Thứ tư 30/04/2025 04:40

Đưa tri thức số đến với startup

Đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp (DN), trong đó bao gồm gần 1/4 DN do phụ nữ làm chủ. Chuyển đổi số được xem là một trong những “chìa khóa” giúp DN trụ vững trong bối cảnh hiện nay.

Cơ hội từ công nghệ số

Vài năm trước, ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất là điều khá xa vời với chị em phụ nữ, nhưng hiện nay, công nghệ kỹ thuật số đang nhanh chóng thâm nhập thị trường lao động; tạo ra việc làm mới, góp phần cải thiện điều kiện lao động, nâng cao năng suất. Câu chuyện của chị Bùi Hiền Lương, Công ty Cổ phần Biển Quỳnh, Nghệ An, 1 trong 24 dự án khởi nghiệp tiêu biểu được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 - là ví dụ điển hình.

Công ty Cổ phần Biển Quỳnh tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ

Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp dự án “Nâng cao giá trị của con cá trích - hướng tới xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm chả cá trích Quỳnh Phương”, chị Hiền Lương cho biết, là người con của biển, chứng kiến ngư dân sau chuỗi ngày vất vả đánh bắt trở về với những khoang thuyền đầy ắp cá nhưng phải đối mặt với cảnh “được mùa mất giá” khiến chị rất xót xa. Với mong muốn đưa sản phẩm cá trích giàu dinh dưỡng đến bữa ăn của mỗi gia đình, chị thử nghiệm với cá trích tươi hay cá trích nướng, nhưng những hạn chế trong đóng gói, vận chuyển khiến chất lượng cũng như hình thức sản phẩm không đạt yêu cầu. Bởi vậy, chị đã nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm chả cá trích.

Đặc điểm của cá trích là rất nhiều xương, nên công đoạn chế biến chả đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Vậy nên chị đã đầu tư hệ thống cấp đông bằng máy nén bầu ngưng giải nhiệt nước Bitzer, máy tách xương cá CR-900, máy xay cá có biến tần TMTP-C27, máy hút chân không... Việc đầu tư máy móc đã giúp cho sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, thời gian bảo quản lâu hơn, giải phóng được sức lao động nhiều hơn. Sản phẩm chả cá trích đã được chứng nhận OCOP 4 sao. Chị cũng phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An quảng bá sản phẩm trên môi trường số nhằm tìm đầu ra ổn định. Thành công của dự án không chỉ mang lại giá trị sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 30 phụ nữ tại địa phương, với mức thu nhập 4-10 triệu đồng/tháng mà còn đưa đặc sản của quê hương đi mọi miền tổ quốc.

Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 91 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2021), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam dự án của chị Hiền Lương là 1 trong 24 dự án khởi nghiệp tiêu biểu được vinh danh. Theo Ban tổ chức, các dự án đã thể hiện đam mê, khát khao, tinh thần đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh doanh.

Đáng chú ý, để giúp chị em tiếp cận với công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, những năm gần đây, nhiều Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh đã phối hợp với Công ty Facebook tại Việt Nam tổ chức hướng dẫn nhiều hội viên chia sẻ kiến thức khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh; kỹ năng marketing trực tuyến, tạo trang facebook doanh nghiệp; tạo nội dung và chiến lược tương tác hiệu quả trên facebook để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh... Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều hợp tác xã, mô hình kinh doanh do phụ nữ làm chủ. Điển hình tại Sơn La, tính riêng trong năm 2020, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã giúp 261 phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, với tổng số tiền hỗ trợ trên 2 tỷ đồng.

Chủ động trang bị kiến thức

Theo chia sẻ của nhiều chị em là chủ DN, công nghệ 4.0 được xác định là “chìa khóa” để phụ nữ nâng cao năng lực, sự sáng tạo và có thêm cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp. Nếu không muốn tụt lại phía sau, phụ nữ phải chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng để đáp ứng kịp với những thay đổi; từng bước làm chủ khoa học - công nghệ để nắm bắt cơ hội và thành công.

Thực tế, thời gian qua, nhiều chị em đã chủ động trong việc tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; tiếp cận các loại hình dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm để mở rộng cơ hội việc làm trên thị trường lao động; nâng cao nhận thức về công nghệ 4.0 ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh...

Giới chuyên gia nhận định, với nền tảng công nghệ hiện đại, các DN do phụ nữ làm chủ có thể dễ dàng tiếp cận khối lượng dữ liệu khổng lồ về thị trường, xây dựng và phát triển mạng lưới kinh doanh, tối ưu quy trình, phương thức sản xuất dẫn đến giảm chi phí và tăng năng suất lao động, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt của đời sống giúp không gian địa lý được xích gần lại.

Thanh Tâm