Chủ nhật 24/11/2024 09:47

Dự án truyền tải điện - Chậm tiến độ do khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Nhiều dự án truyền tải điện hiện vẫn đang bị chậm tiến độ, nguyên nhân chủ yếu được xác định là do vướng mắc trong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng.

Quá thời hạn yêu cầu đóng điện

Mặc dù thời hạn mà chủ đầu tư là Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia yêu cầu đóng điện đã quá 15 ngày, nhưng tại nhiều vị trí của dự án Xây dựng đường dây 220kV mạch kép đấu nối TBA 220 kV Bắc Quang nhà thầu thi công vẫn đang chờ có mặt bằng sạch triển khai.

Ông Phùng Bảo Anh - Phó giám đốc Ban Quản lý các công trình điện miền Bắc - đơn vị được được Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia giao nhiệm vụ quản lý dự án cho biết:“hiện toàn tuyến đường dây còn 01 vị trí cột và 10 khoảng néo trên địa bàn huyện Bắc Quang (Hà Giang) và 01 vị trí cột và 14 khoảng néo trên địa bàn huyện Lục Yên ( Yên Bái) là đang bị nghẽn, chưa thể thi công”.

“Theo phê duyệt, dự án cần phải đóng điện trước 30/6/2022, tuy nhiên các vị trí cột và khoảng néo trên chưa thể thi công là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và công tác đền bù thi công. Do đó, dự án chưa thể hoàn thành theo tiến độ được phê duyệt”, ông Phùng Bảo Anh chia sẻ.

Còn 10 khoảng néo tại Bắc Quang đang chờ giải phóng hành lang tuyến để đơn vị thi công kéo dây

Công trình đường dây 220kV mạch kép đấu nối TBA 220 kV Bắc Quang là công trình trọng điểm có quy mô 2 mạch dài hơn 43 km gồm 117 vị trí móng cột, tuyến đường dây chạy dài từ huyện Bắc Quang của tỉnh Hà Giang cho đến huyện Lục Yên của tỉnh Yên Bái.

Công trình được đầu tư với mục đích giải tỏa hết công suất của các nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Giang lên hệ thống điện quốc gia, qua đó nâng cao độ an toàn tin cậy ổn định cung cấp điện cho hệ thống điện miền Bắc nói chung trong đó đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái nói riêng nhất là khi mùa khô năm 2023 đang đến gần.

Cụ thể, tại huyện Lục Yên, hiện đã có 34/35 vị trí cột móng đã hoàn thành, còn vị trí cột 20 chưa có mặt bằng do người dân chưa đồng ý mức tiền đền bù, 14 khoảng néo cũng đang bị dừng lại do hành lang tuyến chưa giải quyết xong công tác đền bù cho dân.

Đại diện nhà thầu thi công, ông Lưu Ánh Minh - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà 11.1 cho biết: Đơn vị thi công đã sẵn sàng nhân lực, vật tư để đảm bảo tiến độ, nếu được bàn giao vị trí 20 sớm thì chỉ trong tháng 7 là chúng tôi hoàn thành móng và dựng cột. Việc chậm bàn giao mặt bằng để thi công khiến chi phí sản xuất của chúng tôi tăng lên khi mà đội ngũ nhân lực gần 40 người cùng phương tiện máy móc, thiết bị cũng phải nằm chờ mặt bằng.

Vị trí cột 25 tại xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, Yên Bái đang được đơn vị thi công gấp rút triển khai

Còn tại huyện Bắc Quang, hiện đã có 81/82 vị trí cột đã hoàn thành chỉ còn vị trí cột 94 người dân yêu cầu đơn giá bồi thường gấp 04 lần quy định cùng với đó 20/30 khoảng néo đã giải tỏa xong hành lang tuyến, hiện còn 10 khoảng néo vẫn đang vướng mắc do 28 hộ dân chưa đồng thuận để nhận tiền đền bù.

Phụ thuộc vào ý chí của từng địa phương

Xác định đây là một trong những công trình trọng điểm nhằm đảm bảo giải tỏa công suất cho các nhà máy điện vừa nhỏ trên địa bàn tỉnh cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, lưới điện sớm vận hành sẽ góp phần giảm thiệt hại về kinh tế của nhà nước khi phải mua điện từ Trung Quốc, với tầm quan trọng đó ngay khi dự án được triển khai, UBND huyện Bắc Quang đã thành lập Ban Chỉ đạo bồi thường công tác giải phóng mặt bằng do trực tiếp đồng chí Bí thư huyện ủy làm Trưởng ban chỉ đạo.

Ông Nguyễn Đàm Thuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang chia sẻ, hiện Bắc Quang đang có nhiều dự án lớn, trọng điểm của tỉnh và của ngành điện, tuy nhiên trước tầm quan trọng của dự án, chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian sớm nhất, theo quy định của pháp luật.

Về trước mắt Tổ tuyên truyền giám sát do mặt trận tổ quốc và các đơn vị thành viên sẽ nâng cao công tác tuyên truyền, vận động bám sát vào cơ chế, chính sách của nhà nước, đồng thời đẩy mạnh giám sát trong quá trình thực hiện.

Thực tế triển khai cho thấy, có trường hợp vị trí cột 51 liên quan đến 04 hộ dân (02 hộ nhận tiền đề bù, 02 hộ không), sau khi đã tuyên truyền vận động, phân tích đầy đủ cơ chế chính sách của nhà nước mà người dân không hiểu hoặc cố tình không hiểu, đã buộc chính quyền phải ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Sau đó ban hành các kế hoạch triển khai các bước tiếp theo. “Sau 10 ngày có quyết định cưỡng chế thì 02 hộ còn lại đã viết đơn đồng thuận nhận tiền đền bù”, ông Thuyên chia sẻ.

Ông Thuyên cũng khẳng định, đối với vị trí cột 94, chính quyền địa phương sẽ vận dụng theo quy định pháp luật để đảm bảo hiệu quả cao nhất, cố gắng làm sao không để phải cưỡng chế, bảo vệ thi công.

Còn tại huyện Lục Yên (Yên Bái), nói về vướng mắc tại vị trí cột 20, ông Đặng Minh Hiệp, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lục Yên cho biết: Quan điểm của chính quyền địa phương làm tốt vận động để người dân đồng thuận, người dân đồng thuận thì hiệu quả sẽ cao và lâu dài hơn. Đối với hộ dân chưa nhận đề bù gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án tại vị trí cột 20, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền xã mời gia đình lên làm việc nhiều lần và tiến hành các bước theo quy định của pháp luật.

Vị trí cột 15 tại xã Tân Lĩnh ( huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đang chờ bàn giao hành lang tuyến để kéo dây

Khi được hỏi nếu vận động, thuyết phục nhiều lần và tiến hành đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật mà người dân không chấp hành thì có tiến hành cưỡng chế không thì ông Hiệp không trả lời.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề phức tạp và gây ảnh hưởng đến tiến độ của các công trình, dự án đầu tư xây dựng, tuy nhiên việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc đó rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương nơi có dự án. Tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh hay chậm chỉ có thể phụ thuộc vào ý chí của chính quyền địa phương sở tại trong công tác phối hợp với chủ đầu tư của các dự án.

Thời gian qua nhiều dự án truyền tải của ngành điện đã bị chậm tiến độ do vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng như: Dự án cụm Vân Phong 1 và đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm; Dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Dự án đường dây 500kV Đức Hòa – Chơn Thành đoạn đi qua tỉnh Bình Dương…Trong khi dự báo nhu cầu phụ tải sẽ tăng cao, nguy cơ thiếu điện ngày càng hiện hữu nếu các dự án truyền tải không hoàn thành đúng tiến độ.

Trước tình hình trên, tại cuộc họp ngày 27/6/2022 với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 và tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với ngành điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo là phải bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện, không để xảy ra khủng hoảng năng lượng trong mọi tình huống; Đồng thời, phải phát triển ngành điện bền vững, hiệu quả, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.

Để thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu cấp thiết và trước mắt là EVN phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện nói chung và các dự án trọng điểm, bởi nó có ý nghĩa quan trọng trong phát triển của ngành điện nói riêng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và cho phát triển kinh tế chung của đất nước.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT

18 Trần Nguyên Hãn - Hoàn Kiếm - Hà Nội

www.npt.com.vn

info@npt.evn.vn

facebook.com/Truyentaidienquocgia

SĐT: 042 222 6666 - FAX: 042 220 4455

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Giải phóng mặt bằng

Tin cùng chuyên mục

Hai doanh nghiệp lớn bắt tay hợp tác phát triển hệ thống trạm sạc xe điện toàn quốc

Cơ chế điều hành giá xăng dầu sẽ được quy định ra sao?

Tổng Giám đốc EVNNPC làm việc với UBND tỉnh và PC Sơn La

Quy định thương nhân phân phối không mua bán xăng dầu lẫn nhau: Không làm mất tính cạnh tranh trên thị trường

Công ty Thủy điện Quảng Trị: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi số

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 30/11

Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt chính cho EU lần đầu kể từ năm 2022

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Những góc khuất cần nhìn nhận sau đề xuất thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu lẫn nhau

Làm lợi 1,43 tỷ đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm năng lượng

Khí đốt Nga vẫn chảy đến châu Âu qua Ukraine

Vì sao xăng sinh học RON 92 E5 vẫn gặp thách thức tại thị trường Việt Nam?

Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế và kỳ vọng

Vì sao châu Âu vẫn quan tâm đến khí đốt Nga?

Một quốc gia châu Âu tiếp tục nhận khí đốt từ Nga sau khi ‘đóng van’ với Áo

Đưa điện về khu tái định cư Kho Vàng, Nậm Tông vượt tiến độ 45 ngày

Bài 2: Sửa đổi Luật để tạo đột phá về thể chế

Ứng dụng UAV và công nghệ AI: Bước đột phá trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

Bài 1: Bài học lịch sử, nhiệm vụ lịch sử