Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng

Chiều ngày 15/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Thể hiện rõ vai trò Nhà nước Chiều 15/8, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng

Điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung thêm một Chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; đã sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng làm rõ người tiêu dùng chỉ là cá nhân mua, bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích thương mại.

Làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Việc sửa đổi nêu trên nhằm tạo căn cứ xác định chính xác người tiêu dùng trong quá trình thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.

Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, Dự thảo Luật bổ sung một Chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

Đánh giá về dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, dự thảo luật làm rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là lưu ý trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng, chính sách khuyến khích xã hội tham gia vào việc bảo vệ người tiêu dùng.

Song ông Trần Thanh Mẫn cũng chỉ rõ, luật mới nghiêng về “kinh doanh tiêu dùng” còn sản xuất thì ít chú ý. Do đó cần nghiên cứu sao cho cân đối. Bởi có sản xuất mới có hàng hoá để kinh doanh tiều dùng. Đặc biệt là chính sách quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng.

Theo các đại biểu, so với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành, dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi bổ sung thêm nhiều điều khoản về bảo vệ thông tin người tiêu dùng. Cụ thể các điều 8, 9, 10, 11 quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; bảo vệ thông tin người tiêu dùng; thông báo khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; sử dụng thông tin của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu thực tế, khi mua hàng hóa, các bên bán hàng hóa, dịch vụ thường yêu cầu khách hàng cung cấp thêm thông tin cá nhân. Sau đó, mọi người hay nhận rất nhiều tin nhắn rác, điện thoại rác trên cơ sở sử dụng thông tin khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.

Thậm chí, ông Thanh cho hay nhiều khi "đang họp còn nhận các tin nhắn rác, cuộc gọi chào mua bất động sản, hàng hóa"… “Câu chuyện như thế này xử lý như thế nào để bảo vệ thông tin của người tiêu dùng?” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói và cho rằng cần quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân, việc chia sẻ với bên thứ ba để không được lạm dụng, gây phiền toái cho người tiêu dùng.

Góp ý về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề bảo vệ người yếu thế như thế nào cần đánh giá tác động cho kỹ. Ví dụ như quảng cáo nói quá sự thật. Người tiêu dùng mua rồi thì "tiền mất tật mang", không xứng đáng với giá trị bỏ ra. Vấn đề này quy định ở Luật Quảng cáo, còn luật này thì xử lý thế nào?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thông tin, sau phiên chất vấn mới đây Bộ trưởng Bộ Công an nói trước mắt Chính phủ sẽ xây dựng nghị định để bảo vệ dữ liệu cá nhân, đến năm 2024 mới xúc tiến xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

“Trong điều kiện như vậy, tính tương thích của luật này với các pháp luật có liên quan về bảo vệ dữ liệu cá nhân như thế nào? Chúng ta dẫn chiếu hay chờ hay quy định trước một số luôn?” - Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được xác định là đạo luật trung tâm

Thay mặt Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cảm ơn những ý kiến chỉ đạo, đóng góp của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu đối với hồ sơ dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trên cơ sở lắng nghe, tổng hợp các ý kiến phát biểu tại phiên họp, cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo tiếp thu một số nội dung, cụ thể như sau: Thứ nhất, về việc xác định vị trí và định vị Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hệ thống pháp luật, Bộ Công Thương xin tiếp thu và nhất trí việc phải xác định rõ vị trí, vai trò của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Hiện nay, các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành đều có những quy định hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ví dụ, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bảo vệ người tiêu dùng ở khía cạnh chất lượng sản phẩm, pháp luật về an toàn thực phẩm hay pháp luật về môi trường bảo vệ người tiêu dùng ở khía cạnh an toàn...

"Vì vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được xác định là đạo luật trung tâm, đồng thời kết nối, phối hợp chặt chẽ với các luật chuyên ngành khác để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thứ hai, về việc tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế và tính khả thi của Dự thảo Luật. Bộ Công Thương xin tiếp thu đầy đủ các ý kiến này để tiếp tục rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện Dự thảo Luật.

Thứ ba, về việc hoàn thiện nội dung liên quan đến chính sách về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, Bộ Công Thương xin tiếp thu để bổ sung rõ hơn các nội dung đã được sửa đổi, hoàn thiện về chính sách này trong quá trình xây dựng dự thảo Luật.

Đồng thời, đối với các ý kiến cụ thể liên quan đến quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật như: Bổ sung thời hạn thu hồi, thời hạn báo cáo kết quả thu hồi, bổ sung quy định chi tiết về phân loại nhóm A, nhóm B, Bộ Công Thương xin tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật.

Thứ tư, về các ý kiến liên quan đến hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các quy định về dự thảo tiêu chí ban hành và công khai Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cũng như hoàn thiện quy định về giải thích hợp đồng, về điều khoản không có hiệu lực.

Thứ năm, về bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng và thương mại điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, đây là vấn đề quan trọng, đã được Bộ Công Thương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân dành nhiều thời gian để trao đổi, hoàn thiện trong thời gian vừa qua.

Ý kiến của các đại biểu đề cập đến một số nội dung cụ thể như: Quy định về hợp đồng theo mẫu trong giao dịch thương mại điện tử; đảm bảo chất lượng hàng hóa khi giao dịch trên môi trường không gian mạng; đảm bảo tính thống nhất với các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử... Đối với các ý kiến này, Bộ Công Thương xin tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tạo cơ sở tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật.

Thứ sáu, về nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương thống nhất với các ý kiến về việc cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn để tiếp tục tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nội dung này đã được quy định trong Dự thảo Luật và sẽ tiếp tục được Bộ Công Thương nghiên cứu để hoàn thiện trong thời gian tới.

Thứ bảy, về nâng cao hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng là một trong các vấn đề lớn được tập trung giải quyết trong Dự thảo Luật.

Vì vậy, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu liên quan đến nội dung thương lượng, hòa giải, tòa án, về giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng dễ bị tổn thương,…Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản pháp luật và phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để hoàn thiện các quy định.

Thứ tám, về một số ý kiến liên quan đến hình thức, kỹ thuật trình bày văn bản, Bộ Công Thương xin tiếp thu để tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.

Tập trung nguồn lực để giải quyết các khiếu nại liên quan đến cá nhân

Làm rõ thêm đối với một số ý kiến đóng góp cho Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu, thứ nhất, về tên gọi của Luật, tên gọi của Luật hiện hành là “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Tên gọi này đã được Quốc hội khóa XII quyết định trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII với lý do: “tên gọi này đã phản ánh cơ bản nội dung của dự thảo Luật, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cũng là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tên gọi này cũng phù hợp với Chương trình xây dựng pháp luật mà Quốc hội đã xem xét, thông qua”.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vẫn có các nội dung cơ bản phù hợp với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành. Vì vậy, việc duy trì tên gọi như hiện tại là phù hợp.

Về khái niệm người tiêu dùng, dự thảo sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng xác định chính xác người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình.

"Cách quy định này giúp tập trung nguồn lực để giải quyết các yêu cầu, khiếu nại liên quan đến các cá nhân (những người vốn thực sự yếu thế trong các giao dịch tiêu dùng) mà không phải phân tán vào việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng là tổ chức - vốn được trang bị đầy đủ về kiến thức và nguồn lực để đảm bảo vị thế cân bằng trong giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh khác" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, hệ thống pháp luật hiện hành về cạnh tranh, thương mại cũng đã có các quy định và cơ chế để có thể áp dụng bảo vệ quyền lợi của các tổ chức khi xảy ra tranh chấp.

Cùng với đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đa số các quốc gia trên thế giới hiện tại cũng lựa chọn cách tiếp cận này khi quy định về khái niệm “người tiêu dùng”.

Về việc bổ sung “sản phẩm” vào cụm từ “hàng hóa, dịch vụ", việc bổ sung “sản phẩm” nêu trên được thực hiện trên cơ sở tổng kết tình hình thực tiễn và kết quả rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Cụ thể, trong thực tiễn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc bảo vệ cần đặt ra đối với cả “sản phẩm” chứ không chỉ “hàng hóa”, ví dụ việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật (tức là thu hồi ngay cả khi sản phẩm đó mới được lưu chuyển trong hệ thống phân phối nội bộ mà chưa đưa vào thị trường để trao đổi, mua bán, tiếp thị).

Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại trên môi trường mạng đã làm xuất hiện nhiều sản phẩm không đáp ứng được định nghĩa về "hàng hóa" theo các quy định hiện hành như các sản phẩm nội dung thông tin số (bản nhạc, bộ phim, e-book mua, tải trực tuyến...).

Các sản phẩm dạng này đã được quy định là "sản phẩm nội dung thông tin số" theo quy định của Luật Công nghệ thông tin 2006. Do đó, cần bổ sung “sản phẩm” vào cụm từ “hàng hóa, dịch vụ” để đảm bảo bao quát đầy đủ các đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật.

Kết quả rà soát cũng cho thấy: cụm từ “sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ” hiện đang được sử dụng tại nhiều luật hiện nay như: Luật Quảng cáo, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật…

Về chính sách sản xuất, tiêu dùng bền vững, trên cơ sở đánh giá tầm quan trọng của vấn đề sản xuất, tiêu dùng bền vững, tại bộ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ Công Thương đã đề xuất và được Chính phủ phê duyệt Chính sách số 5 về “Xây dựng và hoàn thiện các quy định về các loại hình giao dịch, hoạt động, trách nhiệm của các chủ thể, cơ chế kiểm soát, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững”.

Vì vậy, để nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này, Dự thảo Luật đã quy định một điều riêng về chính sách của Nhà nước về sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Để chi tiết hóa chính sách nêu trên, đồng thời, trên cơ sở xác định vấn đề sản xuất, tiêu dùng bền vững cần có sự điều chỉnh của nhiều văn bản thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, Dự thảo Luật không quy định các nội dung cụ thể để tránh trùng lắp với nội dung chuyên ngành trong các lĩnh vực liên quan mà chỉ xác định một số chính sách và giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện các hoạt động nhằm khuyến khích, tạo điều kiện chung cho các hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Về bảo vệ và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, bảo vệ thông tin của người tiêu dùng là nội dung được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm và đã có nhiều ý kiến góp ý trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật.

Việc quy định các nội dung này đã được rà soát, tính toán cụ thể để vừa bảo vệ tối đa thông tin của người tiêu dùng, vừa không tạo gánh nặng và phát sinh chi phí không hợp lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh...

Về thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, đối với quy định về miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật: Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát, đảm bảo việc quy định như Dự thảo hiện tại phù hợp và không mâu thuẫn với quy định về trường hợp bất khả kháng tại Bộ luật Dân sự. Cùng với đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nội dung này cũng được quy định tương tự trong pháp luật của nhiều nước như EU, Úc, Nhật Bản, Philipines, Anh…

Đối với đề nghị bổ sung “dịch vụ có khuyết tật”, Bộ Công Thương đã có nghiên cứu, rà soát về nội dung này và giải trình như sau: Việc bổ sung quy định này không đảm bảo phù hợp với thực tiễn, do: khuyết tật của dịch vụ chỉ được phát hiện sau quá trình sử dụng và chỉ xảy ra theo từng vụ việc cụ thể, vì vậy, việc thực hiện trách nhiệm thu hồi đối với các dịch vụ khác là không có căn cứ.

Cùng với đó, việc xác định khuyết tật của dịch vụ thường khó khăn do chủ yếu phụ thuộc vào cảm nhận chủ quan của người sử dụng, do vậy, khó có căn cứ để đảm bảo tính chính xác, công bằng trong quá trình xem xét vụ việc; và thực tiễn kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới hiện không quy định về thu hồi dịch vụ khuyết tật.

Về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo Luật không sửa đổi các nội dung hiện có của Điều 317 Bộ Luật Tố tụng Dân sự mà chỉ bổ sung thêm một trường hợp tại khoản 5 để từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vốn diễn ra thường xuyên, liên tục, hàng ngày với số lượng lớn nhưng thường có giá trị nhỏ.

Trên thực tế, tại nhiều quốc gia đã xây dựng một quy trình tố tụng riêng với tên gọi là Tòa vụ việc nhỏ cho việc giải quyết các vụ việc của người tiêu dùng, phù hợp với tính chất phổ biến, nhỏ lẻ, cần giải quyết nhanh của các tranh chấp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau phiên họp này, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường để rà soát, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đối với tất cả các ý kiến chỉ đạo, góp ý của các đồng chí tại cuộc họp ngày hôm nay, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội theo đúng Chương trình.
Quỳnh Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Người tiêu dùng

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu Quốc hội: Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu là giải pháp thiết thực

Đại biểu Quốc hội: Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu là giải pháp thiết thực

Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, thúc đẩy đàm phán FTA/CEPA với Qatar và Saudi Arabia

Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, thúc đẩy đàm phán FTA/CEPA với Qatar và Saudi Arabia

Phát triển khoa học - công nghệ: Đột phá quan trọng để Việt Nam giàu mạnh

Phát triển khoa học - công nghệ: Đột phá quan trọng để Việt Nam giàu mạnh

Kéo dài thời điểm thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Kéo dài thời điểm thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Đại sứ Australia khẳng định tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia

Đại sứ Australia khẳng định tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế dứt điểm việc chậm cấp đăng ký lưu hành thuốc

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế dứt điểm việc chậm cấp đăng ký lưu hành thuốc

Các ban đảng đã hoàn thiện đề án tinh gọn bộ máy theo định hướng của Trung ương

Các ban đảng đã hoàn thiện đề án tinh gọn bộ máy theo định hướng của Trung ương

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương

Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ, hợp tác với Australia

Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ, hợp tác với Australia

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Ngành Công Thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tăng trưởng 2 con số

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Ngành Công Thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tăng trưởng 2 con số

Toàn cảnh Diễn đàn Bộ Công Thương chống lãng phí, khơi thông nguồn lực

Toàn cảnh Diễn đàn Bộ Công Thương chống lãng phí, khơi thông nguồn lực

PGS.TS Trần Đình Thiên: Bộ Công Thương tiên phong cải cách hành chính, tạo

PGS.TS Trần Đình Thiên: Bộ Công Thương tiên phong cải cách hành chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Ngành Công Thương đóng góp rất lớn tạo bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu nông sản

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Ngành Công Thương đóng góp rất lớn tạo bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu nông sản

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chống lãng phí phải đi đôi với cải cách thể chế, thông suốt các nguồn lực

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chống lãng phí phải đi đôi với cải cách thể chế, thông suốt các nguồn lực

Bộ Công Thương: Quyết tâm tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo trong chống lãng phí để phát triển bền vững

Bộ Công Thương: Quyết tâm tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo trong chống lãng phí để phát triển bền vững

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024

PGS.TS. Lê Hải Bình: Chống lãng phí - Điều kiện tiên quyết để đột phá phát triển

PGS.TS. Lê Hải Bình: Chống lãng phí - Điều kiện tiên quyết để đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Xem thêm