EVN chủ động ứng phó thiên tai
Theo nhận định của Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hiện tại, đang là thời kỳ cao điểm về bão, lũ; trong khi dịch Covid - 19 diễn ra phức tạp, lây lan nhanh, mạnh trong cộng đồng, hầu hết các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội. Đây thực sự là thách thức lớn cho ngành điện và các địa phương nếu xảy ra thiên tai.
Đảm bảo an toàn công trình thủy điện trong mùa mưa bão |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện số 5394/CĐ - BCT ngày 1/9/2021 về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai và Văn bản số 5363 / BCT - PCTT ngày 31/8/2021 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Bộ Công Thương về việc rà soát, chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, bão, lũ nhất là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, bão và mưa lớn kéo dài trên diện rộng như xảy ra tại khu vực miền Trung, giảm thiểu tối đa thiệt hại và đảm bảo phòng, chống dịch, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN của EVN đã chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay nội dung trong các văn bản của Bộ Công Thương.
Theo đó, theo dõi thường xuyên tình hình thời tiết và diễn biến dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Y tế để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các tập thể, cá nhân liên quan chủ động phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn. Các đơn vị thực hiện phương án ứng phó với tình hình thiên tai, mưa, lũ có khả năng diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho phụ tải quan trọng, bảo đảm an toàn công trình điện lực và an toàn khu vực hạ du các công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý.
Đối với các đơn vị thủy điện, cần phối hợp với Sở Công Thương triển khai những biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, công tác vận hành hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn công trình, hạ du phù hợp với diễn biến của mưa, lũ; tăng cường quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn để chủ động báo cáo cấp thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan có liên quan vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả; tham gia cắt giảm/làm chậm lũ; nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường; liên tục kiểm tra, đánh giá tình trạng đập; các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước... và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có) để có biện pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời đảm bảo an toàn công trình, hạn chế tối đa áp lực cho các công trình ở hạ du khi phải xả lũ. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm (hệ thống loa, còi, phát thanh, đèn, cột thủy trí, biển báo...) đảm bảo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng, nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.
Đối với các đơn vị lưới điện, cần tăng cường kiểm tra các tuyến đường dây, xử lý các khiếm khuyết; phối hợp với chính quyền địa phương trong quá trình cắt tỉa cây xanh, đặc biệt khu vực đô thị, đồng dân cư đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão.
Tất cả các đơn vị ngành điện chuẩn bị nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất, thực hiện tốt phương châm phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh “4 tại chỗ + 5K + Vắc xin”. |