoạn tuyến đường với tổng khối lượng 675 km lưới điện trung thế và 1.160 km lưới điện hạ thế.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hoá cáp viễn thông trên địa bàn TP giai đoạn 2011-2020, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã đánh giá cao sự phối hợp đồng bộ giữa ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông với việc chỉnh trang, cải tạo vỉa hè.
Ông Võ Văn Hoan khẳng định, công tác ngầm hóa lưới điện không chỉ giúp giảm sự cố, giảm mất điện cho khách hàng, nâng cao độ an toàn tin cậy cung cấp điện, mà còn góp phần mang lại diện mạo mới khang trang, sạch đẹp cho hàng trăm tuyến đường của TP, cải thiện đáng kể môi trường sống cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút du lịch, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngầm hóa 1.300km lưới điện trong giai đoạn 2021-2025
Trong năm 2021 vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song EVNHCMC vẫn nỗ lực thi công hoàn tất 4 dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông, với khối lượng ngầm hóa là 7 km lưới trung thế và 38,6 km lưới hạ thế. Đồng thời, khởi công 10 dự án với khối lượng ngầm hóa dự kiến là 73,6 km lưới trung thế và 76,168 km lưới hạ thế, trong đó có 2 công trình ngầm hóa lưới điện đồng bộ công trình giao thông.
Công nhân ngành điện kết hợp thi công trực tiếp và live-line để đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa lưới điện |
Ngay từ đầu năm 2022, ngành Điện TP. Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án ngầm hoá lưới điện, cáp viễn thông theo kế hoạch ngầm hoá dây điện và cáp viễn thông, nhằm thực hiện các mục tiêu về chỉnh trang mỹ quan đô thị do lãnh đạo thành phố đề ra.
Cụ thể, trong năm 2022, EVNHCMC sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình ngầm hóa, dự kiến sẽ hoàn thành 28 dự án trên các tuyến đường lớn như Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), Lê Văn Sĩ, Hoàng Văn Thụ, Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận), Tân Sơn Nhì, Độc Lập, Tân Hương (quận Tân Bình), Trần Hưng Đạo (quận 5)... với khối lượng ngầm hóa dự kiến 137,4 km trung thế và 237,6 km hạ thế. Đồng thời sẽ khởi công 40 dự án với khối lượng ngầm hóa dự kiến 187 km lưới trung thế và 220 km lưới hạ thế.
Dự kiến trong giai đoạn 2023-2025, ngành Điện TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện ngầm hóa với khối lượng 356 km trung thế và 524 km hạ thế. Đối với khu vực trung tâm quận 1, quận 3 và quận 5, EVNHCMC sẽ ngầm hóa toàn bộ lưới điện phân phối trong các ngõ hẻm đã quy hoạch ổn định.
Ngành điện TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực phấn đầu để đến năm 2025 sẽ hoàn thành chỉ tiêu ngầm hóa 500km trung thế và 800km hạ thế theo kế hoạch UBND TP. Hồ Chí Minh đã đề ra.
Để hoàn thành được kế hoạch và mục tiêu trên, ngoài sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của ngành điện cùng các đơn vị đối tác viễn thông, cấp thoát nước… còn rất cần sự ủng hộ, thông hiểu và đồng thuận của người dân thành phố.
Hiện nay, một trong những khó khăn lớn mà ngành điện đang gặp trong công tác ngầm hóa, có nhiều tuyến đường thuộc khu vực nội thành gần như không có vỉa hè, đường nhỏ hẹp, nên gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành điện cùng các nhà thầu khi triển khai thi công ngầm hoá. Mặt khác, một số công trình còn vấp phải vướng mắc do sự bất đồng quan điểm về vị trí đặt các tủ điện trung - hạ thế của người dân địa phương so với các bản vẽ thiết kế, quy hoạch hạ tầng lưới điện - viễn thông đã được lãnh đạo thành phố thông qua.
Để giải quyết các vướng mắc, ngành điện đang phối hợp cùng chính quyền địa phương nỗ lực tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng nhằm đẩy nhanh tiến độ các công tác ngầm hoá và chỉnh trang mỹ quan đô thị, góp phần mang lại sự thông thoáng, hiện đại, an toàn cho các tuyến đường của TP. Hồ Chí Minh.